Đại hội Đại biểu toàn quốc VI: Đổi mới và giữ vững ổn định chính trị

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng mở đường cho sự nghiệp đổi mới đất nước tiến lên, đồng thời tạo lập cơ sở quan trọng để giữ vững ổn định chính trị ở nước ta.
Nguyên thủ các nước trên thế giới dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 14 tổ chức tại Hà Nội năm 2006. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng giữ vững ổn định chính trị, nhất là giữa ổn định trong Đảng và ổn định ngoài xã hội, giữa đồng thuận xã hội với ổn định chính trị, giữa ổn định với cải cách-đổi mới...

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986 đã đề xướng đường lối đổi mới, trong đó có chủ trương, quan điểm về giữ vững ổn định chính trị.

Tình thế đất nước những năm đầu đổi mới

Công cuộc đổi mới được khởi động trong một tình thế đất nước gặp khó khăn gay gắt: chủ nghĩa xã hội hiện thực lâm vào khủng hoảng, trì trệ, rồi sụp đổ có tính dây chuyền, tác động trực tiếp đến nguy cơ bất ổn chính trị nước ta; các thế lực thù địch tiếp tục chống phá cách mạng Việt Nam với mức độ bao vây, cô lập, cấm vận càng gia tăng hòng tạo thêm một tác nhân gây bất ổn chính trị; khủng hoảng kinh tế-xã hội lên đến đỉnh điểm, tác động trực tiếp đến niềm tin của nhân dân về công cuộc đổi mới, về năng lực và hiệu quả lãnh đạo-quản lý của hệ thống chính trị.

Bên cạnh những khó khăn gay gắt kể trên, cũng có những thuận lợi nhất định, tác động tích cực đối với quá trình giữ vững ổn định chính trị.

Cuộc cách mạng khoa học-công nghệ, xu thế toàn cầu hóa tạo điều kiện cho các nước tham gia vào đời sống quốc tế, tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn, công nghệ tiên tiến, hiện đại. Kinh nghiệm mô hình công nghiệp hóa của các quốc gia, vùng lãnh thổ, như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan... gợi nhiều hướng đi mới cho Việt Nam.

Sức mạnh của truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa Đảng và nhân dân. Đảng ta trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trung thành với lý luận chủ nghĩa Marx- Lenin.

Nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị

Đại hội lần thứ VI của Đảng xác định: nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát của những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế-xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo.

Trong đó, ổn định chính trị là quan trọng và được đặt lên hàng đầu, vì nó liên quan đến sự bền vững của chế độ và chủ thể ở địa vị cầm quyền.

Sau khi đánh đuổi thực dân Pháp, Việt Nam lại tiếp tục cuộc chiến chống đế quốc Mỹ. Tiếp bước cha anh, lớp trẻ Việt Nam nhận nhiệm vụ lên đường đánh giặc cứu nước. (Ảnh: Văn Bảo/TTXVN)

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế-xã hội thì ổn định kinh tế, trước hết là ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển sản xuất, có tác động trực tiếp đến giữ vững ổn định chính trị.

Đại hội lần thứ VI của Đảng đề xướng đường lối đổi mới toàn diện các lĩnh vực đời sống xã hội với tư tưởng lớn, chủ đạo, xuyên suốt là giải phóng mọi tiềm năng phát triển trong xã hội. Đó là giải phóng sức sản xuất và giải phóng ý thức tinh thần xã hội.

Về đổi mới chính sách đối ngoại với ổn định chính trị, Đại hội lần thứ VI xác định mục tiêu hàng đầu của chính sách đối ngoại là hòa bình và phát triển, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, làm thất bại cuộc chiến tranh nhiều mặt của địch, tranh thủ những điều kiện thuận lợi mới về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới. 

Củng cố, đổi mới hệ thống chính trị với giữ vững ổn định chính trị. Mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân suy giảm làm cho bộ máy của Đảng và Nhà nước hoạt động kém hiệu quả, hiệu lực.

Giàn Công nghệ Trung tâm mỏ Bạch Hổ. Dầu khí là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp nhiều vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Do đó, Đại hội lần thứ VI chủ trương: Phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, tạo ra phong trào hành động cách mạng sôi nổi của quần chúng; tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho sự lãnh đạo của Đảng ngang tầm nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Phải thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, đó là nề nếp hàng ngày của xã hội mới, thể hiện chế độ nhân dân lao động tự quản lý Nhà nước của mình” (1).

Do vậy, yêu cầu đặt ra là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; hướng mạnh về cơ sở, đi sâu giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực vào công việc quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, quản lý xã hội, xây dựng Đảng nhằm tạo ra các phong trào cách mạng sôi nổi.

Đại hội chủ trương thực hiện một cuộc cải cách lớn về tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước theo hướng bảo đảm gọn nhẹ, có chất lượng cao, với một đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị và có năng lực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

Bên cạnh đó, phải tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, dùng sức mạnh của pháp chế kết hợp với sức mạnh của dư luận quần chúng để đấu tranh chống những hành vi vi phạm pháp luật; xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật; coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức và biện pháp để xây dựng ý thức tôn trọng pháp luật trong cán bộ, nhân dân...

Sức mạnh của Đảng chính là ở tổ chức nên cần phải đổi mới về công tác tổ chức và công tác cán bộ. Đại hội lần thứ VI khẳng định: “Đổi mới cán bộ lãnh đạo các cấp là mắt xích quan trọng nhất mà Đảng ta phải nắm chắc để thúc đẩy những cuộc cải cách có ý nghĩa cách mạng” (2).

Đại hội đã đưa ra hệ thống quan điểm chỉ đạo đổi mới công tác cán bộ. Để đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên, để tăng cường sức chiến đấu và năng lực tổ chức thực tiễn của Đảng, Đảng cần đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác mang tính khoa học và cách mạng.

Công trình Thuỷ điện Hoà Bình trên sông Đà (tỉnh Hoà Bình) được xây dựng từ 1979-1982. Đây là nhà máy Thuỷ điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á (đến năm 2012), có sản lượng điện hàng năm là 8,16 tỷ KWh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Trong tổng thể đường lối đổi mới toàn diện của Đại hội lần thứ VI nhằm giữ vững ổn định chính trị, chủ trương đổi mới trên các lĩnh vực đều nhằm mục đích ổn định tình hình, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị.

Đại hội lần thứ VI của Đảng mở đường cho sự nghiệp đổi mới đất nước tiến lên, đồng thời tạo lập cơ sở quan trọng để giữ vững ổn định chính trị ở nước ta./.

_________________________

Chú thích: (1), (2) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47, trang 446, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

(Tạp chí Cộng sản)

Tin cùng chuyên mục