Tại Bồ Đào Nha, đảo Corvo với dân số chỉ khoảng 400 người đã tiêm chủng ngừa COVID-19 cho hầu hết người dân và sẽ sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.
Theo bác sỹ duy nhất trên đảo Corvo - ông Antonio Salgado, một bộ phận lớn người dân trên đảo có thể sẽ trở nên miễn dịch với COVID-19 vào cuối tháng này và người dân trên đảo có thể an tâm hơn.
Ngày 12/3, đảo Corvo, hòn đảo nhỏ nhất thuộc bán đảo Azores, đã hoàn tất mũi tiêm thứ hai cho 322 người dân, qua đó kết thúc chương trình tiêm chủng. Số người đã tiêm vaccine tương đương 85% dân số trên đảo và 95% số người đủ điều kiện tiêm chủng.
Miễn dịch cộng đồng là một hình thức bảo vệ gián tiếp chống bệnh truyền nhiễm khi một tỷ lệ lớn dân cư đã trở nên miễn dịch, tạo ra một lớp bảo vệ cho những người không miễn dịch, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Giới chuyên gia cho rằng miễn dịch cộng đồng có thể đạt được khi 50-70% dân số được tiêm chủng.
[5 nước EU kêu gọi họp về tình trạng phân phối vaccine không công bằng]
Italy ngày 13/3 cho biết nước này đặt mục tiêu đến cuối tháng 9/2021 tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho ít nhất 80% dân số.
Theo tài liệu của văn phòng nội các Italy, Tướng Francesco Paolo Figliuolo - đứng đầu nhóm chuyên trách chống dịch COVID-19, đã công bố kế hoạch tiêm chủng quốc gia, theo đó nước này sẽ tiêm ở mức tối đa công suất với 500.000 liều mỗi ngày.
Italy dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận thêm các lô vaccine, đến quý 2 năm nay sẽ nhận được tổng cộng 52,5 triệu liều (từ mức 15,7 triệu liều trong quý 1), và đến quý 3 nhận được tổng cộng gần 85 triệu liều.
Ngoài các cơ sở y tế, Italy sẽ sử dụng các doanh trại quân đội, xưởng sản xuất, siêu thị bán lẻ, trung tâm tập gym, trường học và các cơ sở của nhà thờ làm địa điểm triển khai tiêm chủng. Hiện chưa đến 51 triệu người ở Italy đủ điều kiện tiêm vaccine, trong đó 60% có thể được tiêm chủng vào cuối tháng Bảy, ngưỡng đầu tiên có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng.
Italy tăng tốc chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 sau khi xuất hiện chỉ trích về tiến độ chậm chạp tại một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh ở châu Âu.
Kể từ khi đại dịch bùng phát ở Italy vào tháng 2/2020, nước này ghi nhận 101.881 ca tử vong - mức cao thứ hai ở châu Âu sau Anh và cao thứ bảy trên thế giới, trong khi số ca mắc hiện là 3,2 triệu ca. Đến nay mới chỉ có hơn 1,95 triệu người ở Italy, tương đương 3,8% dân số, được tiêm vaccine./.