Ông Tập và ông Biden điện đàm: Nỗ lực tránh những tính toán sai lầm

Cuộc điện đàm cấp cao Mỹ-Trung: Nỗ lực tránh những tính toán sai lầm

Mặc dù không tháo gỡ được bất đồng, song cuộc điện đàm giữa ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình đã tạo cơ hội để trao đổi thẳng thắn về các mối quan hệ song phương và những vấn đề cùng quan tâm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trên màn hình) tại cuộc họp trực tuyến ngày 15/11/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kết quả rõ rệt nhất trong cuộc điện đàm vừa diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là việc hai nhà lãnh đạo cùng đề cập tới tầm quan trọng của việc duy trì giao thiệp và liên lạc trong bối cảnh quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới được cho đã rơi xuống mức thấp nhất trong 50 năm.

Mặc dù không tháo gỡ được bất đồng, song cuộc điện đàm đã tạo cơ hội để lãnh đạo hai nước trao đổi thẳng thắn về các mối quan hệ song phương và những vấn đề cùng quan tâm.

Giới chức Mỹ cũng đề cập khả năng hai nhà lãnh đạo có thể gặp mặt trực tiếp trong tương lai.

[Mỹ nêu chính sách cùng tồn tại và hợp tác trong quan hệ với Trung Quốc]

Trước thềm cuộc điện đàm, Nhà Trắng cho biết cuộc trao đổi là một phần các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm duy trì và làm sâu rộng các kênh liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời quản lý có trách nhiệm các bất đồng và phối hợp trong những lĩnh vực hai nước có chung lợi ích.

Trên thực tế, tình hình địa-chính trị phức tạp trên thế giới từ đầu năm tới nay, nhất là cuộc xung đột Ukraine, đã làm trầm trọng hơn những bất đồng giữa hai nước trong nhiều vấn đề.

Đại diện Mỹ và Trung Quốc không ít lần chỉ trích lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế.

Cạnh tranh địa chiến lược Mỹ-Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương ngày càng quyết liệt, đặc biệt sau khi Chính phủ Mỹ vào tháng Hai vừa qua công bố "Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương," trong đó nêu rõ các ưu tiên chính sách của Washington trong khu vực.

Cả hai nước đang thúc đẩy nhiều nguồn lực để cạnh tranh, giành ảnh hưởng tại khu vực rộng lớn này.

Tuy nhiên, một loạt các cuộc gặp giữa các quan chức ngoại giao, quốc phòng, tài chính và an ninh quốc gia hàng đầu của hai nước diễn ra trong hơn 2 tháng qua, là chỉ dấu cho thấy Mỹ và Trung Quốc đều đồng thuận về tầm quan trọng của việc tránh leo thang đối đầu.

Washington vẫn nỗ lực đảm bảo sự linh hoạt trong cách thức xử lý quan hệ với Bắc Kinh thông qua việc tìm kiếm hợp tác trong các vấn đề có lợi ích chung như biến đổi khí hậu, ứng phó dịch COVID-19 hay kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng khẳng định quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc "sẽ có sự cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và đối đầu khi bắt buộc phải làm như vậy," song "đặc điểm chung là cần phải tiếp xúc với Trung Quốc."

Trong bài phát biểu về chính sách đối với Trung Quốc tại Đại học George Washington hồi tháng Năm năm nay, ông Blinken đã đề cập quan điểm "cùng tồn tại và hợp tác" trong quan hệ hai nước.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh cần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định quan hệ Trung Quốc-Mỹ, đồng thời hy vọng hai nước sẽ giữ vững lập trường không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi.

Bởi vậy, có thể coi cuộc điện đàm mới nhất giữa hai nhà lãnh đạo là nỗ lực để tránh leo thang căng thẳng trong quan hệ song phương, khi cả hai nước đều đang chuẩn bị cho những sự kiện chính trị quan trọng của năm 2022, là Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc và cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.

Trong khi đó, tác động của đại dịch và cuộc khủng hoảng Ukraine khiến cả Mỹ và Trung Quốc phải đối mặt với những khó khăn kinh tế.

Số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 28/7 thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã thu hẹp trong khoảng thời gian từ tháng 4- 6/2022, đánh dấu quý suy giảm kinh tế thứ hai liên tiếp, làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đã rơi vào suy thoái.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quý 2/2022 thấp nhất trong 2 năm.

Trong bối cảnh đó, những bước đi nhằm duy trì các kênh liên lạc thẳng thắn giữa hai nước càng có ý nghĩa đặc biệt, giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tránh hiểu lầm cũng như các tính toán sai lầm.

Học giả Dương Hy Vũ tại Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc đánh giá trong bối cảnh nguy cơ đối đầu Trung-Mỹ gia tăng, Tổng thống Biden đã lựa chọn điện đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc nhằm tăng cường kết nối và ổn định quan hệ song phương.

Cùng chung quan điểm, chính trị gia Australia Kevin Rudd, Chủ tịch viện tư vấn Asia Society, nhìn nhận dù Mỹ-Trung vẫn đang tồn tại nhiều xung đột và khác biệt trong hầu hết mọi lĩnh vực, song đã bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu hướng đến hòa dịu, kể cả một số tín hiệu dè dặt về việc tái lập một dạng đối thoại về chính trị và an ninh song phương, nhằm kiểm soát căng thẳng.

Theo chuyên gia này, vấn đề căn bản hiện tại đối với Mỹ-Trung là hai bên phải tìm cách hướng đến việc "cạnh tranh có kiểm soát" với hệ thống các "hàng rào bảo vệ."

Ông Rudd bày tỏ hy vọng Washington và Bắc Kinh có thể tìm đường để xác lập được "các cơ chế bình ổn," cho phép giới hạn nguy cơ căng thẳng leo thang bất ngờ.

Như nhận định của người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby, quan hệ Mỹ-Trung là "một trong những mối quan hệ song phương có ảnh hưởng nhất trên thế giới hiện nay, với tác động vượt ra ngoài phạm vi của cả 2 quốc gia riêng lẻ."

Vì vậy, tuy không mong đợi bất kỳ bước đột phá nào, nhưng rõ ràng Mỹ và Trung Quốc đều coi cuộc trao đổi cấp cao này là cách thức giúp hai bên duy trì đường dây liên lạc cởi mở, tạo chỗ dựa vững chắc trong việc chỉ dẫn hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giải quyết các vấn đề ngày càng phức tạp và có khả năng bùng nổ xung đột.

Kết quả cuộc điện đàm cho thấy vẫn có dư địa cho đối thoại trong mối quan hệ phức tạp Mỹ-Trung và điều đó sẽ tạo ra không gian chính trị cần thiết để hai bên quản lý và kiểm soát hiệu quả bất đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục