Cuộc khủng hoảng Myanmar - Gánh nặng đường xa của ASEAN

ASEAN triệu tập hội nghị thượng đỉnh lần thứ 38 theo hình thức trực tuyến vào ngày 26-28/10, và cuộc khủng hoảng ở Myanmar là vấn đề chính trong chương trình nghị sự của hội nghị.
Ông Erywan Yusof, đặc phái viên của ASEAN về vấn đề Myanmar. (Ảnh: Reuters)

Trong cuộc họp khẩn ngày 15/9, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã quyết định loại nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar khỏi hội nghị thượng đỉnh sắp tới của khối diễn ra từ ngày 26-28/10.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Sydney, Giáo sư Carl Thayer - làm việc tại trường Đại học New South Wales (Australia) - ngày 17/10 cho rằng với quyết định này, ASEAN đã vi phạm quy tắc lâu nay của khối là không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên.

Theo Giáo sư Thayer, quyết định nói trên của ASEAN càng gây chú ý hơn vì từ trước đến nay, ASEAN luôn hoạt động trên cơ sở đồng thuận. Kể từ sau cuộc đảo chính ngày 1/2/2021 ở Myanmar, các bộ trưởng ASEAN đã bị chia rẽ về cách ứng phó với cuộc khủng hoảng này.

Trong một cuộc họp hồi đầu năm nay, một quan chức Singapore nói rằng Myanmar đã vi phạm Kế hoạch chi tiết về Chính trị-An ninh ASEAN và Hiến chương ASEAN. Việt Nam phản đối việc áp đặt các biện pháp trừng phạt, trong khi Thái Lan lập luận rằng họ có những lợi ích đặc biệt và có thể cử phái viên của mình tới Myanmar.

Các bộ trưởng ASEAN sau đó đã thông qua "đồng thuận 5 điểm" và bổ nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei là ông Erywan Yusof làm đặc phái viên của chủ tịch ASEAN về vấn đề Myanmar.

Ông Erywan từng dự kiến đến Myanmar trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra, song khi ông đề xuất với Hội đồng Hành chính Nhà nước (SAC) Myanmar về việc cho phép ông gặp nhà lãnh đạo bị phế truất Aung San Suu Kyi, SAC đã thẳng thừng từ chối. Ông Erywan ngay lập tức hủy chuyến đi.

[Ai sẽ ngồi vào ghế của Myanmar ở hội nghị thượng đỉnh ASEAN?]

Phân tích về thời điểm ASEAN đưa ra quyết định nói trên, Giáo sư Thayer nhận định vào thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh, ASEAN đang phải chịu các áp lực từ bên trong và bên ngoài yêu cầu hiệp hội phải thực hiện một số hành động để khôi phục sự tín nhiệm của mình khi mà "đồng thuận 5 điểm" của ASEAN đã thất bại.

Trước đó, ngày 4/10, các ngoại trưởng ASEAN đã nhóm họp. Malaysia, Indonesia, Singapore và Philippines đều đã đưa ra các tuyên bố công khai kêu gọi hành động để sửa chữa thất bại của ASEAN.

Trong cuộc họp khẩn ngày 15/10, các bộ trưởng ASEAN đã nhất trí loại nhà lãnh đạo quân đội Myanamar - Thượng tướng Min Aung Hlaing - khỏi hội nghị thượng đỉnh sắp tới của khối, song họ vẫn chưa thể thống nhất về việc nhân vật chính trị nào từ Myanmar sẽ thay thế ông Min Aung Hlaing.

Các bộ trưởng cho rằng Myanmar cần có không gian để giải quyết các vấn đề đối nội của mình, đồng thời nhất trí mời một nhân vật phi chính trị của Myanmar tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến.

Trong quá trình thảo luận, ASEAN đồng thời chịu áp lực từ Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Mỹ, các quốc gia châu Âu và phe phản đối đảo chính của Myanmar yêu cầu hiệp hội phải có hành động cứng rắn hơn chống lại SAC.

Ông Guterres cảnh báo rằng cánh cửa để giải quyết cuộc khủng hoảng đang thu hẹp và kêu gọi hành động thống nhất trong khu vực cũng như quốc tế để ngăn chặn một “thảm họa.”

Trước đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng yêu cầu hoãn vào phút cuối cuộc họp trực tuyến dự kiến diễn ra ngày 8/10 với các bộ trưởng ASEAN vì Myanmar sẽ có đại diện tham dự.

Đồng thời, Liên hợp quốc cũng bị lôi kéo vào một cuộc tranh luận xem ai nên đại diện cho Myanmar trong Đại hội đồng: Đại sứ đương nhiệm Kyaw Moe Tun, người được chính phủ bị lật đổ bổ nhiệm, hay Aung Thurein - một đại diện được chính quyền quân sự đề cử. Một ủy ban gồm Trung Quốc, Nga và Mỹ dự kiến sẽ nhóm họp vào tháng 11 tới để khuyến nghị cách giải quyết những tranh cãi xung quanh vấn đề này.

Tóm lại, theo Giáo sư Thayer, vai trò trung tâm và uy tín của ASEAN đang bị đe dọa. Không hành động không phải là một lựa chọn đối với ASEAN vì hiệp hội sẽ phải đối mặt với một rủi ro rất thực tế là một số thành viên của cộng đồng quốc tế sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo về vấn đề này.

Ngoại trưởng Mỹ đã nói chuyện với Đặc phái viên Erywan. Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó thông báo rằng một phái đoàn cấp cao liên cơ quan sẽ đến Thái Lan, Indonesia, Singapore và Nhật Bản để thảo luận về cuộc khủng hoảng Myanmar.

Trong khi đó, phe đối địch ở Myanmar là Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) đã tích cực vận động cộng đồng quốc tế tuyên bố SAC là một tổ chức khủng bố, kể cả các đại diện từ SAC, nhằm nâng cao tính hợp pháp của mình. NUG cũng đề nghị ASEAN cho phép đại diện của họ tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến.

Theo Giáo sư Thayer, ASEAN sẽ phải cân nhắc một việc chưa từng có, đó là áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị đối với chính quyền quân sự nếu khối này tiếp tục ngăn cản đặc phái viên Erywan.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng sẽ phải tính toán xem liệu nỗ lực của họ đã đủ để đưa cộng đồng quốc tế quay trở lại ủng hộ vai trò trung tâm và lãnh đạo của ASEAN trong vấn đề Myanmar hay chưa.

Nếu không làm như vậy, ASEAN có thể bị “qua mặt” trong vấn đề này khi cộng đồng quốc tế đang hình thành hai nhóm liên minh, một theo đường lối cứng rắn do Mỹ dẫn đầu, và một liên minh khác bao gồm các quốc gia ủng hộ chính quyền quân sự Myanmar, trong đó có Trung Quốc và Nga./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục