Công nghiệp ôtô Việt Nam phát triển như thế nào trong thời đại 4.0?

Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam phát triển muộn hơn so các nước trong khu vực khoảng 30 năm, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn với nền sản xuất trong nước.
Dây chuyền lắp tại Nhà máy Ford Hải Dương. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam phát triển muộn hơn so các nước trong khu vực khoảng 30 năm, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn với nền sản xuất trong nước.

Để phát triển ngành này trong thời đại công nghiệp 4.0, trong khuôn khổ Triển lãm ôtô Việt Nam 2018 đang diễn ra từ ngày 24-28/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo chuyên đề về “Ngành công nghiệp ôtô trong thời đại công nghiệp 4.0.”

Áp lực cạnh tranh lớn

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, cho hay ngành công nghiệp ôtô Việt Nam phát triển muộn hơn so các nước trong khu vực khoảng 30 năm. Thái Lan, Indonesia, Malaysia phát triển công nghiệp ôtô từ năm 1960, trong khi tại Việt Nam đến năm 1991 ngành công nghiệp ôtô Việt Nam mới ra đời. Bởi vậy, khi Việt Nam mới đặt "những viên gạch đầu tiên" để xây dựng ngành, công nghiệp ôtô tại các nước đã rất phát triển, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn đến sản xuất trong nước.

[Chìa khóa thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô: Nhiều động lực để phát triển]

Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, Việt Nam đã có những giải pháp chiến lược dài hạn cho công nghiệp ôtô, coi ngành này là ngành tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa, cần được khuyến khích phát triển bằng những chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn. Đồng thời đưa Việt Nam trở thành nước có ngành công nghiệp ôtô phát triển, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và an toàn môi trường, phù hợp với các cam kết quốc của Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Qua đó, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đã có sự tham gia tích cực và rộng rãi của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó có một số công ty trong nước như Công ty cổ phần ôtô Trường Hải, Công ty cổ phần Huyndai Thành Công, Tập đoàn Vingroup; các tập đoàn ôtô lớn trên thế giới như Toyota, Ford, Honda, Mitsubishi...

Nhờ đó, tổng năng lực sản xuất, lắp ráp ôtô ở Việt Nam đến nay đạt khoảng 600.000 xe/năm, gồm hầu hết các chủng loại xe con, xe tải và xe khách; một số chủng loại xe như xe tải trọng tải đến 7 tấn có tỷ lệ nội địa hóa 55%; xe khách từ 24 chỗ ngồi trở lên tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 45-55% cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra vào năm 2020. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ...

Đặc biệt, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này, các doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trực tiếp, tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng và phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ôtô phát triển.

Xu hướng phát triển xe thông minh

Nói về xu thế phát triển của ngành công nghiệp ôtô trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Ngọc Thành cho hay Việt Nam hiện có trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, vượt mức trung bình của thế giới 46,64%. Với cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin tương đối phát triển đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô có khả năng tiếp cận nhanh chóng với các thành quả công nghiệp 4.0, có thể coi là chìa khóa, cơ hội để tạo bước phát triển mang tính đột phá cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

Xe Sedan A2.0 của Vinfast. (Ảnh: Nguyễn Toàn Trí/TTXVN)

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Nam Khang đến từ Công ty Mercedes-Benz Việt Nam cho biết với cơ sở hạ tầng đã chuẩn bị sẵn cho công nghiệp 4.0, hãy cùng tưởng tượng ngày này của vài năm nữa những chiếc xe ôtô có thể “trò chuyện” với nhau, giao tiếp với nhau, kết nối với các hệ thống công cộng khác và trở thành những “người bạn” thân thiết với con người.

Hiện nay tất cả các nhà nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất ôtô đang tập trung phát triển công nghệ theo ba xu hướng chính và sẽ gắn kết với nhau để tạo thành một khối cùng phát triển trong tương lai không xa. Đó là công nghệ thiết kế, chế tạo và sản xuất phần cứng hợp với thời đại; công nghệ phần mềm điều khiển thông minh và sử dụng trí tuệ nhân tạo; công nghệ kết nối và giao tiếp.

Cả ba hướng phát triển trên đều phục vụ cho một mục đích duy nhất là biến một chiếc xe từ phương tiện chuyên chở đơn thuần thành một “người bạn” thông minh có khả năng giao tiếp, kết nối với vạn vật xung quanh thông qua việc tích hợp trí thông minh nhân tạo để chiếc xe trở nên thông minh và an toàn hơn.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Chủ tịch iBosses Việt Nam (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông), mô phỏng chiếc xe thông minh là người lái có thể chọn điểm đến, xe sẽ chạy theo con đường thông minh nhất do phần mềm IT điều khiển bằng GPS với tốc độ 40 km/h, kết cấu gọn nhẹ, có thể chui vào các tòa nhà.

Chiếc xe chạy điện chở tối đa 6 người và chỉ nặng dưới 500kg, trạm dừng xe chỉ khoảng 5m2, không tiếng ồn và ô nhiễm. Khi cất, gửi, hay lấy xe chỉ cần ấn lệnh trên điện thoại thông minh xe sẽ tự tìm đến.

Ông Nguyễn Ngọc Thành cũng cho rằng nếu trước đây, các yếu tố quyết định sự khác biệt của những chiếc xe là động cơ, hộp số, bộ dẫn động, vô lăng điều khiển và xăng dầu... thì ngày nay, ôtô giống như một chiếc máy tính. Phần mềm và điện đã thay thế chức năng của các yếu tố cơ học, con người và nhiên liệu. Điều đó khiến cho ôtô không còn là cỗ máy bốn bánh thuần cơ khí mà được trang bị hàng loạt các ứng dụng công nghệ giúp lái xe an toàn hơn, đem lại trải nghiệm mới cho người dùng.

Điều đáng chú ý, rất nhiều công ty chưa từng tham gia sản xuất xe ôtô như Google, Tesla, Uber, Apple... nhưng đều đã lên kế hoạch phát triển xe tự hành. Tuy nhiên, xe hơi tích hợp các công nghệ 4.0 vẫn là điều mới mẻ tại Việt Nam và chưa có nhiều công ty tham gia, kể cả trong lĩnh vực sản xuất xe hơi lẫn phát triển phần mềm.

Để không bỏ lỡ thời cơ và quyết tâm thúc đẩy phát triển mảng công nghệ ôtô, tại Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu và bước đầu có những kết quả nhất định (từ năm 2016, FPT đã thành lập một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực này với quy mô 700 người; giữa năm 2017, những ứng dụng công nghệ mới nhất về xử lý hình ảnh, trí tuệ nhân tạo, học sâu (deep learning) đã được FPT đưa vào thử nghiệm trên xe ôtô mô hình; tháng 10/2017, xe ôtô thương mại đầu tiên tích hợp công nghệ xe tự hành do FPT nghiên cứu và phát triển đã chạy thử nghiệm trong khuôn viên của Công ty).

Và gần đây nhất, Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và kinh doanh VINFAST đã và đang đầu tư, trang bị hàng nghìn robot tự động cho nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô tại Hải Phòng. Dự kiến nhà máy này sẽ đi vào sản xuất thương mại vào 2019, khi đó người tiêu dùng có thêm lựa chọn xe điện không gây tiếng ồn và ô nhiễm môi trường như hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục