Dẫn dắt ASEAN gắn kết và chủ động đối phó với đại dịch COVID-19

Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã và đang tích cực điều phối, thúc đẩy các nỗ lực chung của ASEAN, hợp tác với các đối tác trong phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu khai mạc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Với cam kết và quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong ngăn ngừa và loại bỏ các nguy cơ của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với cuộc sống người dân, khẳng định tinh thần đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau ứng phó dịch bệnh của các nước, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (các nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) dưới hình thức trực tuyến đã khép lại thành công.

Trước thách thức chưa từng có của đại dịch COVID-19, đến nay Việt Nam không chỉ đạt được một số thành công nhất định trong việc kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2, mà với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã và đang tích cực điều phối, thúc đẩy các nỗ lực chung của ASEAN, hợp tác với các đối tác trong phòng, chống dịch COVID-19.

Sau các sự kiện này, lãnh đạo các nước, dư luận chính giới và học giả, chuyên gia quốc tế đều đáng giá tích cực về công tác tổ chức, dẫn dắt và tiên phong của Việt Nam trong phối hợp các nỗ lực chung, thúc đẩy sự gắn kết và chủ động để đẩy mạnh cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19.

Vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong giai đoạn thách thức này của ASEAN được thể hiện rõ. Tổng Thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Lim Jock Hoi nhấn mạnh rằng các hội nghị trực tuyến nói trên là minh chứng cụ thể cho tình đoàn kết và tầm lãnh đạo của ASEAN và cũng là cơ hội để ASEAN tăng cường quan hệ hợp tác với các nước đối tác ASEAN+3 nhằm cùng nhau ứng phó với COVID-19.

Qua các hội nghị, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thể hiện “tầm lãnh đạo mạnh mẽ” trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch COVID-19.

ASEAN đã đoàn kết và nhanh chóng ứng phó với đại dịch kể từ tháng Hai và thông qua hai hội nghị cấp cao đặc biệt này.

Ông cũng cho rằng phản ứng mạnh mẽ của ASEAN phần lớn nhờ vào sự lãnh đạo của Việt Nam trong việc khuyến khích tiếp tục đối thoại và hợp tác trong khu vực. Việc triệu tập các hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 này theo hình thức trực tuyến là một “thành tựu đúng nghĩa."

Tổng Thư ký Jock Hoi khẳng định: "Việt Nam đã chỉ ra rằng chúng ta có thể vượt qua các thách thức từ đại dịch COVID-19 nếu các nước trong khu vực hợp tác cùng nhau trong tình đoàn kết và sự kiên cường."

[Đoàn kết, hợp tác là thành công lớn nhất của Hội nghị ASEAN+3]

Giới chức Hàn Quốc cho rằng sự thể hiện tinh thần đoàn kết và ý thức hợp tác là “thành tựu đáng chú ý nhất” của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và 3 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) về ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Theo Đại sứ Lim Sungnam, Trưởng phái đoàn thường trực Hàn Quốc tại ASEAN, Việt Nam đã thực sự thể hiện vai trò lãnh đạo gắn kết và chủ động thích ứng thông qua việc tổ chức kịp thời hai hội nghị cấp cao đặc biệt nói trên. 

Chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, Thạc sỹ Hoàng Thị Hà nhận định các hội nghị là kết quả của nỗ lực điều phối của nước Chủ tịch Việt Nam, cũng như công tác chuẩn bị trong 3 tháng qua ở các cấp làm việc và cấp bộ trưởng của các ngành liên quan trong ASEAN, đặc biệt là y tế, ngoại giao, quốc phòng, và kinh tế.

Bà nhấn mạnh hai hội nghị đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin, phối hợp hành động và hợp tác khu vực trước hết trong phòng chống dịch. Các nước ASEAN sẽ được hưởng lợi từ việc hợp tác chặt chẽ với 3 nước đối tác, vốn có nguồn lực lớn về công nghệ, y tế và tài chính để đối phó với dịch

Việc tổ chức hai hội nghị này là minh chứng cho thấy Việt Nam luôn ý thức được tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua kênh ASEAN, đặc biệt với các nước đối thoại và trong khuôn khổ ASEAN+3.

Điều này trước hết có ý nghĩa thiết thực trên phương diện y tế nhằm trao đổi thông tin kịp thời về việc nghiên cứu, sản xuất và cung cấp thuốc điều trị và vaccine chống COVID-19.

Ngoài ra, trong bối cảnh các nước trong và ngoài ASEAN đều đóng cửa vì dịch bệnh, kiên trì hợp tác quốc tế có tầm quan trọng dài hạn về mặt kinh tế cũng như địa chính trị, góp phần hạn chế tối đa những đứt gãy trong chuỗi cung ứng, khôi phục thương mại và đầu tư quốc tế hậu dịch một cách nhanh chóng, và duy trì cấu trúc khu vực mở, thu nạp.

Chuyên gia Lăng Đức Quyền - nguyên Trưởng Đại diện Tân Hoa Xã tại Việt Nam, đánh giá với tư cách là nước chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc khởi xướng, tổ chức cũng như thúc đẩy hội nghị đặc biệt của các nhà lãnh đạo Đông Á lần này đạt được kết quả tích cực.

Kết quả các hội nghị này cũng cho thấy Việt Nam đã và đang tích cực thúc đẩy "sự gắn kết và chủ động thích ứng" của Cộng đồng ASEAN , như chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN, để các nước cùng nhau vượt qua đại dịch. Theo Tổng Thư ký ASEAN Jock Hoi, chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam rất phù hợp với tình hình mà khu vực đang trải qua.

Trong khi đó, chuyên gia Hoàng Thị Hà nhận định đại dịch COVID-19 đặt ra phép thử cao nhất với chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” của nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, vì đây không chỉ là một đại dịch đối với sức khỏe cộng đồng mà còn gây khủng hoảng kinh tế và đứt gãy kết nối khu vực và toàn cầu.

Thực hiện xét nghiệm đối với toàn bộ người dân thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội). Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã tích cực nêu cao tinh thần đoàn kết ASEAN và chủ động đưa ra nhiều sáng kiến cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác ASEAN phòng chống dịch.

Việt Nam đã sớm ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN nhấn mạnh tính cấp thiết của tình hình bùng phát dịch, đồng thời đề xuất phối hợp hành động thông qua chia sẻ thông tin dịch tễ kịp thời, hỗ trợ lãnh sự cho công dân ASEAN và phối hợp trong công tác kiểm tra y tế tại các cửa khẩu.

Ngoài ra, với sự tham gia ngay từ đầu của kênh quốc phòng, sáng kiến của Việt Nam về Diễn tập trực tuyến phòng chống dịch giữa quân y các nước ASEAN sẽ sớm được triển khai.

Các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN hồi giữa tháng Hai và bộ trưởng Kinh tế ASEAN đầu tháng Ba cũng có những tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của ứng phó tập thể của ASEAN trong phòng chống dịch. Kênh y tế ASEAN cũng liên tục chia sẻ thông tin định kỳ về tình hình dịch ở từng nước thành viên.

Việt Nam cũng phát huy vai trò của Hội đồng Điều phối ASEAN thông các cuộc họp trực tiếp và trực tuyến của hội đồng này, đồng thời thành lập nhóm quan chức cấp cao ASEAN bao gồm các kênh ngoại giao, kinh tế, giao thông, tài chính, thông tin, quốc phòng và xuất nhập cảnh, nhằm phối hợp đa ngành trong ứng phó với COVID-19 giữa các nước thành viên ASEAN.

Hội đồng Điều phối ASEAN và nhóm liên ngành này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các quyết định của Hội nghị cấp cao ASEAN ngày 14/4 về hợp tác khu vực phòng chống dịch.

Ông Khieu Kola, thành viên Ban giám đốc Câu lạc bộ nhà báo Campuchia (CCJ), đánh giá kinh nghiệm chống COVID-19 của Việt Nam tạo khích lệ cho ASEAN.

Theo ông, trong năm giữ chức Chủ tịch ASEAN 2020, Chính phủ Việt Nam đã hoạt động rất tích cực, nỗ lực hợp tác cùng khối ASEAN, cộng đồng quốc tế và đặc biệt là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Ông Khieu Kola cho rằng những nỗ lực của Việt Nam đã được phản ánh rất rõ trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi chủ trì hai hội nghị nói trên. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp chủ động nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân Việt Nam, đóng góp vào nỗ lực chung của ASEAN trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Dù còn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác chống dịch ở trong nước, Việt Nam - trong vai trò Chủ tịch ASEAN - vẫn không quên nghĩa vụ khi hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế cho hai nước láng giềng Campuchia và Lào, trong khi cũng hỗ trợ các bộ xét nghiệm COVID-19 cho Indonesia hay giúp đỡ Myanmar...

Có thể thấy rằng với cương vị là Chủ tịch ASEAN 2020, ngay khi dịch COVID-19 xuất hiện, Việt Nam đã phối hợp với các nước ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN trước dịch COVID-19 (ngày 14/2/2020), vừa cảnh báo nguy cơ dịch bệnh vừa khẳng định quyết tâm hợp tác khu vực, quốc tế trong chống dịch, phối hợp tổ chức nhiều cuộc họp với các đối tác như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và các tổ chức quốc tế nhằm cùng nhau sớm đẩy lùi và khống chế dịch bệnh.

Việt Nam cũng đã thúc đẩy việc thành lập và tổ chức cuộc họp đầu tiên bằng hình thức trực tuyến của Nhóm công tác liên ngành Hội đồng điều phối ASEAN về ứng phó các tình trạng y tế công cộng khẩn cấp vào ngày 3/3 vừa qua để thống nhất khuyến nghị các bước triển khai phối hợp và hành động tiếp theo…

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lan rộng khắp thế giới, gây ra mối đe dọa lớn đối với cuộc sống và sức khỏe của người dân, và là một thách thức lớn đối với an ninh y tế công cộng toàn cầu, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với dịch bệnh COVID-19 là những sự kiện được tổ chức rất kịp thời và có ý nghĩa to lớn. 

Các hoạt động này cũng cho thấy Việt Nam đã phát huy vai trò tích cực, chủ động của Chủ tịch ASEAN 2020, đồng thời góp phần nâng cao tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng, thúc đẩy đoàn kết, thống nhất ASEAN, đẩy mạnh cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, liên ngành, liên trụ cột của cả Cộng đồng ASEAN cũng như hợp tác với các đối tác trong kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu các tác động về kinh tế-xã hội của dịch bệnh.

ASEAN tiếp tục duy trì đà hợp tác, liên kết, đưa ASEAN vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn, thử thách. Việt Nam tiếp tục khẳng định là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục