Đánh giá chính sách 'Ấn Độ tự cường' của Thủ tướng Narendra Modi

Từ tháng 12/2020, các lực lượng vũ trang Ấn Độ sẽ không thể mua khoảng 69 mặt hàng quân sự có nguồn gốc nước ngoài, bao gồm nhiều hệ thống vũ khí quan trọng.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng eastasiaforum.org đưa tin trong khuôn khổ chính sách “Ấn Độ tự cường” của Thủ tướng Narendra Modi, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh đã công bố danh sách mua sắm 101 trang thiết bị quốc phòng trong tháng Tám vừa qua với các mốc thời gian khác nhau, mà sau đó chúng sẽ bị cấm nhập khẩu.

Từ tháng 12/2020, các lực lượng vũ trang Ấn Độ sẽ không thể mua khoảng 69 mặt hàng quân sự có nguồn gốc nước ngoài, bao gồm nhiều hệ thống vũ khí quan trọng như tên lửa hành trình đối hạm, tàu ngầm diesel, tàu khu trục tên lửa, máy bay chiến đấu hạng nhẹ và trực thăng.

Hầu hết trong số này đã được cấp phép và sản xuất tại Ấn Độ, vì vậy chính phủ tin rằng lệnh cấm nhập khẩu sẽ buộc ngành công nghiệp quốc phòng nước này có thể tự cung tự cấp trong vòng 1 thập kỷ tới.

Vì không được phép nhập khẩu, quân đội Ấn Độ sẽ buộc phải tham gia các chương trình sản xuất vũ khí ở trong nước.

[Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa đất đối đất Prithvi-II]

Tuy nhiên, có một ngoại lệ nhỏ: việc mua vũ khí khẩn cấp sẽ được phê chuẩn để lấp đầy kho dự trữ hao hụt và kho dự trữ chiến tranh phòng trường hợp căng thẳng thù địch Trung-Ấn ở Ladakh bùng nổ.

Ông Singh đã cam kết cấp 54 tỷ USD cho ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ, tuy nhiên có rất nhiều hoài nghi về cam kết này, bởi vì số tiền này bao gồm việc chi trả cho cả những dự án cung cấp vũ khí vốn đang được triển khai.

Trên thực tế, Chính phủ Ấn Độ đã ký các hợp đồng trị giá 34 tỷ USD cho các nhà cung cấp vũ khí nước ngoài, vượt xa mức 20 tỷ USD dành cho các công ty Ấn Độ.

Do ngân sách quốc phòng Ấn Độ được lên kế hoạch hàng năm nên không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ có thể tài trợ dài hạn cho một chương trình nào đó.

Ngoài ra còn có nhiều vấn đề cơ bản với kế hoạch này. Thật trớ trêu khi một quốc gia ít nhiều có khả năng tự sản xuất vũ khí chiến lược (đầu đạn hạt nhân, tên lửa tầm xa và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo) lại không có khả năng sản xuất vũ khí thông thường.

Do vũ khí chiến lược không có sẵn tại một số chợ vũ khí, chúng được phát triển trong nước theo cơ chế đặc biệt - dưới sự chỉ đạo trực tiếp của thủ tướng.

Điều này giúp loại trừ những phức tạp về thủ tục, những phiền toái trong giám sát tài chính và những cản trở của hệ thống quan liêu vốn luôn “gây khó dễ” cho các dự án phát triển vũ khí.

Chính sách tự lực về vũ khí sẽ được triển khai tốt hơn nếu các dự án vũ khí truyền thống cũng được phát triển dưới cùng một phương cách.

Hệ thống mua sắm vũ khí vô cùng phức tạp của Ấn Độ chỉ mới được cải tổ bề ngoài.

Phiên bản mới nhất của Quy trình Mua sắm Quốc phòng quy định một hệ thống thứ bậc trong đó ưu tiên hàng đầu là các hạng mục được thiết kế, phát triển và sản xuất nội địa (IDDM).

Tiếp đó là các mặt hàng đáp ứng Sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” (MII), bao gồm những thiết bị do các công ty nước ngoài tái sản xuất từ các dòng sản phẩm quốc tế của họ - chẳng hạn như máy bay chiến đấu F-16 của Lockheed Martin sẽ được bán dưới dạng F-21 mới.

Các mặt hàng IDDM phải chiếm ít nhất 60% trang thiết của Ấn Độ (dù trọng lượng hay giá trị là chưa rõ ràng), với các yêu cầu tương tự áp dụng cho phụ tùng, dụng cụ đặc biệt và thiết bị thử nghiệm.

Danh mục MII cho phép các công ty nước ngoài tham gia 40%, làm chi phí cạnh tranh lệch theo hướng có lợi cho họ.

Điều này hối thúc các cơ quan vũ trang hướng đến lựa chọn MII, liên quan đến các vũ khí mà đã được chứng minh nhưng điều đó nhanh chóng trở nên lỗi thời.

Quá trình này phức tạp do thiếu các thủ tục để đánh giá việc sử dụng vũ khí nội địa - lực lượng quốc phòng sẽ phải nghe theo các công ty nước ngoài, điều này không phải lúc nào cũng đáng tin cậy.

Trong trường hợp này, các lực lượng vũ trang sẽ không thể thực hiện được mục tiêu “Ấn Độ tự cường” nếu không xóa bỏ những bất cập trong thủ tục mua sắm.

Quân đội có thói quen coi trang thiết bị nhập khẩu là tốt và hoài nghi bất cứ thứ gì do Ấn Độ sản xuất.

Trên thực tế, máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas thế hệ 4.5 do Ấn Độ thiết kế và phát triển là rất nổi tiếng.

Lực lượng Không quân Ấn Độ (IAF) gần như không đóng góp gì cho dự án ngoài việc thường xuyên thay đổi Yêu cầu Chất lượng Cán bộ Không quân, làm chậm trễ giai đoạn thử nghiệm và chứng nhận.

Cuối cùng, IAF buộc mua một phi đội Tejas, và với việc thúc đẩy sự tập trung hóa, họ sẽ sớm đặt thêm 83 chiếc nữa.

Lực lượng Vũ trang Ấn Độ cũng đánh giá không cao xe tăng chiến đấu chủ lực Arjun do Ấn Độ thiết kế, mua rất ít loại xe tăng này và không thể hỗ trợ quy mô kinh tế cần thiết.

Mặc dù vượt trội hơn xe tăng T-90 MBT của Nga trong mọi bài kiểm tra thực địa, quân đội cho rằng Arjun cồng kềnh so với thông số kỹ thuật. Trong khi đó, phi đội T-90 của họ không ngừng phát triển.

Tiền lệ đối xử lạnh nhạt với vũ khí sản xuất nội địa có từ những năm 1970s khi IAF lựa chọn máy bay ném bom tầm thấp Jaguar của Anh thay vì HF-73, một phiên bản tiên tiến của Marut HF-24 do Ấn Độ thiết kế - chiếc máy bay phản lực chiến đấu siêu thanh đầu tiên được sản xuất bên ngoài Bắc Mỹ và châu Âu.

So với các công ty công nghiệp quốc phòng thuộc khu vực công, các công ty thuộc khu vực tư có những thiết kế phù hợp và giá thành hợp lý.

Tuy nhiên, Chính quyền Modi chỉ sử dụng các công ty tư nhân đóng vai trò nhà thầu phụ, còn nhà thầu chính vẫn là những đơn vị thuộc khu vực công, vốn thờ ơ và lãng phí, dẫn đến tình trạng đội phí và thời gian, làm chậm tiến độ bàn giao và mất đi nhiều khách hàng.

Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa đất đối đất Prithvi II năm 2011. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ Ấn Độ tới nay vẫn phớt lờ giải pháp biến ngành công nghiệp quốc phòng thành một ngành nhiều sinh lợi và hướng đến xuất khẩu.

Điều này có thể buộc Công ty Hindustan Aeronautic phải chia sẻ thiết kế và mã nguồn của Tejas LCA với Tata Aerospace và Mahindra Aerospace, tạo ra nhiều dây truyền sản xuất cho một chiếc máy bay chiến đấu và hướng đến thị trường ở thế giới đang phát triển.

Họ cũng có thể giao nhiệm vụ cho Larsen & Toubro, gã khổng lồ kỹ thuật đã chế tạo tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Arihant, để thực hiện việc sản xuất tàu ngầm truyền thống.

Một cách tiếp cận tham vọng hơn đó là chia lĩnh vực nghiên cứu-phát triển và các tài sản công nghiệp quốc phòng của khu vực công thành hai tổ hợp khổng lồ cạnh tranh.

Hai tổ hợp này sau đó sẽ tham gia bỏ thầu các hợp đồng vũ khí. Nếu không sử dụng một cách tối ưu tài nguyên công nghiệp quốc phòng, tương lai của một nền quốc phòng Ấn Độ tự cường sẽ rất ảm đạm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục