Hai năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và những biện pháp giãn cách xã hội được áp đặt đã và đang gây thiệt hại nặng nề cho lĩnh vực dịch vụ trong nhà ở Hàn Quốc do người dân có tâm lý tránh đến những nơi đông người.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, số liệu thống kê cho thấy các dịch vụ phòng hát, quán càphê Internet và phòng đọc sách ở Hàn Quốc là những cơ sở kinh doanh chịu tác động đặc biệt nghiêm trọng.
Đây là những nơi tập trung đông người và thường đi theo nhóm nên nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. Báo cáo vừa công bố của Cơ quan Thuế quốc gia cho thấy đến tháng 11/2021, số lượng cơ sở kinh doanh karaoke ở Hàn Quốc là 27.779, giảm 9,5% so với 30.421 cơ sở thời điểm trước đại dịch năm 2019.
Trong khi đó, quán càphê Internet giảm 10,5% còn 969 cơ sở kinh doanh và có 4,2% phòng đọc đã ngừng hoạt động trong cùng thời gian. Một chủ cơ sở kinh doanh ở quận Mapo, phía Tây Seoul, cho biết khoảng 15% cơ sở kinh doanh karaoke trong khu vực này đã ngừng hoạt động.
Người Hàn Quốc vốn rất thích hát và thường đến quán karaoke sau khi đã dùng bữa. Trước đó, dịch vụ này trước đó đã chịu ảnh hưởng của luật chống tham nhũng có hiệu lực từ năm 2016, theo đó quy định số tiền cụ thể các đơn vị được phép chi cho việc mời khách cho mỗi cuộc tiếp đãi.
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các quán bar và quán rượu nhỏ, những cơ sở giải trí về đêm phổ biến ở Hàn Quốc, cũng buộc phải đóng cửa do không được phép kinh doanh quá thời gian. Số lượng các quán bar quy mô nhỏ giảm 33,8% trong thời gian qua, trong khi các quán rượu giảm 25%.
[Số ca mắc COVID-19 mới tăng kỷ lục ở Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Palestine]
Trong khi các dịch vụ tập trung đông người thiệt hại nặng thì các mô hình kinh doanh phục vụ riêng tư lại có "đất" phát triển. Mô hình nhà hàng Nhật Bản, nơi không gian ăn uống thường là riêng tư, đã tăng 11% kể từ năm 2019, từ 18.165 cơ sở lên 20.170 cơ sở, trong khi các nhà hàng Hàn Quốc tăng 4,5%.
Giáo sư Lee Byoung-hoon, chuyên ngành xã hội học tại Đại học Chungang, cho biết: “Những người trẻ hơn sinh từ đầu những năm 1980 đến 2000 có xu hướng coi trọng cuộc sống cá nhân hơn giao tế công việc, dẫn đến sự thay đổi văn hóa ảnh hưởng đến ngành dịch vụ ăn uống.”
Các quy định về giãn cách xã hội do chính phủ áp đặt đã đẩy nhanh quá trình suy giảm của những loại hình dịch vụ này.
Cùng với dịch vụ riêng tư, mua hàng trực tuyến cũng là lĩnh vực đại thắng nhờ đại dịch COVID-19 và sự thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Hàn Quốc, mua hàng trực tuyến đạt tổng cộng 192.900 tỷ won (160 tỷ USD) vào năm 2021, tăng 21% so với năm trước. Mua hàng trên thiết bị di động cũng phá kỷ lục và đứng ở mức 138.200 tỷ won, tăng 27,6%.
Cơ quan này dự báo mua sắm trực tuyến sẽ vượt mốc 200.000 tỷ won trong năm 2022. Thống kê cho biết dịch vụ giao hàng tại nhà tăng trưởng 48,2% lên 25.700 tỷ won, chiếm 13,3% tổng số giao dịch mua trực tuyến. Mua hàng tạp hóa tăng 26,7% đạt 32.700 tỷ won, chiếm 17% tổng số giao dịch qua mạng Internet./.