Công nghệ đột phá giúp làm sạch nguồn nước trên toàn cầu

Loại màng rây siêu mỏng mới được phát triển có thể hoàn toàn tách các ion độc hại khỏi nước như chì, thủy ngân, qua đó mở ra triển vọng làm sạch nguồn nước trên toàn cầu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: waters.com)

Các nhà nghiên cứu Australia đã phát triển được loại màng rây siêu mỏng mới có thể hoàn toàn tách các ion độc hại khỏi nước như chì, thủy ngân, qua đó mở ra triển vọng làm sạch nguồn nước trên toàn cầu thông qua biện pháp lọc và các quy trình khử muối.

Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Science Advances.

Nhóm nghiên cứu do Đại học Monash và Tổ chức Khoa học và công nghệ hạt nhân Australia đứng đầu đã phát triển màng rây phân tử sử dụng các tấm nano cấu trúc hai chiều.

Các tấm nano này có thể giúp loại bỏ các chất độc hại gây ung thư trong không khí thông qua việc tạo ra các màng rây, thúc đẩy quá trình tách khí và loại bỏ các chất dung môi hữu cơ như sơn.

[Israel chuẩn bị xây dựng nhà máy khử mặn lớn nhất thế giới]

Trưởng nhóm nghiên cứu Xiwang Zhang cho biết trong công trình nghiên cứu đầu tiên trên thế giới này, các nhà khoa học đã có thể tạo ra tấm màng thấm nước, mà vẫn lọc được gần như 100% các ion. Nghiên cứu mở ra tiềm năng trong việc ứng dụng các tấm màng kiểu này vào các quy trình lọc khác trong tương lai, chẳng hạn như tách khí.

Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết trung bình trên toàn cầu cứ ba người thì có một người không được tiếp cận nước sạch.

Theo Đại học Monash, sáng kiến về màng lọc mới có thể giúp thúc đẩy quá trình khử muối và chuyển đổi nước bẩn thành nước sạch cho hàng triệu người trên khắp thế giới.

Nghiên cứu cho thấy màng lọc đã hoạt động ổn định trong hơn 750 giờ đồng hồ với nguồn năng lượng giới hạn. Chúng cũng có thể được sản xuất trên quy mô toàn cầu sau khi được thử nghiệm kỹ hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục