Công nghệ Sinh Điện tử mang đến hy vọng cho người tàn tật

Các nhà khoa học Italy và Thụy Sĩ đã chế tạo thành công một cánh tay giả với công nghệ Sinh Điện tử, mô phỏng chân thực nhất các chuyển động cơ bắp thông qua một hệ thống giải mã tín hiệu điện tử.
Ảnh minh họa. (Nguồn: ANSA)

Các nhà khoa học Italy và Thụy Sĩ vừa đạt thêm được một bước tiến mới trong lĩnh vực Sinh Điện tử (Bionique) khi chế tạo thành công một cánh tay giả với công nghệ Sinh Điện tử, mô phỏng chân thực nhất các chuyển động cơ bắp thông qua một hệ thống giải mã tín hiệu điện tử.

Theo hãng Thông tấn Nhà nước Italy (ANSA), trên cơ sở kết quả của một nghiên cứu của Viện Đa khoa Gemelli Rome từ năm 2016, nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Sant Anna (Italy) phối hợp với Trường Bách khoa Lausanne (Thụy Sĩ) đã lắp thử nghiệm thành công cánh tay này cho Almerina Mascarello, một phụ nữ Italy bị tàn tật sau một tai nạn, sống tại thành phố Venice.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu Silvestro Micera, qua sáu tháng thử nghiệm cho thấy, cánh tay giả bên trái này có thể cầm nắm chắc chắn các đồ vật, có thiết kế khá tinh xảo và gọn nhẹ; tiện dụng vượt trội so với phiên bản đã từng được lắp cho một bệnh nhân người Đan Mạch năm 2014. Cụ thể, toàn bộ hệ thống ghi nhận tín hiệu điện tử từ các cảm biến để điều khiển các cử động cánh tay đã được thu nhỏ và giấu gọn trong một balo bình thường, nhờ đó, bệnh nhân có thể đi lại, sinh hoạt bình thường không có bất cứ hạn chế nào.

Cũng theo Silvestro Micera, các thành công đạt được trong thời gian qua sẽ là cơ sở để tối ưu hóa thiết kế cánh tay Sinh Điện tử theo hướng nhỏ gọn hơn nữa để có thể áp dụng rộng rãi cho những người tàn tật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục