Neuralink, công ty tiên phong trong việc cấy ghép thiết bị vào não người của tỷ phú Elon Musk, đã sẵn sàng tiến hành các thử nghiệm đầu tiên trên con người sau được cơ quan quản lý ở Mỹ chấp nhận.
Cụ thể, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã "bật đèn xanh" để Neuralink được thực hiện một thử nghiệm lâm sàng trên con người. Điều này đã đánh dấu một bước tiến quan trọng cho Neuralink, bởi công ty đã phải vượt qua rất nhiều rào cản để được FDA cấp phép.
Trong một tin nhắn gửi lên mạng xã hội Twitter, Neuralink cho biết sự chấp thuận của cơ quan quản lý "đại diện cho một bước tiến quan trọng đầu tiên mà ngày nào đó sẽ khiến công nghệ của công ty giúp đỡ được nhiều người hơn". Neuralink hiện chưa công bố thêm nhiều chi tiết về mục tiêu của nghiên cứu, chỉ nói rằng công ty chưa tiến hành tuyển mộ tình nguyện viên và sẽ sớm công bố thêm thông tin.
Thiết bị do Neuralink phát triển, được đưa vào não người thông qua phẫu thuật bằng robot, có thể giải mã hoạt động của não và liên kết thiết bị này với máy tính. Cho đến nay, Neuralink mới chỉ thử nghiệm thiết bị này trên động vật. Thiết bị có kích thước bằng đồng xu này đã được cấy vào hộp sọ của khỉ và nhiều loài vật khác.
Trong một buổi thuyết trình, Neuralink đã cho khán giả xem cảnh một số con khỉ chơi các trò chơi điện tử cơ bản, hay di chuyển con trỏ trên màn hình thông qua thiết bị của Neuralink
Cá nhân Musk từng tuyên bố rằng việc cấy ghép thiết bị vào não có thể giúp chữa một loạt bệnh tật, bao gồm béo phì, tự kỷ, trầm cảm và tâm thần phân liệt. Ngoài ra, việc cấy ghép nếu thành công còn cho phép thực hiện các hoạt động như duyệt web bằng ý nghĩ và tương tác mà không cần tiếp xúc. Musk cũng từng nói rằng ông "rất tin tưởng" vào sự an toàn của các thiết bị cấy ghép não, đến mức ông sẵn sàng cấy chúng cho con mình.
Ngày 25/5, công ty khởi nghiệp Neuralink của tỷ phú công nghệ Elon Musk thông báo Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) của Mỹ đã cấp phép thử nghiệm cấy thiết bị được công ty này phát triển vào não người.
Thiết bị do Neuralink phát triển được đưa vào não người thông qua phẫu thuật bằng robot, có thể giải mã hoạt động của não và liên kết thiết bị này với máy tính.
Cho đến nay, Neuralink mới chỉ thử nghiệm thiết bị này trên động vật. Thiết bị có kích thước bằng đồng xu này đã được cấy vào hộp sọ của khỉ.
[Người bị liệt có thể đi lại nhờ cầu nối kỹ thuật số giữa não, tủy sống]
Theo Telegraph, kể từ năm 2019, Musk đã có 4 lần dự đoán việc Neuralink sẽ sớm được thử nghiệm trên con người. Nhưng công ty chỉ bắt đầu xin FDA cấp phép thử nghiệm hồi đầu năm 2022. Ngay sau đó, FDA đã từ chối cấp phép, chỉ ra nhiều quan ngại mà Neuralink cần giải quyết.
Các quan ngại lớn bao gồm cục pin lithium của thiết bị cấy ghép não, khả năng dây của thiết bị cấy ghép sẽ di chuyển trong não và khó khăn trong việc rút thiết bị cấy ghép ra ngoài, một cách an toàn, mà không làm hỏng mô não.
Để giải quyết những lo ngại này, Neuralink được cho là đã hợp tác chặt chẽ với Viện Thần kinh Barrow, một tổ chức nghiên cứu và điều trị bệnh thần kinh có trụ sở tại Phoenix, Arizona, nhằm nghiên cứu cách thực hiện các thử nghiệm trên người.
Musk đã thành lập Neuralink vào năm 2016, sau khi lên tiếng cảnh báo rằng nếu không tìm cách tích hợp máy tính vào cơ thể, loài người có nguy cơ bị trí thông minh nhân tạo qua mặt.
Tuy nhiên Neuralink đang là đối tượng trong nhiều cuộc điều tra liên bang ở Mỹ.
Hồi tháng 5, Hạ nghị sĩ Mỹ Earl Francis Blumenauer và Adam Schiff, cả hai đều thuộc Đảng Dân chủ, đã ký một văn bản gửi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) yêu cầu điều tra cách Neuralink giám sát các thí nghiệm của họ.
Hai nghị sĩ kêu gọi các cơ quan quản lý kiểm tra xem liệu thành phần của một hội đồng giám sát thử nghiệm trên động vật tại Neuralink có góp phần gây ra những thí nghiệm vội vàng và thất bại, được cho là nguyên nhân dẫn đến cái chết và sự đau khổ không cần thiết cho một số động vật thí nghiệm, hay không.
Theo các hồ sơ về hoạt động thử nghiệm trên động bật của Neuralink mà phóng viên hãng tin Reuters thu được, khoảng 1.500 động vật, bao gồm hơn 280 con cừu, lợn và khỉ đã chết, sau các thí nghiệm được thực hiện kể từ năm 2018.
Một cuộc điều tra riêng của Bộ Giao thông Vận tải cũng đang xem xét liệu Neuralink có vận chuyển bất hợp pháp mầm bệnh nguy hiểm trên các con chip lấy từ não khỉ mà không có biện pháp ngăn chặn thích hợp hay không.
Ngoài ra, Neuralink còn đang bị Văn phòng Tổng thanh tra của Bộ Nông nghiệp Mỹ điều tra về các vi phạm có thể xảy ra đối với động vật. Neuralink và ông Musk đã không bình luận gì về các cuộc điều tra này.
Bên cạnh Neuralink, một số công ty cũng đang tiến hành các nghiên cứu tương tự, gồm công ty Mỹ Sychron. Tháng 7/2022, Synchron cho biết đã cấy thiết bị giao diện máy tính - não vào 1 bệnh nhân ở Mỹ. Cụ thể, công ty khởi nghiệp này đã cấy một thiết bị 1,5 inch (khoảng 3,81cm) vào não của một bệnh nhân mắc hội chứng bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) tại trung tâm y tế Mount Sinai West ở New York.
Mục đích cấy thiết bị này nhằm cho phép bệnh nhân giao tiếp - ngay cả khi họ đã mất khả năng vận động - bằng cách sử dụng suy nghĩ để gửi email và tin nhắn./.