Đại biểu Quốc hội: Quy định về công khai, minh bạch còn hình thức

Các đại biểu Quốc hội đã tập trung phân tích, cho ý kiến về vấn đề thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập, việc thực hiện cơ chế công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ qu
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) chiều 13/6, các đại biểu Quốc hội đã tập trung phân tích, cho ý kiến về vấn đề thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập, việc thực hiện cơ chế công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức...

Đề xuất thành lập cơ quan độc lập kiểm soát tài sản, thu nhập

Về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 32 dự thảo luật), Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án.

Phương án 1: Giao cho Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Cơ quan thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương (nơi không có cơ quan thanh tra), thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập đối với những người có nghĩa vụ kê khai khác công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình.

Phương án 2: Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, chính quyền địa phương thực hiện như phương án 1.

Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, giao cho cơ quan trung ương của các cơ quan, tổ chức này kiểm soát tài sản, thu nhập.

Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, giao cho các cơ quan này kiểm soát. Đối với người có nghĩa vụ kê khai là đại biểu Quốc hội chuyên trách, giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm soát.

Bày tỏ sự thống nhất với phương án 2 mà Chính phủ trình, đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) cho rằng, phương án này không gây xáo trộn lớn về tổ chức, hoạt động; đồng thời hạn chế việc tăng áp lực công việc đối với cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập.

Đại biểu đánh giá việc tập trung đầu mối kiểm soát tài sản, thu nhập cho hệ thống cơ quan thanh tra như phương án 1 sẽ khó khả thi nếu không bổ sung thêm biên chế, bộ máy.

Ngược lại, nếu bổ sung thêm biên chế, bộ máy lại không thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả."

Đại biểu Rơ Châm Long (Kon Tum) chỉ rõ phương án 1 sẽ làm cho cơ quan thanh tra quá tải, vì trong tình hình hiện nay đang thực hiện tinh giản biên chế nên không thể tăng thêm tổ chức biên chế, như thế sự kiểm soát sẽ không chặt chẽ và không khả thi.

[Các đại biểu thảo luận dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)]

Đồng quan điểm, đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lắk) cho rằng, phương án 2 quy định nhiều cấp có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập. Điều đó sẽ tăng cường về trách nhiệm đối với nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị cùng tham gia làm công tác quản lý, phòng, chống tham nhũng, giảm tải đối với cơ quan, tổ chức được giao thẩm quyền làm công tác kiểm soát tài sản, thu nhập so với phương án 1. Do vậy, dự thảo Luật khi được ban hành sẽ có tính khả thi cao.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho rằng cả hai phương án còn có những nội dung cần được cân nhắc, xem xét một cách thận trọng. Nếu theo phương án 1 sẽ làm cho các cơ quan thanh tra, nhất là cơ quan thanh tra cấp tỉnh quá tải công việc, có thể dẫn đến phát sinh tổ chức và nhu cầu tăng biên chế.

Trong khi đó, các cơ quan thanh tra hiện đang phải đảm nhiệm nhiều chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản pháp luật khác.

Ngoài ra, hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập của các cơ quan thanh tra sẽ gặp nhiều khó khăn khi đảm nhiệm nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện phải kê khai làm việc trong các cơ quan không cùng hệ thống cơ quan hành chính như Quốc hội, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan khác. Thủ tục và trình tự xử lý vụ việc sẽ phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức hơn.

Còn theo phương án 2, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm kiểm soát tài sản thu nhập bị phân tán, khó đảm bảo tính thống nhất, không đồng bộ quy định pháp luật về trách nhiệm người đứng đầu tổ chức trong hệ thống chính trị.

Người cùng giữ chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp ngang nhau nhưng lãnh đạo các cơ quan thuộc hệ thống cơ quan hành chính phải kê khai thu nhập tài sản gửi cơ quan thanh tra, bản thân họ không có quyền kiểm soát tài sản thu nhập của những người phải kê khai... Từ những nguyên nhân đã nêu, đại biểu đề nghị xem xét thành lập cơ quan chuyên trách, độc lập kiểm soát tài sản, thu nhập.

Quy định về công khai, minh bạch còn hình thức

Cho rằng dự thảo Luật chỉ cung cấp thêm cơ chế pháp lý để thực hiện phòng chống tham nhũng chứ không thể giải quyết tất cả vấn đề, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nhấn mạnh, để phòng, chống được tham nhũng thì cần thiết phải thực hiện cơ chế công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đại biểu đặt vấn đề lâu nay việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, những vấn đề thuộc trách nhiệm dân được biết, dân được bàn, dân được làm, dân được kiểm tra thực hiện không tốt.

Nêu ví dụ về vấn đề BOT, đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng đây là vấn đề liên quan đến dân, nhưng hợp đồng lại có điều khoản bảo mật. “Hay nói cách khác là ký kết hợp đồng trong bóng tối. Nếu chúng ta ngay từ đầu được dân tham gia thì đã không có khoảng cách trạm không hợp lý, không nảy sinh bức xúc của người dân”, đại biểu Phương thể hiện quan điểm.

Đồng thời, theo đại biểu Bùi Văn Phương, Điều 8, 9, 10 trong dự thảo Luật có nội dung về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhưng cả 3 điều đều chưa đồng bộ.

Nhấn mạnh thực tế có nhiều quy định về công khai đều nằm rải rác ở các luật, đại biểu đề nghị nên đưa các quy định về công khai, minh bạch về Luật Phòng, chống tham nhũng. Đại biểu đề xuất: “Một là có thể quy định ngay trong Luật, hai là có thể quy định nguyên tắc trong Luật rồi giao Chính phủ quy định."

Đồng quan điểm với đại biểu Bùi Văn Phương, nhiều đại biểu cũng nhất trí cho rằng, để phòng ngừa tham nhũng cần công khai, minh bạch về tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị; hướng tới minh bạch về nhiệm vụ, quyền, lợi ích của cán bộ công chức, viên chức và việc sử dụng tài sản, kinh phí hằng năm của cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Thành Công (Vĩnh Long), quy định về công khai, minh bạch quy định trong dự thảo Luật hiện nay còn hình thức, khó thực thi. Đại biểu cho rằng, hình thức công khai minh bạch nên dừng ở chỗ công bố, niêm yết ở cơ quan đơn vị. Công khai, minh bạch bằng cách thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, bằng văn bản đến các cơ quan, phát hành ấn phẩm là không cần thiết. Do đó, nên bỏ những quy định này.

"Nếu cần thiết muốn biết về chức năng, nhiệm vụ, kết quả thực hiện các mặt công tác của một đơn vị nào đó thì áp dụng Điều 13 của dự thảo Luật về quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân," đại biểu đề xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục