COVID-19 đẩy VN-Index lao dốc đồng thời dọa phá mốc 800 điểm?

Việc VN-Index giảm 6,28% khiến giá trị vốn hóa trên sàn HoSE “bốc hơi” 190.000 tỷ đồng. Theo đó “cơn lốc” COVID-19 cũng đã “cuốn bay” xấp xỉ 300.000 tỷ đồng của cả thị trường.
(Ảnh minh họa. Nguồn:TTXVN)

Phiên giao dịch ngày 9/3, thị trường chứng khoán chào tuần mới với tâm lý hoảng loạn trước sự quay trở lại của dịch bệnh COVID-19 trong mấy ngày qua. Nhà đầu tư vội vã tháo chạy trên tất cả các dòng cổ phiếu, điều này đã khiến VN-Index đóng cửa rơi một mạch 55,95 điểm (giảm tương đương 6,28%).

VN-Index giảm mạnh nhất kể từ năm 2012

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích của Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội, VN-Index đã có mức giảm điểm mạnh nhất kể từ khi nới biên 5% lên 7% (năm 2012), vượt qua cả phiên hoảng loạn trong lịch sử với sự kiện biển Đông vào ngày 8/5/2014 (khi đó VN-Index mất 5,87% giá trị vốn hóa).

Với mức giảm điểm của ngày hôm nay, giá trị vốn hóa trên thị trường HoSE đã “bốc hơi” tới 190.000 tỷ đồng (tương đương 8,3 tỷ USD), theo đó “cơn lốc” COVID-19 đã “cuốn bay” của cả thị trường xấp xỉ 300.000 tỷ đồng, tương ứng gần 12,5 tỷ USD.

[UNCTAD: Dịch COVID-19 có thể khiến FDI toàn cầu giảm tới 15%]

“Nguyên nhân của phiên bán tháo này do nhà đầu tư bị hoảng loạn về tâm lý trước sự bùng phát của dịch COVID-19 tại Việt Nam vào hai ngày cuối tuần. Trong bối cảnh Việt Nam gần như đã khống chế thành công dịch bệnh với chỉ 16 ca nhiễm bệnh và đều được chữa khỏi thì sự bùng phát trở lại của dịch bệnh với tốc độ lây lan nhanh chóng đã tác động mạnh đến tâm lý của người dân nói chung cũng như các nhà đầu tư nói riêng. Điều này đã dẫn hiện tượng tranh đua bán tháo cổ phiếu trong phiên giao dịch này,” ông Thắng nói.

Ông Phạm Tuyến, Giám đốc chi nhánh Bà Triệu, Công ty chứng khoán KIS Việt Nam phân tích: Trước đó, dịch COVID-19 đã lấy đi hơn 10 tỷ USD vốn hóa của thị trường Việt Nam trong 3 phiên đầu sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Sang đến giai đoạn tháng Hai và đầu tháng Ba, thị trường vẫn thiên về xu hướng giảm do áp lực bán ròng từ các đầu tư nước ngoài cộng thêm sự thận trọng của giới đầu tư trong nước.

“Thời gian qua cùng với sự xuất hiện của COVID-19 đã khiến cho kinh tế toàn cầu chao đảo và thậm chí có thể là nguyên nhân gây ra suy thoái kinh tế cho một số quốc gia. Chính vì vậy mà khối ngoại liên tục bán ròng, cho thấy tâm lý khá bi quan với diễn biến chống dịch ngày càng kéo dài và lan rộng. Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán liên tiếp trong 5 tuần trở lại đây với giá trị gần 4.000 tỷ đồng,” ông Tuyến cho biết.

VN-Index sẽ thủng mốc 800 điểm?

Theo đó, ông Tuyến đưa ra quan điểm cá nhân rằng thị trường chứng khoán vẫn đang rất rủi ro và nhận định xu hướng giảm trung hạn của thị trường đã được xác lập từ đầu tháng 2/2020, nhiều khả năng VN-Index sẽ thủng mốc 800 điểm có thể xảy ra.

Bốn lý do được ông Tuyến chỉ ra, thứ nhất dịch COVID-19 sẽ có sự ảnh hưởng lớn đến toàn bộ kinh tế trong nước. Tiếp đến là ảnh hưởng đến từ thị trường chứng khoán thế giới đang giảm khá mạnh, nhất là chỉ số Dow Jones Future của Mỹ đã giảm hơn 1.200 điểm. Sau đó là sự đình trệ của nền kinh tế do các doanh nghiệp nội địa phải phải gánh chịu những rủi ro do dịch bệnh gây nên và điều này không chỉ tác động đến tăng trưởng kinh tế mà còn có thể gây ra nợ xấu cho nền kinh tế. Và, cuối cùng là nhóm nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì động thái bán ròng với giá trị lớn.

“Như vậy, ngắn hạn thị trường rất rủi ro, do đó nhà đầu tư chưa nên vội bắt đáy nhưng cũng không nên quá bi quan như phiên giao dịch hôm nay,” ông Tuyến quan ngại.

Về phân tích kỹ thuật, ông Thắng nhận định nhịp giảm hiện tại của thị trường mang ý nghĩa tiêu cực hơn đợt giảm điểm trước đó. Cụ thể, tuần trước VN-Index tưởng chừng đã phục hồi được sau khi đi lên nhẹ và kiểm tra thử thành công đường MA200 tuần quanh ngưỡng 875 điểm. Tuy nhiên trước áp lực cung rất mạnh trong phiên hôm nay, đường hỗ trợ MA200 tuần đã bị đánh mất, qua đó đẩy thị trường mà đại diện là VN-Index vào một pha tiêu cực hơn và không có bất kỳ ngưỡng hỗ trợ nào đủ tin cậy ở phía dưới, kể cả ngưỡng tâm lý 800 điểm.

“Hiện tại, đường xu hướng nối các đáy từ đầu năm 2012 đến nay đang nằm trong khoảng 700-750 điểm và đây mới là vùng hỗ trợ chúng tôi đánh giá là đáng tin cậy cho nhịp rơi này,” ông Thắng nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục