Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết hai bên đã có một cuộc thảo luận "hiệu quả" tại Nhà Trắng ngày 22/5 về vấn đề trần nợ công, nhưng chưa đạt được thỏa thuận.
Cuộc họp diễn ra sau khi Tổng thống Biden kết thúc sớm chuyến công du châu Á nhằm tìm cách đạt thỏa thuận giải quyết khủng hoảng trần nợ.
Khi bắt đầu cuộc thảo luận với Chủ tịch Hạ viện McCarthy, Tổng thống Biden bày tỏ lạc quan cuộc đàm phán sẽ đạt được tiến bộ, đồng thời nhấn mạnh cả hai bên đều có trách nhiệm quan trọng trong giải quyết bế tắc.
Sau cuộc gặp, ông Biden đánh giá cuộc đàm phán với ông McCarthy hiệu quả, nhưng hai bên vẫn còn những điểm bất đồng.
Tương tự, phát biểu với báo giới, Chủ tịch Hạ viện McCarthy cũng cho biết mặc dù chưa đạt được thỏa thuận, song cuộc thảo luận “hiệu quả” ở những điểm bất đồng.
[Tổng thống Mỹ nhắc đến quyền dùng Tu chính án 14 về mức trần nợ công]
Ông McCarthy cũng cho biết các nhà đàm phán sẽ làm việc xuyên đêm để thu hẹp khác biệt, đồng thời khẳng định ông và Tổng thống Biden sẽ thảo luận "hằng ngày" để tìm cách giải quyết vấn đề.
Cuộc đàm phán giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về nâng trần nợ công đang trở nên gấp rút hơn bao giờ hết.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo chính phủ có thể hết khả năng trang trải chi phí cho các hoạt động và nguy cơ sớm vỡ nợ, có thể vào ngày 1/6 tới, với khoản nợ hơn 31.000 tỷ USD, nếu không đình chỉ hoặc nâng trần nợ công.
Hai bên giữ quan điểm khác biệt trong vấn đề này. Đảng Cộng hòa cho rằng không thể nâng trần nợ công nếu chính phủ không có các biện pháp mạnh tay để giảm thâm hụt ngân sách.
Các biện pháp này bao gồm cắt giảm chi tiêu cho an sinh xã hội và hạn chế diện tiếp cận với Medicaid, chương trình trợ cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden phản đối các biện pháp trên, thay vào đó, đưa ra kế hoạch giảm một số chi tiêu và tăng thuế đối với những người giàu nhất cũng như các tập đoàn hiện đang được hưởng các khoản giảm thuế lớn. Phía Cộng hòa không chấp nhận biện pháp tăng thuế này.
Hiện chưa rõ có khả năng đạt được thỏa thuận giữa hai bên trước ngày 1/6 hay không. Tổng thống Biden đã đề cập khả năng sử dụng một điều khoản hiến pháp trong Tu chính án thứ 14 cho phép tổng thống tự nâng mức trần nợ công.
Giới chuyên gia cảnh báo Chính phủ Mỹ vỡ nợ sẽ dẫn tới những hệ lụy thảm khốc đối với nền kinh tế nước này, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp, lãi suất ngân hàng và thị trường bất động sản, chưa kể hiệu ứng domino đối với kinh tế toàn cầu./.