Tuần báo Al-Ahram của Ai Cập số ra mới đây có bài phân tích về việc Mỹ triển khai binh sỹ và các khí tài quân sự tới Saudi Arabia.
Đây là diễn biến đáng chú ý trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng ở khu vực vùng Vịnh.
Theo Al-Ahram,Saudi Arabia đã hoan nghênh các lực lượng Mỹ quay trở lại lãnh thổ nước này “nhằm nâng mức độ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng vì an ninh và sự ổn định cũng như nhằm đảm bảo hòa bình của khu vực.” Như vậy, các lực lượng Mỹ sẽ quay trở lại Saudi Arabia sau 15 năm vắng bóng ở vương quốc giàu dầu mỏ này.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực đang gia tăng. Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Saudi Arabia đã xác nhận quyết định của chính quyền Riyadh về việc tiếp nhận hàng trăm binh sỹ Mỹ trong khuôn khổ hợp tác giữa quốc gia Trung Đông này với Washington.
[Lầu Năm Góc cho phép triển khai binh sỹ và vũ khí tới Saudi Arabia]
Thông tin trên cũng đã được xác nhận từ khắp Đại Tây Dương. Kênh truyền hình CNN của Mỹ dẫn nguồn tin từ hai quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng Căn cứ không quân Hoàng tử Sultan ở phía Đông Riyadh đang chuẩn bị tiếp nhận khoảng 500 binh sỹ và một số binh sỹ cùng với lực lượng hỗ trợ “đã có mặt ở đây để xúc tiến những công tác chuẩn bị ban đầu nhằm phục vụ cho khẩu đội tên lửa phòng không Patriot cũng như nâng cấp đường băng và sân bay.”
Theo những nguồn tin trên, Mỹ có kế hoạch triển khai các chiến đấu cơ tàng hình F-22 thuộc thế hệ thứ 5 cùng nhiều loại máy bay chiến đấu khác từ căn cứ trên. Quyết định của Saudi Arabia về việc “mời” quân đội Mỹ vào nước này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở vùng Vịnh đang gia tăng trong những tuần gần đây, đặc biệt giữa Mỹ và Iran.
Đáng chú ý là hành động theo kiểu “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Iran về việc bắn hạ máy bay không người lái của nhau. Washington cũng đã cáo buộc Tehran tấn công các tàu chở dầu và các tàu thương mại của nhiều nước ở khu vực Eo biển Hormuz.
Tuy nhiên, Iran đã phủ nhận những cáo buộc này. Trong một diễn biến khác, Anh và Iran đã bắt giữ các tàu chở dầu của nhau và London đã tuyên bố rằng họ đang hợp tác quân sự với Washington ở vùng Vịnh để đối phó với “những mối đe dọa từ Iran.”
Trước đó, hồi năm 2003, Washington đã rút các lực lượng của mình ra khỏi quốc gia giàu có dựa vào xuất khẩu dầu mỏ này sau cuộc chiến tranh xâm lược Iraq và lật đổ chính quyền Saddam Hussein.
Phần lớn các lực lượng, vốn đã đồn trú ở Saudi Arabia từ năm 1991, đã chuyển tới căn cứ Udeid ở Qatar, hiện có khoảng 10.000 binh sỹ. Khoảng 25.000 binh sỹ Mỹ khác đã được triển khai ở khắp Kuwait, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain, nơi Hạm đội 5 của Mỹ đặt trụ sở chính ở đây.
Trong một tuyên bố nhằm ám chỉ tới Iran, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ tuyên bố rằng động thái triển khai các lực lượng tới Saudi Arabia “nhằm tăng cường khả năng răn đe và đảm bảo khả năng của chúng tôi trong việc bảo vệ các lực lượng cũng như lợi ích của Mỹ ở khu vực trước những mối đe dọa đang nổi lên.”
Trong khi đó, truyền thông Iran, vốn ủng hộ Đại giáo chủ Ali Khamenei, đã gọi động thái điều động binh sỹ của Mỹ là “sự chiếm đóng” đồng thời cho rằng Mỹ không quan tâm tới việc đảm bảo an ninh thực sự ở vùng Vịnh.
Một số nhà phân tích ở Washington đã mô tả động thái này là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ gần gũi đến mức nào giữa Riyadh và Washington bất chấp việc có nhiều ý kiến ở Quốc hội Mỹ phản đối mối quan hệ “không rõ ràng” giữa chính phủ của họ với Riyadh.
Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel Al-Jubeir bình luận trên tài khoản mạng Twitter rằng nước ông không muốn chiến tranh với Iran nhưng cảnh báo rằng Saudi Arabia, vốn là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, sẽ tự vệ và bảo vệ những lợi ích của mình “bằng tất cả sức mạnh và sự quyết tâm.”
Theo các báo cáo quân sự quốc tế, Saudi Arabia vượt trội hơn Iran về lực lượng không quân và huấn luyện chiến đấu. Yếu tố này có nghĩa rằng một cuộc đối đầu quân sự giữa hai bên có thể kéo dài hơn dự tính của bất kỳ ai.
Nhà bình luận người Saudi Arabia, ông Khaled Al-Dakhil cho rằng không bên nào muốn xảy ra chiến tranh ở vùng Vịnh. Ông Al-Dakhil nêu rõ: “Không phải Iran, vốn không đủ mạnh để chiến đấu với Mỹ, cũng không phải Mỹ, vốn muốn có sự ổn định ở các thị trường năng lượng... nhưng Iran sẽ không ngừng ngấm ngầm phá hoại sự ổn định và an ninh của khu vực này vì họ tính toán rằng không có rủi ro thực sự về chiến tranh.” Chuyên gia này cho rằng vấn đề với Iran về bản chất không phải là quân sự.
Ông Al-Dakhil chỉ rõ: “Đó là vấn đề chính trị/an ninh vì Iran thâm nhập vào nhiều nước Arab bằng cách sử dụng những lực lượng ủy nhiệm thuộc phe của họ. Tehran tuyên bố họ không muốn xảy ra chiến tranh, nhưng họ đang dính líu vào cuộc chiến chống lại nhân dân Syria thông qua sự ủng hộ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, và chống lại nhân dân Yemen bằng cách tiếp tay cho lực lượng phiến quân Houthi. Vai trò của Iran ở Iraq và Liban là rõ ràng.”
Tại Saudi Arabia, nhiều nhân sỹ trí thức vốn từng phản đối những chính sách của chính quyền, liên quan đến việc cho phép các lực lượng Mỹ hiện diện trên lãnh thổ nước này, thì nay lại là những người ủng hộ nhiệt tình nhất.
Ông Al-Dakhil cho biết: “Hồi những năm 1990, những người theo chủ nghĩa dân tộc và Hồi giáo đã phản đối sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài ở Saudi Arabia. Ngày nay, sự phản đối đã giảm bớt vì mối nguy hiểm từ Iran đã trở nên quá rõ rệt.”
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích cho rằng những sức ép nhằm vào Tehran với việc các lực lượng phương Tây được triển khai ở vùng Vịnh có thể buộc nước Cộng hòa Hồi giáo này ngồi vào bàn đàm phán.
Washington đang gây sức ép với Iran nhằm đạt được một thỏa thuận toàn diện hơn thỏa thuận mà Tehran đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh cùng với Đức) dưới thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama./.