Sau khi giành quyền kiểm soát nhanh chóng và bất ngờ thủ đô Kabul của Afghanistan, phong trào Hồi giáo Taliban đã và đang xúc tiến những bước đi đầu tiên nhằm thành lập chính quyền mới, cùng cam kết đổi mới cách thức quản trị đất nước trong thời gian tới.
Những tuyên bố Taliban đưa ra cho tới nay dường như đang cho thấy một hình ảnh khác của phong trào Hồi giáo này so với những gì dư luận được chứng kiến hơn 20 năm trước, thời kỳ Taliban cầm quyền ở Afghanistan từ năm 1996-2001.
Không phải ngẫu nhiên một số nhà phân tích gọi phong trào Taliban hiện nay là "phiên bản 2.0."
[Những người hưởng lợi từ việc Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan]
Có thể thấy rằng từ khi tiếp quản Kabul, Taliban đã nỗ lực phát đi một loạt tín hiệu về "một sự khác biệt rất lớn" giữa lực lượng này ở thời điểm hiện tại và cách đây 20 năm.
Như tuyên bố của người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid thì "20 năm trước, Afghanistan là một quốc gia Hồi giáo, giờ vẫn vậy.
Tuy nhiên, nhắc tới kinh nghiệm, sự trưởng thành và tầm nhìn, có một sự khác biệt to lớn giữa chúng tôi hiện tại và 20 năm trước."
Trước không ít lo ngại và sự dè dặt từ cộng đồng quốc tế, Taliban ngay lập tức thông báo ý định thành lập một chính phủ mang tính toàn diện và bao trùm, không có bất kỳ một thế lực thù địch nào, dù bên trong hay bên ngoài đất nước.
Cơ cấu quyền lực này sẽ có nhiều điểm tương đồng với cách thức mà Taliban điều hành Afghanistan trong giai đoạn 1996-2001, trong đó đất nước Afghanistan có thể được một hội đồng cầm quyền điều hành, trong đó thủ lĩnh tối cao của phong trào Hồi giáo này Haibatullah Akhundzada sẽ đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo tổng thể.
Để củng cố cho quyết tâm trên, Taliban tuyên bố sẽ không trừng phạt những người làm việc cho chế độ trước đây, sẽ ân xá cho các cựu binh cũng như các nhà thầu và phiên dịch viên từng làm việc cho các lực lượng quốc tế, đặc biệt ngỏ ý sẽ thực thi các chính sách để cải thiện cuộc sống thay vì áp đặt những luật lệ hà khắc.
Các thủ lĩnh của lực lượng này, trong đó có thủ lĩnh chính trị cấp cao nhất Mullah Abdul Ghani Baradar - người đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban tại Doha (Qatar), từng dẫn đầu nhóm đàm phán của Taliban tham dự nhiều vòng đối thoại, đã trở về đất nước sau hơn 20 năm.
Trong suốt 1 tuần kể từ khi kiểm soát Kabul ngày 15/8, Taliban cũng tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc và tham vấn với các quan chức chính quyền cũ, trong đó có cựu Tổng thống Hamid Karzai và Chủ tịch Hội đồng Hòa giải dân tộc tối cao Afghanistan (HCNR) Abdullah Abdullah, cũng như các thủ lĩnh thánh chiến và các chính trị gia nhằm phác thảo cơ cấu chính phủ tương lai, thảo luận về vấn đề an toàn của người dân, kêu gọi sự đoàn kết, đề nghị người dân quay trở lại làm việc, cũng như tiếp cận và thuyết phục các phi công và binh sỹ trong lực lượng vũ trang Afghanistan gia nhập lực lượng an ninh mới.
Taliban đã thông báo sẽ thành lập các nhóm chuyên trách để giải quyết khủng hoảng tài chính và vấn đề an ninh của Afghanistan, với sự tham gia của các chuyên gia từng làm việc trong chính quyền cũ.
Đáp lại ý kiến cho rằng Taliban sẽ lại áp dụng chính sách hà khắc với phụ nữ như thời gian nắm quyền trước đây, đại diện Taliban khẳng định sẽ tham vấn phụ nữ và đề nghị họ đóng vai trò trong chính quyền mới, cũng như sẽ cho phép nữ giới được đi học và đi làm, tham gia các hoạt động xã hội khác trong phạm vi mà đạo Hồi cho phép.
Đề cập tới những thay đổi này của Taliban, ông Sesbastien Boussois - nhà nghiên cứu về Afghanistan thuộc Đại học Libre de Bruxelles khẳng định: "Taliban đã xây dựng một câu chuyện rất khác với câu chuyện về nhóm vũ trang đã làm mưa làm gió ở Afghanistan từ năm 1996 đến 2001."
Sau thất bại vào năm 2001, Taliban đã có những bước điều chỉnh, từ chỗ là phong trào Hồi giáo cực đoan đối địch với cường quốc số 1 thế giới, Taliban đã đưa mình trở thành một bên đàm phán trực tiếp với Mỹ, mà kết quả là hai bên ký "thỏa thuận hòa bình" tháng 2/2020 nhằm duy trì sự ổn định ở Afghanistan.
Các tiếp cận về đối ngoại của Taliban có vẻ cũng thay đổi hoàn toàn. Thời kỳ lực lượng này nắm quyền trước đây, chỉ có 3 quốc gia là Pakistan, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) công nhận chế độ Taliban.
Giờ đây, Taliban thể hiện rõ mục tiêu tìm kiếm sự công nhận quốc tế, chứ không phải tự cô lập.
Lực lượng này đã và đang tiếp xúc với hầu hết các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc, cũng như những nước có tầm ảnh hưởng trong khu vực, như Nga.
Trong tuyên bố mới nhất ngày 21/8 sau các cuộc tham vấn, thủ lĩnh Taliban Baradar đã bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại với tất cả các nước, đặc biệt là với Mỹ.
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đều có quan điểm thận trọng, thậm chí tỏ ra nghi ngờ trước những tuyên bố của Taliban.
Chuyên gia nghiên cứu Claudio Bertolotti, cộng tác viên của Viện Nghiên cứu chính trị quốc tế Italy (ISPI) nhận định Taliban đang khao khát tìm kiếm sự công nhận của quốc tế, vì vậy phong trào này đang trấn an cộng đồng quốc tế bằng cách đảm bảo chấm dứt bạo lực và chuyển đổi hòa bình.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng cần tận dụng "lực đẩy duy nhất" hiện nay là mong muốn của Taliban được cộng đồng quốc tế công nhận để yêu cầu lực lượng này phải thành lập chính phủ mang tính bao trùm và tôn trọng các quyền cơ bản của con người, nhất là đối với phụ nữ, ở Afghanistan.
Nhiều quốc gia tuyên bố “không vội” công nhận chế độ Taliban và sẽ đưa ra quyết định tùy thuộc vào "mức độ trách nhiệm" của Taliban khi điều hành đất nước.
Hiện còn quá sớm để kiểm chứng những tuyên bố trên của Taliban, khi nhiều nguồn tin cho biết lực lượng này sẽ không công bố cụ thể cơ cấu quyền lực trước ngày 31/8 - thời điểm Mỹ dự kiến hoàn tất việc rút quân.
Trong khi đó, bản thân Taliban cũng đang vấp phải vô vàn khó khăn từ việc làm thế nào để được công nhận, cách thức giải quyết hậu quả cùng lúc của xung đột và hạn hán, vốn đẩy 14 triệu người đứng trước nguy cơ đói kém nghiêm trọng đến những cuộc biểu tình phản đối của người dân và thậm chí cả nguy cơ các nhóm Hồi giáo đối địch như ISIS-K tiến hành tấn công khủng bố.
Trong khi đó, hiện Mỹ và các đồng minh vẫn dành ưu tiên hàng đầu cho việc tập trung sơ tán công dân, nên chưa thể bàn về bước đi tiếp theo với Taliban ở Afghanistan, nhưng chắc chắn một điều Mỹ và đồng minh sẽ không vội vàng công nhận chính thể mới ở Afghanistan do Taliban nắm giữ.
Có luồng ý kiến cho rằng cuộc chiến vừa qua không làm cho Taliban thay đổi về phương diện ý thức hệ nhưng làm Taliban thay đổi cách thức thực hiện ý thức hệ ấy sau khi trở lại cầm quyền.
Taliban hiện tại không khác Taliban ở thời điểm năm 1996 hay 2001 về ý thức hệ, nhưng đã trở nên thực tế và thức thời hơn vì thế giới hiện tại không còn như thế giới ở thời điểm năm 2001.
Do đó, nếu mô hình chính phủ mới của Afghanistan đi ngược với quan điểm của Mỹ và các nước đồng minh, hoặc Afghanistan lại bị coi là"cái nôi dung dưỡng chủ nghĩa khủng bố đe dọa các lại lợi ích của Mỹ và đồng minh," thì chắc chắn phương Tây sẽ kiểm soát khả năng Taliban tiếp cận và sử dụng nguồn tài trợ quốc tế để ràng buộc Taliban vào khuôn khổ những chế tài chung.
Hiện Mỹ đã phong tỏa hàng tỷ USD tài sản của Ngân hàng Trung ương Afghanistan, trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo sẽ giữ lại các khoản tài chính mà tổ chức này dành cho Afghanistan trong bối cảnh chưa có thông tin chắc chắn về bộ máy lãnh đạo mới ở Kabul.
Giới chuyên gia có chung nhận định rằng Taliban sẽ còn mất nhiều thời gian để "thuyết phục" được cộng đồng quốc tế và người dân Afghanistan rằng phong trào Hồi giáo này đã thay đổi, hay nói một cách khác, sẽ không dễ để Taliban được công nhận như một "đối tác đáng tin cậy."
Không ít ý kiến cho rằng việc Taliban lại nắm quyền tại Afghanistan đi kèm với những hậu quả không chắc chắn về địa chính trị và nhân đạo.
Rõ ràng vẫn còn có quá nhiều vấn đề cần giải quyết đối với tương lai chính quyền tại Afghanistan sau khi Taliban trở lại, từ việc điều hành đất nước đến đảm bảo tương lai của người dân.
Đây có thể coi là "cuộc sát hạch" đầu tiên của Taliban sau khi giành lại quyền kiểm soát sau 20 năm, cũng là "cuộc sát hạch" đối với đất nước Afghanistan đa sắc tộc với quá nhiều chia rẽ và mâu thuẫn.
Ngay cả trước khi Taliban trở lại nắm quyền, năng lực điều hành yếu kém của chính quyền, nạn tham nhũng, tình trạng bè phái... vẫn là những vấn đề nhức nhối ở Afghanistan.
"Cuộc tranh giành quyền lực" giữa hai ứng cử viên tranh cử tổng thống năm 2019 Ashraf Ghani và đối thủ Abdullah Abdullah về người chiến thắng kéo dài suốt 6 tháng từng đẩy chính trường nước này lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.
Trong bối cảnh hiện nay, việc thành lập được một chính phủ bao gồm đại diện của các bên, cùng chung mục tiêu đảm bảo ổn định, an ninh và hòa bình ở Afghanistan là một trong những điều kiện chủ chốt để đưa đất nước Tây Nam Á này thoát khỏi các cuộc xung đột và bạo lực đã từng xảy ra suốt 20 năm qua.
Điều đó chỉ có thể thực hiện được khi Taliban cũng như các phe nhóm chính trị tại Afghanistan gạt bỏ mâu thuẫn, cùng đặt lợi ích của người dân lên trên những toan tính riêng, tiến hành cuộc đối thoại hòa giải dân tộc để thúc đẩy một giải pháp chính trị toàn diện nhằm đem lại hòa bình, ổn định lâu dài ở Afghanistan./.