Việc xây dựng nhà ở xã hội đã được triển khai trong thời gian qua nhưng làm thế nào các dự án này thực sự đến được tay người thu nhập thấp là băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội trong buổi thảo luận chiều nay, ngày 26/10, về dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi.
Tránh trục lợi trong dự án nhà ở xã hội
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng nhà ở xã hội hiện nay thiếu nhưng cung chưa gặp cầu. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất là vướng mắc liên quan đến thủ tục còn rất rườm rà, tốn nhiều thời gian, nên khi triển khai được nhà ở xã hội thì riêng khâu thủ tục cũng rất lâu.
Thứ hai là khi xây xong nhà ở xã hội, khâu xét duyệt liên quan đến rất nhiều các cơ quan khác nhau. Sở Xây dựng là đầu mối nhưng còn phải rà soát xem đối tượng muốn mua nhà ở xã hội có phải là đối tượng có thuế thu nhập phát sinh hay không, vấn đề này lại liên quan đến cơ quan thuế. Thậm chí đối tượng là công nhân từ các địa phương khác đến thì khâu xét duyệt còn lâu hơn nữa.
[Hàng loạt giải pháp gỡ khó cho các dự án xây dựng nhà ở xã hội]
Chính vì vậy, chủ đầu tư mất rất nhiều thời gian để thu hồi được vốn khi chưa bàn giao được nhà cho người lao động, còn nngười lao động là đối tượng được mua nhà ở xã hội, họ có nhu cầu rất cấp thiết về nhà ở nhưng quá trình phê duyệt hồ sơ quá lâu khiến cho cả hai bên cung - cầu đều có những khó khăn, vướng mắc.
“Với những vấn đề nêu trên, tôi đề nghị cần nghiên cứu, tính toán để đơn giản hóa hơn các thủ tục hành chính và khâu xét duyệt vẫn đảm bảo được sự chặt chẽ, chính xác về đối tượng. Tôi cũng đề nghị cần rà soát để sớm liên thông các dữ liệu giữa các ngành để chúng ta sẽ xét duyệt được nhanh hơn,” bà Nga nói.
Bên cạnh kiến nghị phải đẩy nhanh thủ tục, giấy tờ, bà Nga cũng cho rằng phải siết chặt hơn nữa trong quản lý loại dự án này.
Vị Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chia sẻ trăn trở: “Tôi rất băn khoăn là công tác quản lý khi chúng ta rất thiếu nhà ở xã hội dành cho những đối tượng được mua nhà ở xã hội nhưng với những đối tượng đấy, có khi nhà ở xã hội lại không đến tay họ mà những đối tượng mua lại là đối tượng khác. Câu hỏi đặt ra là tại sao hiện nay vẫn có những người rao bán nhà ở xã hội rất nhiều trên các mạng xã hội?”
Theo đó, bà Nga đề nghị cần phải rà soát kỹ lưỡng, tránh trục lợi, đầu cơ trong các dự án nhà ở xã hộivì giá bán của nhà ở xã hội thấp hơn nhà ở thương mại rất nhiều.
“Tôi cũng đề nghị cần rà soát hành lang pháp lý làm sao cho thực sự chặt chẽ, xem chế tài đã đủ mạnh hay chưa và công tác hậu kiểm như thế nào? Quy định về công tác xét duyệt hồ sơ đã có nhưng chúng ta tiến hành ra sao? Tôi cho rằng, đây là những vấn đề cần được xem xét tổng thể. Nếu không khắc phục được vấn đề này, nếu vẫn còn tình trạng người ở trong nhà ở xã hội nhưng không phải là đối tượng được mua nhà ở xã hội thì tôi tin chắc rằng, chúng ta có xây bao nhiêu nhà ở xã hội chăng nữa thì cũng không đáp ứng được nhu cầu,” bà Nga nói.
Cần xác định lại tiêu chí xét người mua nhà ở xã hội
Cũng quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, một số đại biểu cho rằng Điều 76 của dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội với danh sách 12 đối tượng cụ thể là chưa phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho hay trên thực tế, có nhiều người thu nhập thấp nhưng vẫn không thuộc diện được hỗ trợ. Vì vậy, bà Hà cho rằng cần mở rộng theo hướng quy định tiêu chí xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là người có thu nhập thấp, bất kể họ là ai, không cần liệt kê 12 loại đối tượng như trong dự thảo luật.
Cùng quan điểm này, đại biểu Bế Minh Đức, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cho rằng quy định như Điều 76 dự thảo Luật chưa hoàn toàn phù hợp, chưa xác định rõ và đầy đủ đối tượng được hưởng chính sách, trong đó chính sách hỗ trợ quan trọng nhất là nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, đại biểu Đức cũng chỉ ra thực tế hiện nay, việc xác định thế nào là người có thu nhập thấp chưa được quy định cụ thể. Do đó, cần cụ thể hóa tiêu chí với từng đối tượng cụ thể để đảm bảo chính xác, bao quát và công bằng và có quy định các hình thức hỗ trợ phù hợp.
Giải trình trước ý kiến của các đại biểu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay việc quy định các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trên cơ sở kế thừa pháp luật hiện hành đồng thời nhằm đảm bảo quy định về hình thức hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ phù hợp với từng nhóm đối tượng. “Nếu quy định chung sẽ khó quy định hình thức hỗ trợ và điều kiện hỗ trợ,” Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay.
Liên quan đến điều kiện thu nhập, ông Tùng cho biết đây là vấn đề cần phải trao đổi rất kỹ với các cơ quan chức năng trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Cụ thể, theo dự thảo luật do Chính phủ trình, đối tượng được xét là đối tượng chưa phải nộp thuế thu nhập.
“Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến các đại biểu, chúng tôi đề nghị phải quy định chặt hơn và nên chăng, Chính phủ sẽ có quy định chi tiết, cụ thể để phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tê xã hội sẽ hợp lý hơn,” ông Tùng đề xuất.
Đánh giá các ý kiến của các đại biểu rất tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng trong việc góp phần hoàn thiện dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay sẽ tiếp thu, ghi nhận đầy đủ để nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định./.