Ngày 17/4, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Hội đồng Nhà nước Cuba Miguel Diaz-Canel cùng Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez đã phản đối các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm nước này, trong đó việc siết chặt việc đi lại giữa hai nước.
Theo báo Granma - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, trên tài khoản Twitter, Chủ tịch Diaz-Canel đã lên án các biện pháp gây sức ép mới của Mỹ nhằm vào Cuba, đồng thời khẳng định La Habana kiên định lập trường của mình.
Ông Diaz-Canel tuyên bố người dân Cuba sẽ không chịu khuất phục và không chấp nhận những đạo luật liên quan đến nước này mà không dựa trên Hiến pháp Cuba.
[Cuba khẳng định luật Helms-Burton của Mỹ không có hiệu lực]
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Rodriguez khẳng định nếu chính quyền Mỹ đã quyết định đối đầu, mọi người Cuba sẽ kiên quyết bảo vệ đất nước của mình. Quan chức ngoại giao Cuba nhấn mạnh các lệnh trừng phạt của Mỹ gây tổn hại cho người dân cả hai nước, ảnh hưởng việc đi lại giữa hai nước.
Các tuyên bố mạnh mẽ của lãnh đạo Cuba được đưa ra sau khi trước đó, cùng ngày, Cố vấn An ninh cấp cao Mỹ John Bolton thông báo Chính phủ Mỹ bổ sung năm cá nhân và thực thể mà Washington cho là có quan hệ với các cơ quan tình báo và quân đội Cuba vào danh sách trừng phạt, trong đó có hãng hàng không Aerogaviota.
Washington đồng thời đề ra những biện pháp mới nhằm hạn chế đi lại và hoạt động chuyển tiền của kiều dân Cuba tại Mỹ cho người nhà ở quê hương (ở mức 1.000 USD/người/quý) cũng như một số thay đổi nhằm chấm dứt việc sử dụng các giao dịch có thể cho phép La Habana “né” các lệnh trừng phạt, tiếp cận ngoại tệ mạnh.
Các chuyến đi của công dân Mỹ tới Cuba không phải lý do thăm thân cũng bị hạn chế. Các quy định hiện hành cấm người dân Mỹ sang Cuba theo diện du lịch, song có thể đến đảo quốc này theo 12 hạng mục, trong đó có giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa và giáo dục.
Tuy nhiên, quy định mới của chính quyền Mỹ sẽ gây khó dễ cho các hãng hàng không và các công ty khai thác dịch vụ du thuyền từ Mỹ sang Cuba. Các biện pháp này đã đảo ngược các chính sách hàn gắn trước đó của cựu Tổng thống Barack Obama.
Ông Bolton cho rằng những chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ tiền nhiệm là "đáng tiếc" và chính quyền Washington hiện nay muốn "sửa lỗi lầm này."
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo Washington chấm dứt đình chỉ điều 3 luật Helms-Burton, theo đó các công dân Mỹ quốc tịch Cuba cũng như các doanh nghiệp Mỹ có thể khởi kiện các công ty nước ngoài hoạt động trên phần tài sản bị quốc hữu hóa trong cuộc cách mạng năm 1959 ở Cuba.
Động thái này được cho là nhằm gia tăng sức ép đối với chính quyền Cuba liên quan việc hỗ trợ quốc gia láng giềng Venezuela. Đáp lại, Chính phủ Cuba khẳng định luật Helms-Burton do Mỹ sử dụng nhằm thắt chặt lệnh cấm vận kinh tế đối với Cuba hoàn toàn không có hiệu lực tại đảo quốc Caribe này.
Phản ứng trước động thái trên, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho biết nước này “cực kỳ thất vọng” với quyết định nói trên của Washington và sẽ xem xét mọi sự lựa chọn để đáp trả hành động này.
Theo bà Freeland, Chính phủ Canada đã liên lạc với các doanh nghiệp nước này đang làm ăn tại Cuba để “trấn an” và khẳng định sẽ bảo vệ “toàn bộ những lợi ích của công dân Canada có quan hệ thương mại và đầu tư hợp pháp tại Cuba.”
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Canada cho biết, kể từ khi có thông tin Washington sẽ khởi động một phần luật Helms-Burton, chính quyền Canada đã có các cuộc thảo luận chuyên sâu với giới chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề này./.