COVID-19 ngày 19/6: Biến thể Delta gây ra hầu hết các ca bệnh ở Moskva

Số ca mắc mới tăng mạnh khiến chính quyền thành phố Moskva phải đóng cửa fanzone trong khuôn khổ EURO 2020 đồng thời ra lệnh cấm tụ tập trên 1.000 người.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Moskva, Nga. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kế worldometers.info, tính đến 8h30 ngày 19/6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 178.586.006 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.866.633 ca tử vong.

Trong vòng 24 giờ qua có thêm 398.536 ca mắc mới và 8.501 ca tử vong. Hiện có 163.103.022 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn 11.616.351 bệnh nhân đang điều trị.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 34.393.170 ca mắc và 616.917 ca tử vong. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 29.822.764 ca mắc, trong đó 385.167 ca tử vong. Tiếp đó là Brazil với 17.802.176 ca mắc và 498.621 ca tử vong. Đáng chú ý, chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Brazil ghi nhận tiến triển.

[WHO: Biến thể Delta lây lan nhanh, gây ra phần lớn số ca mắc COVID-19]

Ngày 18/6, Bộ Y tế Brazil thông báo nước này tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới về lượt tiêm chủng theo ngày với 2.561.553 liều vaccine được tiêm trong vòng 24 giờ qua.

Cho đến nay, đã có 60,06 triệu người Brazil tiêm mũi vaccine đầu tiên và 24,03 triệu người đã hoàn thành tiêm chủng.

Quốc gia Nam Mỹ này đã triển khai chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 từ tháng 1, sử dụng vaccine CoronaVac, AstraZeneca và Pfizer.

Tại châu Âu, giới chức Nga thông báo thủ đô Moskva đã ghi nhận 9.056 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát tại đây.

Số ca mắc mới tăng mạnh khiến chính quyền thành phố phải đóng cửa fanzone trong khuôn khổ EURO 2020 đồng thời ra lệnh cấm tụ tập trên 1.000 người.

Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin cho biết gần 90% số ca nhiễm mới tại thành phố này là mắc biến thể Delta.

Cũng liên quan đến sự lây lan của biến thể Delta, nhà khoa học hàng đầu tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Soumya Swaminathan cảnh báo đây có thể trở thành biến thể gây ra phần lớn số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Hiện WHO phân loại Delta ở mức "biến thể đáng lo ngại."

Trong báo cáo đầu tháng này, WHO cảnh báo Delta đang tiếp tục lây lan nhanh chóng và ngày càng có nhiều quốc gia báo cáo các đợt bùng phát liên quan đến dòng biến thể này. Biến thể Delta hiện chiếm phần lớn số ca mắc COVID-19 ở Anh, Đức và Nga.

Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa thế giới Frank Ulrich Montgomery cảnh báo chừng nào chưa đạt đủ tỷ lệ lượng người được tiêm phòng thì cần phải hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cuộc sống hàng ngày. Do vậy, chắc chắn người dân cần tiếp tục đeo khẩu trang FFP2 khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong các cửa hàng và các khu vực trong nhà khác.

Chủ tịch Hiệp hội Y khoa thế giới kêu gọi các nước cân nhắc lại việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch của nước mình và cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ để đảo ngược xu hướng nới lỏng này nếu số lượng các ca nhiễm biến thể Delta gia tăng.

Liên quan đến vấn đề tiêm chủng, WHO cho biết hàng chục quốc gia nghèo đã phải tạm dừng chương trình tiêm vaccine do không có đủ vaccine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục