COVID-19: Pháp chuẩn bị ứng phó "giai đoạn 3" cuối cùng

Tính đến hết ngày 3/3, trên toàn nước Pháp đã ghi nhận 212 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 4 ca tử vong.
Nhân viên y tế được triển khai tới khu vực phát hiện bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 tại Crepy-en-Valois, Pháp, ngày 2/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Pháp đã đạt đến "giai đoạn 2" từ cuối tháng 2 và sẽ tiếp tục lây lan trong những tuần tới khiến nước này khẩn trương chuẩn bị ứng phó cho "giai đoạn 3" - tức giai đoạn cuối cùng.

Tính đến hết ngày 3/3, trên toàn nước Pháp đã ghi nhận 212 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 4 ca tử vong.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Paris, Pháp chia dịch COVID-19 thành 3 giai đoạn, gồm "giai đoạn 1" được tính từ khi virus SARS-CoV-2 lần đầu được phát hiện ở trong nước; "giai đoạn 2" là khi virus xuất hiện ở một số vùng và "giai đoạn 3" là khi dịch lây lan trên diện rộng.

[EU kích hoạt cơ chế đẩy nhanh việc ra quyết định ứng phó với COVID-19]

Trong 2 giai đoạn đầu, chính quyền Pháp đã áp dụng nhiều biện pháp, từ điều trị cho những người nhiễm COVID-19 đến cảnh báo và phòng ngừa mức độ lây lan của dịch.

Đặc biệt, chính quyền Pháp còn hạn chế hoặc cấm các sự kiện ngoài trời tập trung từ 5.000 người trở lên, cấm người người dân ở các vùng xuất hiện dịch tụ tập. Một khi dịch COVID-19 chuyển sang "giai đoạn 3," chính phủ Pháp dự kiến sẽ áp dụng nhiều biện pháp nghiêm ngặt hơn.

Cụ thể, ở cấp độ y tế, các cơ sở y tế ở Pháp sẽ ngừng hoạt động giám sát cá nhân các trường hợp mà tập trung vào việc bảo vệ các nhóm dân số có nguy cơ cao, trong đó có nhóm người già trong viện dưỡng lão.

Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được quản lý theo mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp. Các trường hợp ít nghiêm trọng nhất sẽ được giữ ở nhà miễn là điều kiện của họ cho phép, để không làm quá tải các bệnh viện.

Ngoài các cơ sở y tế, ở "giai đoạn 3," Pháp chủ trương sẽ huy động lực lượng chuyên gia y tế tự do, dịch vụ chăm sóc và trợ giúp tại nhà. Trong mỗi cơ sở cấp cứu, ít nhất phải có một nhân viên y tế chuyên xử lý dịch bệnh.

Theo một số nguồn tin, nhiều biện pháp khác cũng được chính phủ Pháp dự tính, song chưa được công khai. Tuy nhiên, Phủ Thủ tướng Pháp khẳng định "các giai đoạn giống hệt với kế hoạch đại dịch cúm" được chính phủ nước này phát triển và phổ biến vào năm 2011 sau đại dịch cúm A (H1N1) năm 2009.

Theo kế hoạch năm 2009, chính phủ Pháp có thể quyết định "các biện pháp rào cản", chẳng hạn như đóng cửa các nhà trẻ và trường học trên toàn quốc, hạn chế việc đi lại không cần thiết, thậm chí tạm dừng hoạt động một số phương tiện giao thông công cộng, cũng như việc thiết lập cơ sở tiếp nhận những người nhiễm bệnh vô gia cư.

Còn phía các doanh nghiệp cũng sẽ được yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo vệ như làm việc từ xa và hội nghị từ xa, cũng như hạn chế các cuộc họp và đi du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục