Dấu ấn năm cầm quyền đầu tiên của Thủ tướng Malaysia Muhyiddin

Thủ tướng Muhyiddin Yassin không những thành công trong cách xử lý cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế tại Malaysia mà còn chứng tỏ được khả năng chèo lái con thuyền vượt qua "sóng cả."
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin phát biểu tại Kuala Lumpur. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một năm cầm quyền của Thủ tướng Malayia Muhyiddin Yassin cũng là một năm đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát mạnh. Bài toán đặt ra cho chính phủ nhậm chức ngày 1/3/2020 này là phải kiểm soát tốt đại dịch nhưng không thể để cho những người dễ tổn thương nhất trong xã hội bị chết đói do nền kinh tế đóng cửa.

Tuy nhiên, vượt ra ngoài sự mong đợi, chính phủ của Thủ tướng Muhyiddin không những thực hiện tốt mục tiêu kép đề ra, vừa chống dịch vừa vực dậy nền kinh tế, mà còn ghi dấu với 7 thành tựu lớn sau một năm cầm quyền.

Malaysia chắc chắn nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu về kiểm soát xử lý đại dịch. Với phương châm “không ai được an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn," Chính phủ Malaysia dành 3 tỷ ringgit cho Chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19, kể cả những người nước ngoài cư trú bất hợp pháp.

Ngày 24/2 vừa qua, nước này đã khởi động chương trình tiêm chủng hoàn toàn miễn phí này và hiện đang triển khai giai đoạn 1 trong ba giai đoạn. Với mục tiêu tiêm phòng cho khoảng 80% dân số, tương đương với 26 triệu người dân Malaysia, chính phủ của Thủ tướng Muhyiddin kỳ vọng đại dịch sẽ được đẩy lùi sau 1 năm triển khai.

Cho đến nay, đã có 5 chương trình kích cầu kinh tế, được hỗ trợ bởi ngân sách lớn nhất trong lịch sử quốc gia, trị giá 322,50 tỷ ringgit cho năm 2021. Bảo vệ cuộc sống và sinh kế gắn liền với việc tạo ra các hoạt động kinh tế là thách thức kép của quốc gia.

Để giải quyết những ảnh hưởng bất lợi của đại dịch đối với kinh tế, cụ thể là tác động trực tiếp đối với kế sinh nhai của người dân Malaysia khi mà mọi hoạt động của nền kinh tế buộc phải dừng hoặc tạm dừng để chống dịch, thủ tướng đã hoàn toàn tập trung vào việc tạo ra việc làm, đảm bảo rằng các gói viện trợ kinh tế đạt được mục tiêu và những người dễ bị tổn thương không bị đói.

Là một phần của kế hoạch toàn diện nhằm phục hồi nền kinh tế, chính phủ của ông Muhyiddin đã chú trọng đến Chương trình chuyển đổi kỹ thuật số. Ước tính khi số hóa hoàn toàn, nền kinh tế có thể tạo ra 500.000 việc làm và sẽ đóng góp 22,6% vào tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia vào năm 2025. Đào tạo và nâng cao kỹ năng sẽ được hướng tới mục tiêu này.

Tuy nhiên, một thành tựu khác của chính phủ trong một năm qua là nỗ lực kiềm chế và loại bỏ tham nhũng trong các cơ quan thực thi pháp luật. Điều này giải thích tại sao một số nhân sự trong các cơ quan như Cục Nhập cư, Hải quan và cảnh sát, đã được điều động trong gần đây.

Bên cạnh đó, ông Muhyiddin đã cam kết thực hiện Kế hoạch chống tham nhũng quốc gia do chính phủ Liên minh Hy vọng (Pakatan Harapan) trước đây xây dựng. Quan trọng không kém là cam kết của thủ tướng nhằm duy trì và tôn trọng tính độc lập của cơ quan tư pháp, vốn là nền tảng thực thi toàn bộ hệ thống quản trị. Đây không chỉ là một cam kết bằng lời nói mà còn thể hiện thông qua hành động cụ thể.

Một số nhân vật chính trị cốt cán của đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO), đảng ủng hộ Muhyiddin tại quốc hội, đã dính líu đến những vụ án tham nhũng nổi tiếng, song ông vẫn giữ vững nguyên tắc từ chối "can thiệp" vào quá trình tư pháp để "cứu" những cá nhân này. Điều này có thể coi là một hành động dũng cảm hiếm có trong lịch sử chính trị Malaysia.

[Malaysia kéo dài Lệnh kiểm soát di chuyển để ngăn ngừa dịch COVID-19]

Muhyiddin cũng là thủ tướng đầu tiên khởi động Kế hoạch tổng thể về Đoàn kết quốc gia (2021-2030). Theo ông Muhyiddin, đoàn kết là trụ cột cho sự thịnh vượng của đất nước và sức mạnh đó được thể hiện rõ ràng trong những thời điểm đầy thử thách như đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Với khẩu hiệu “Chúng ta cùng quan tâm tới mọi người," người dân Malaysia đã thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh nguy hiểm này.

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tiêm vắcxin ngừa COVID-19 tại Putrajaya, ngày 24/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người đứng đầu Chính phủ Malaysia nhấn mạnh Kế hoạch tổng thể về Đoàn kết quốc gia (2021-2030) là một hành trình chứ không phải là đích đến với 3 mục tiêu chính gồm tăng cường sự thống nhất và hội nhập quốc gia, xây dựng bản sắc dân tộc và sản sinh ra những người Malaysia biết trân trọng và thực hành đoàn kết.

Bằng cách khởi động Kế hoạch tổng thể này, ông đã cho thấy rằng ông là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa, trông rộng theo đúng nghĩa của nó.

Một kế hoạch dài hạn khác đã trở thành hiện thực trong năm nay trong nhiệm kỳ của Muhyiddin là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Theo tính toán, RCEP sẽ không chỉ thúc đẩy thương mại nội khối ASEAN mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực thông qua sức mạnh tổng hợp có được từ sự tương tác của ASEAN với các nền kinh tế tiên tiến hơn của RCEP, chẳng hạn như Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Một số người thậm chí còn lập luận rằng RCEP, với tư cách là một nhóm khu vực, có thể thay đổi động lực của quyền lực trong nền kinh tế toàn cầu.

Trong buổi gặp gỡ báo chí nhân dip một năm cầm quyền, ông đã chia sẻ: "Tôi chưa bao giờ mong muốn mình trở thành thủ tướng. Việc tôi được bổ nhiệm là một giải pháp tình thế để giải quyết bất ổn chính trị tại thời điểm đó. Đây là một trách nhiệm nặng nề, song tôi sẽ làm những gì tốt nhất cho đất nước."

Bất kỳ người nào có tư tưởng công bằng đều công nhận rằng trong suốt một năm qua, Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã điều hành công việc của quốc gia tương đối tốt, đặc biệt trong bối cảnh Liên minh Dân tộc (PN) cầm quyền luôn ở thế mong manh tại quốc hội với một số chính trị gia tìm cách lật đổ ông.

Bảy thành tựu được ghi nhận sau một năm cầm quyền của Thủ tướng Muhyiddin ghi dấu ấn quan trọng trên chặng đường phát triển của Malaysia.

Giới quan sát nhận định ông Muhyiddin không những thành công trong cách xử lý cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế tại quốc gia Đông Nam Á này mà còn chứng tỏ được khả năng chèo lái con thuyền Malaysia vượt qua "cơn sóng cả"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục