Đặc phái viên LHQ nêu giải pháp thay thế cho cuộc khủng hoảng Libya

Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Libya nói rõ Libya “phải tổ chức kịp thời” các cuộc bầu cử sắp tới nếu không muốn phải đối mặt với những chỉ trích của người dân.
Đặc phái viên LHQ nêu giải pháp thay thế cho cuộc khủng hoảng Libya ảnh 1Binh sỹ thuộc quân đội Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU) gác gần khu vực sân bay quốc tế Tripoli, Libya, ngày 25/7/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/3, Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Libya, ông Abdoulaye Bathily, cho biết Liên hợp quốc sẽ xem xét và tìm kiếm một giải pháp thay thế nếu như các cơ quan lập pháp của Libya không thể thống nhất về luật bầu cử theo đúng kỳ hạn.

Phóng viên TTXVN tại Bắc Phi cho biết, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tại thủ đô Tripoli, ông Bathily nói rõ Libya “phải tổ chức kịp thời” các cuộc bầu cử sắp tới nếu không muốn phải đối mặt với những chỉ trích của người dân, các lãnh đạo khu vực và cộng đồng quốc tế vốn đã rất nỗ lực hỗ trợ cho tiến trình này.

[LHQ kêu gọi các phe phái ở Libya sớm thống nhất điều khoản bầu cử]

Ông cũng nói rõ Liên hợp quốc sẽ đưa ra lựa chọn thay thế nếu các phe phái Libya không tuân thủ lộ trình tổ chức bầu cử.

Tuyên bố của nhà ngoại giao người Senegal cho thấy quyết tâm cao của Liên hợp quốc trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Libya và không chấp nhận các động thái làm trật bánh tiến trình hướng tới các cuộc bầu cử ở quốc gia Bắc Phi này.

Trước đó, hồi đầu tháng này, ông Bathily thông báo các phe phái ở Libya đang hướng tới mục tiêu đến giữa tháng Sáu sẽ thống nhất được về các điều khoản cho các cuộc bầu cử vốn bị trì hoãn lâu nay.

Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, Libya có thể tiến hành bỏ phiếu vào cuối năm, chậm 2 năm so với kế hoạch ban đầu là vào tháng 12/2021.

Những tranh cãi về cơ sở pháp lý của cuộc bầu cử và tư cách tham gia của các ứng cử viên là nguyên nhân dẫn tới sự trì hoãn này.

Libya rơi vào vòng xoáy khủng hoảng chính trị và an ninh kéo dài hơn một thập kỷ, sau cuộc chính biến năm 2011.

Hiện quốc gia Bắc Phi này đang có 2 chính quyền cùng tồn tại song song, gồm Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU) được Liên hợp quốc công nhận và chính quyền ở miền Đông được Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.