Thế giới bước sang tuần mới với thêm một số nước châu Âu và bang New York của Mỹ bắt đầu tiến trình nới lỏng phong tỏa.
Tuy nhiên các ca mới lây nhiễm trong cộng đồng tại Trung Quốc và Hàn Quốc báo hiệu nguy cơ của làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Tình trạng trên cho thấy tình huống khó xử của các chính phủ trên toàn thế giới khi vừa phải tìm cách khôi phục nền kinh tế đình đốn, vừa phải kiểm soát đại dịch đã cướp đi sinh mạng của khoảng 287.000 người và khiến hơn 4,2 triệu người lây nhiễm.
Với hàng triệu người bị thất nghiệp và các nền kinh tế lao đao vì dịch bệnh, các chính phủ đều muốn nhanh chóng khôi phục nền kinh tế, nhưng hầu hết đều chọn cách tiếp cận nới lỏng phong tỏa từng bước một và thận trọng.
Tại Mỹ, Thống đốc bang New Yok Andrew Cuomo tuyên bố cho phép ba khu vực nông thôn miền Bắc của bang nối lại các hoạt động bình thường vào cuối tuần này. Tuy nhiên, trước mắt sẽ chỉ có ngành xây dựng, sản xuất và bán lẻ được phép mở cửa trở lại.
Ngày 11/5, bang New York đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 thấp nhất từ trước tới nay là 161 ca, lần đầu tiên chưa đến 200 ca kể từ khi dịch bùng phát tại đây. Số ca nhập viện mới liên quan tới virus SARS-CoV-2 cũng đã xuống mức thấp nhất kể từ ngày 19/3, trước cả thời điểm New York bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa vào ngày 22/3.
[Quan chức WHO: Cần "cảnh giác cực độ" với đại dịch COVID-19]
Ngày 11/5, lần đầu tiên trong vòng gần tám tuần, người dân Pháp có thể ra đường mà không cần xin phép và một số cửa hàng đã mở cửa trở lại, nhưng Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran nêu rõ nếu tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh trở lại, Chính phủ Pháp sẽ "một lần nữa triển khai các biện pháp phong tỏa." Số ca tử vong trong ngày tại Pháp tăng trở lại, khi ngày 11/5 số ca tử vong vì COVID-19 ở Pháp đã lên đến 26.643 người - tăng 263 ca so với hôm 10/5.
Hầu như cả đất nước Trung Quốc đã bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường và ngày 11/5, khu vui chơi Disneyland Thượng Hải đã mở cửa trở lại sau ba tháng đóng cửa. Nhưng niềm vui này đã bị “giội gáo nước lạnh” khi liên tiếp có những ca lây nhiễm mới trong cộng đồng tại Vũ Hán, tất cả ở cùng một khu dân cư và hầu hết là người cao tuổi.
Các quan chức Hàn Quốc đã ra lệnh đóng cửa các quán bar và vũ trường ở tâm dịch mới tại thủ đô Seoul - “khu phố Tây” Itaewon, nơi có ít nhất 100 ca nhiễm mới.
Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại Seoul, chính quyền thành phố này đã quyết định xử phạt nặng đối với những người không sử dụng khẩu trang khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng, đồng thời nâng mức phạt gấp 6 lần đối với người nước ngoài vi phạm lệnh tự cách ly. Ổ dịch Itaewon bùng phát cũng đã buộc Bộ Giáo dục Hàn Quốc phải đưa ra quyết định lùi thời điểm học sinh trở lại trường thêm một tuần nữa.
Điều đáng chú ý là các cơ quan chức năng mới chỉ liên lạc và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm gần 50% trong số hơn 5.500 người thuộc diện nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2 khi đã đến khu vực Itaewon trong tuần nghỉ lễ vừa qua.
Để góp phần nhanh chóng kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định thực hiện xét nghiệm miễn phí cho tất cả những người nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2, đồng thời cam kết giữ bí mật danh tính những người này.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cũng khuyến cáo rằng với dự đoán làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19 có thể tấn công trở lại mạnh mẽ vào cuối năm nay, người dân Hàn Quốc cần tiếp tục tuân thủ nghiêm các quy định giãn cách xã hội để hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Hàn Quốc đang cân nhắc tái áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.
[Những con số nổi bật về COVID-19 trên thế giới]
Ngày 11/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết đang xem xét dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc được áp dụng trong bảy tuần qua. Thông tin được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Nam Á này vừa ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 theo ngày ở mức cao kỷ lục.
Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với các thủ hiến bang, Thủ tướng Ấn Độ Modi khẳng định, chính phủ liên bang sẽ xem xét "dỡ bỏ từng bước" lệnh phong tỏa, vốn đã 3 lần được kéo dài cho đến ngày 17/5.
Ông Modi nói: "Chúng ta có một thách thức kép, đó là giảm tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh và tăng dần hoạt động công cộng. Nhưng ngay cả khi chính phủ đang xem xét dỡ bỏ lệnh phong tỏa, trước khi có được vắcxin hoặc một giải pháp, thì vũ khí lớn nhất để chống virus là giãn cách xã hội."
Cùng ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định "sự cảnh giác cực độ" là cần thiết bởi nhiều quốc gia bắt đầu dỡ bỏ các lệnh phong tỏa.
Người đứng đầu chương trình các tình trạng khẩn cấp của WHO, Tiến sỹ Mike Ryan cảnh báo: "Dù dịch bệnh tiếp tục diễn biến ở mức độ ít nghiêm trọng nhưng lại không có khả năng điều tra các nhóm bệnh nhân, thì sẽ luôn có khả năng loại virus này sẽ bùng phát trở lại"./.