Bài 5: Tỉnh táo trong tín ngưỡng để tránh sập bẫy trục lợi tâm linh

Đa cấp tâm linh: Khi mê tín, lừa đảo khoác chiếc áo 'Tình người'

Mỗi người khi thực hành tín ngưỡng cần phải rèn luyện cho mình sự tỉnh táo, không để bị tư duy đám đông dẫn dắt, tránh cho mình và người thân những tổn thương không đáng có...
Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng giải nghiệp bằng tiền là đại mê tín. (Ảnh: NVCC)

Bài 5: Tỉnh táo trong tín ngưỡng để tránh sập bẫy trục lợi tâm linh 

Thờ cúng ông bà tổ tiên, các anh hùng dân tộc có công với dân với nước, thần linh... là tín ngưỡng dân gian từ lâu đời của người Việt. Cùng với sự hòa hợp các tôn giáo khác, việc thực hành tâm linh ở Việt Nam trở thành một nét đẹp văn hóa.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, những biến tướng tiêu cực trong hoạt động tôn giáo ngày càng phức tạp. Đặc biệt, hoạt động đa cấp tâm linh thời gian gần đây khiến những kẻ xấu có thể lôi kéo rất nhiều người sa chân vào cái bẫy của tín ngưỡng và đức tin.

Bên cạnh hoạt động tại câu lạc bộ Tình người khiến dư luận xôn xao thời gian gần đây, còn có những tổ chức núp bóng tôn giáo mà báo chí đã phản ánh như Thanh Hải vô thượng sư, Pháp luân công, Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ, Hội Thánh Đức Chúa Trời Cha, hội chữa bệnh bằng năng lượng và những hội kinh doanh bùa ngải tràn lan trên mạng xã hội...

Điểm chung của các tổ chức này là hoạt động như một mô hình kinh doanh đa cấp và lôi kéo được rất nhiều người tin theo, tham gia lễ bái thông qua hoạt động truyền đạo mà thực tế là truyền bá tư tưởng mê tín dị đoan. Hình thức chủ yếu là đe dọa, làm cho người ta sợ hãi để từ đó tác động vào tâm lý... yêu cầu "trả nghiệp".

Đặc biệt, mê tín dị đoan, "buôn thần, bán thánh" không chỉ xuất hiện ở những vùng nông thôn hẻo lánh, dân trí thấp mà tồn tại ngay giữa Thủ đô, thu hút cả những người là giáo viên, tiến sỹ, chủ doanh nghiệp...

Nhà sử học Lê Văn Lan: Quan niệm “vạn vật hữu linh” không còn phù hợp

Theo giáo sư, nhà sử học Lê Văn Lan, trước đây người Việt có thể thờ cúng một cái cây, một hòn đá, bởi cho rằng đó là vật thiêng, vạn vật đều có linh hồn. Từ đó dẫn tới những câu chuyện cả làng quỳ lạy một con rắn nằm trên ngôi mộ vô danh vì cho rằng rắn hiển thần, hiển thánh. Hoặc, nhiều người linh thiêng hóa một bông hoa lạ, một hòn đá hình thù kỳ quái và một con cá có hình thức, màu sắc bất thường...  

Giáo sư sử học Lê Văn Lan trong cuộc tọa đàm về thực hành tâm linh do báo Đại Đoàn Kết tổ chức ngày 1/4. (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Quan niệm 'vạn vật hữu linh' không còn phù hợp thời đại ngày nay, khái niệm hồn, vía chỉ còn là cái bóng của quá khứ...," giáo sư sử học Lê Văn Lan khẳng định. 

“Ở Việt Nam, những giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo… từ thời quá khứ vẫn kéo dài đến hiện đại - Đây là đặc điểm phát triển có tính quy luật của Việt Nam, điều này lý giải những khái niệm như cúng vong, trục vong, giải nghiệp, yểm bùa... vẫn còn tồn tại trong cuộc sống. Vì vậy, vẫn còn một bộ phận dễ dàng tin vào bói toán, trừ ma, diệt quỷ, giải hạn, cầu may... và đây chính là mảnh đất màu mỡ cho đội ngũ ăn theo niềm tin mù quáng này, bất chấp đạo lý, pháp luật để kinh doanh tín ngưỡng...," giáo sư Lê Văn Lan phân tích.

['Xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm tại Câu lạc bộ Tình người']

Theo giáo sư sử học Lê Văn Lan, chúng ta đang ở trong quá trình phát triển, xã hội ngày càng văn minh nhưng vẫn có những tàn dư của tư tưởng cũ, không tránh khỏi những sai lệch, mê lầm. Do đó, chúng ta phải chung tay lên tiếng và hành động để giai đoạn này không kéo dài, không để lại nhiều tổn thương cho xã hội.

Đồng quan điểm, tiến sỹ luật học Lê Ngọc Khánh cho rằng những quan niệm về vong linh, ma quỷ không còn phù hợp trong thời đại này nữa. Lấy ví dụ từ câu lạc bộ Tình người, tiến sỹ Lê Ngọc Khánh phân tích: "Những tổ chức mê tín dị đoan thường dùng cách đe dọa, làm cho người ta sợ hãi để từ đó tác động vào tâm lý, qua đó trục lợi từ các hoạt động cúng bái như 'trả nghiệp,' 'tiễn vong,' 'tạo phúc...' của những người cả tin.

Một trong những quan điểm sai trái và vi phạm pháp luật của cuốn sách“Tạo hóa ban tặng nền tảng trí tuệ cho nhân loại.”

Đặc biệt trong cuốn sách “Tạo hóa ban tặng nền tảng trí tuệ cho nhân loại” được Câu lạc bộ Tình người phát hành đã có những nội dung tuyên truyền rằng thời đại chúng ta đang sống là "thời mạt." Về vấn đề này tiến sỹ Lê Ngọc Khánh bày tỏ quan điểm: "Tôi cực lực phản đối điều này. Đó là sự động chạm đến quốc gia, xã hội. Chúng ta biết rằng đồng chí Tổng bí thư đã nói ‘chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Việc tuyên truyền những thông tin sai lầm về thời đại như vậy là hết sức nguy hiểm.”

Tâm linh không thể thực dụng

Trong đời sống hiện đại ngày nay, khi vật chất đã đủ đầy, người dân có điều kiện hơn để quan tâm, chăm lo đến việc thờ cúng thì tính thực dụng đã chen cả vào chốn thờ tự. Những hoạt động như dâng sao giải hạn, trần tục hóa lễ hội, tranh nhau xin ấn, cướp lộc, dòng người đổ xô đến chùa chiền, đền phủ... đã trở thành những biến tướng trong thực hành tín ngưỡng, tôn giáo.

Thượng tọa Thích Minh Quang chỉ ra nhiều sai lầm của con người trong thực hành tín ngưỡng. (Ảnh: Facebook)

Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng trong 10 năm gần đây, quần chúng đến chùa chiền, các cơ sở thờ tự ngày càng đông.

Những người đi lễ chùa có nhiều tầng lớp, có người quy y Tam bảo, hiểu được giáo lý nhà Phật, có người lần đầu tiên đến với chùa, có người đi tham quan, vãn cảnh... Tuy nhiên, cũng có một bộ phận quần chúng chưa hiểu biết đã biến đức Phật thành ông Thần để cầu xin thăng quan tiến chức, cầu tài cầu lộc.

"Đây là quan điểm hết sức sai lầm bởi lên chùa là để thể hiện lòng thành kính với đức Phật, đến với đạo Phật là để thấy chính mình. Nhu cầu về tâm linh tín ngưỡng, cầu bình an cho gia đình, người thân là nhu cầu chính đáng của nhân dân, Phật tử nhưng khi đến với đạo Phật, chúng ta cần hiểu rằng đạo là con đường, Phật là sự giác ngộ. Chúng ta cần có sự giác ngộ về bản thân, cuộc đời và thế giới. Cuộc đời là vô thường, sinh, lão, bệnh, tử. Khi hiểu được điều đó rồi, chúng ta sẽ tránh được nhiều phiền muộn, sẽ biết tu tập để đem lại an lạc chính mình và những người xung quanh,” Thượng tọa Thích Minh Quang đưa ra lời khuyên.

Theo Thượng tọa Thích Minh Quang: "Phật hay tư tưởng của Phật có ở khắp mọi nơi, đã đến cửa Phật là bình đẳng, không phân biệt to nhỏ, lớn bé, sang hèn. Chốn Phật môn cũng không phân biệt to nhỏ, đồ sộ hay khiêm nhường giản dị."

“Khi đã đến chùa, mọi người đừng vội cầu xin cho bản thân mà nên cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà. Bởi cầu như vậy thì đã có phần lợi lạc cho mình rồi, còn chỉ cầu riêng cho mình thì đó lại thể hiện lòng tham và tham bất kỳ điều gì đều là khởi nguyên của phiền muộn,” Thượng tọa Thích Minh Quang nói.

Những cuốn giáo trình của câu lạc bộ Tình người trong lễ ra mắt năm 2018. (Ảnh: Website CLB)

Trước thông tin câu lạc bộ Tình người kêu gọi mọi người cúng tiền để giải nghiệp, Thượng tọa Thích Minh Quang không đồng tình và cho rằng điều này trái với giáo lý nhà Phật.

“Có ba loại nghiệp là ‘thân, khẩu, ý.’ Nghiệp là kết quả của hành động, lời nói, ý nghĩ. Khi chúng ta làm việc tốt, nghĩ điều tốt, nói ra những điều tốt thì tạo ra nghiệp thiện, ngược lại thì tạo ra nghiệp xấu. Cứ cúng tiền là giải được nghiệp thì đó là quan niệm hết sức sai lầm,” ông khẳng định.

Về vấn đề này, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng giải nghiệp bằng tiền là đại mê tín.

“Để có thể chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt, con người phải làm những việc sau: Thứ nhất, phải thừa nhận các hành vi đã lỡ gây ra trong quá khứ. Thứ hai, cam kết không tái phạm các hành vi xấu, ác ở hiện tại và tương lai. Thứ ba, nỗ lực chuyển nghiệp bằng các hành vi tốt đối lập với các hành vi xấu đã tạo trong quá khứ. Thứ tư, kêu gọi mọi người cùng gieo các nghiệp tích cực tương tự,” Thượng tọa Thích Nhật Từ nói.

Tránh tư duy đám đông khi thực hành tín ngưỡng

Theo giáo sư Lê Văn Lan phân tích, một trong những phương thức hoạt động của các tổ chức đa cấp tâm linh là tạo hiệu ứng đám đông.

“Nếu chúng ta còn tư duy theo đám đông, chúng ta sẽ còn bị vướng vào bi kịch. Tôi cho rằng mỗi người cần có tư duy độc lập để suy nghĩ thấu đáo, tránh bị mất phương hướng khi đi theo một đám đông vì không phải lúc nào họ cũng đúng,” ông nói.

Thực tế, đã có nhiều người từng gia nhập các tổ chức như Câu lạc bộ Tình người, nhưng sau đó họ nhận ra chân tướng và tự rời bỏ môi trường này. Giáo sư Lê Văn Lan cho rằng đó là sự tỉnh thức, là tuệ giác.

“Tôi cho rằng cần thực hành tín ngưỡng dựa trên sự phát triển của thời đại và hãy chuẩn bị cho mình trí tuệ bên cạnh cái tâm tốt đẹp. Khi có tuệ, có tâm thì chúng ta đi theo tôn giáo nào cũng ở trong tâm thế chủ động sáng suốt,” ông chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, tiến sỹ luật học Lê Ngọc Khánh cho rằng mỗi người phải tỉnh táo, cảnh giác. Khi tham gia các hội nhóm có màu sắc tâm linh, tôn giáo, phải kiểm chứng xem tổ chức đó có được cấp phép không, hoạt động với mục đích gì... để tránh bị lợi dụng về mặt kinh tế hay chính trị.

Tiến sỹ Lê Ngọc Khánh khuyên mọi người thực hành tín ngưỡng một cách tỉnh táo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông cũng chỉ ra rằng thời đại ngày nay, người dân Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ gặp nhiều vấn đề bất ổn về tâm lý và áp lực trong cuộc sống, đó chính là điểm xung yếu dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Từ đó, ông đưa ra lời khuyên trong gia đình, mỗi người phải nhắc nhở và quan tâm lẫn nhau, chia sẻ và nương tựa vào nhau, tránh tình trạng một người phải mong chờ vào một thế lực vô hình nào đó làm điểm tựa tâm hồn.

“Tôi cũng đề xuất các cơ quan chức năng phải đưa ra quy chuẩn, giải thích rạch ròi thế nào là đúng-sai trong tâm linh, tôn giáo. Vai trò của cơ quan quản lý văn hóa-xã hội là phải định hướng để người dân phân biệt giữa mê tín dị đoan và sinh hoạt tín ngưỡng,” ông nói.

"Cơ quan chức năng cần xác định hành động trục lợi tâm linh là hành vi tội lỗi, không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống lành mạnh, văn minh mà còn hủy hoại tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của con người. Cùng đó là làm rõ những sai phạm pháp luật trong quá trình trục lợi tâm linh để có sự vào cuộc ngăn chặn và xử phạt theo nhưng quy định," tiến sỹ luật học Lê Ngọc Khánh đề xuất./.

Xem toàn bộ loạt bài trong series này:

Bài 1: Ma trận mê tín dị đoan dưới vỏ bọc lớp học trí tuệ

Bài 2: Thâm nhập CLB Tình người - Đa cấp, mê tín dị đoan và trốn thuế

Bài 3: Tuyên truyền về ma quỷ, vong tà qua 'pháp bảo'

Bài 4: Hoạt động đa cấp tâm linh dưới góc nhìn luật pháp

Bài 5: Tỉnh táo trong tín ngưỡng để tránh sập bẫy trục lợi tâm linh 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục