Dấu mốc lớn trong 60 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Joe Biden

Song song với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, những tuần đầu tiên tại vị, Tổng thống Joe Biden ưu tiên xử lý đại dịch COVID-19, và nỗ lực này đã được đền đáp.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra một chương trình nghị sự đầy tham vọng trong 100 ngày đầu nắm quyền, trong đó hứa hẹn sẽ hành động nhanh chóng trong mọi vấn đề, từ biến đổi khí hậu, cải cách nhập cư cho đến đối phó đại dịch COVID-19.

Tính đến ngày 10/3, ông đã tại nhiệm được 50 ngày. Đây cũng là ngày chính quyền tân Tổng thống đạt được một dấu mốc quan trọng: Quốc hội Mỹ thông qua gói cứu trợ đại dịch “Kế hoạch Giải cứu người Mỹ” do ông đề xướng với số tiền khổng lồ lên đến 1.900 tỷ USD, tương đương 10% GDP của Mỹ và 3% tài sản của toàn thế giới.

Dự luật này bao gồm các khoản trợ cấp trực tiếp cho hàng triệu người Mỹ và ngân quỹ để giúp Nhà Trắng thực hiện một số lời hứa quan trọng nhất mà ông Biden đã đưa ra khi tranh cử như mở cửa lại trường học và tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho nhiều người Mỹ hơn.

Sau 50 ngày, ông Biden đã đạt được những bước tiến lớn trong một số cam kết "nặng ký" được đưa ra khi tranh cử, trong khi những cam kết khác đang và sắp được thực hiện.

“Cây gậy thần” mang lại phép màu kinh tế…

Theo các chuyên gia, gói kích thích kinh tế mới nhất chủ yếu đem lại lợi ích cho người nghèo và tầng lớp trung lưu. Hầu hết người dân Mỹ sẽ nhận được tấm séc (cheque) trị giá 1.400 USD/người, người thất nghiệp sẽ được nhận thêm 300 USD/tuần cho đến tháng 9/2021 và các bậc phụ huynh sẽ được nhận khoản tín dụng thuế đặc biệt.

Ngoài ra, 350 tỷ USD sẽ được chuyển cho các chính quyền bang và địa phương mà nguồn thu bị cạn kiệt do dịch bệnh.

Các trường học sẽ được nhận 170 tỷ USD, 45 tỷ USD sẽ được dùng để giúp đỡ người dân chi trả các khoản tiền thuê nhà, sử dụng dịch vụ tiện ích, tiền thế chấp và hàng chục tỷ USD sẽ được phân bổ để trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ, trong đó 29 tỷ USD được dùng để trợ cấp cho các nhà hàng.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng thu nhập của 20% người Mỹ nghèo nhất sẽ tăng 20%, tỷ lệ nghèo đói ở trẻ em sẽ được cắt giảm một nửa và sự bùng nổ kinh tế do nhu cầu dẫn dắt sẽ diễn ra.

Trả lời đài truyền hình France 24, Giáo sư kinh tế Đại học Pennsylvania, Mỹ bà Ioana Marinescu phân tích về tầm quan trọng của kế hoạch đồ sộ này. Bà cho biết, tác động sẽ rất tích cực vì hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn cao so với hồi trước khi đại dịch bùng phát. Nhiều người nản chí nên đã ngừng đăng ký tìm việc làm.

[Nhà Trắng chuẩn bị đề xuất gói chi tiêu mới trị giá 3.000 tỷ USD]

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã giải thích thực trạng ở Mỹ là gần 10% những người trong tuổi lao động không có việc làm. Hơn thế nữa, “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” (American Rescue Plan) của Tổng thống Biden sẽ giúp các hoạt động chóng phục hồi và giúp các hộ gia đình thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn cho đến khi kinh tế khởi sắc trở lại.

Các dự báo về tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang được điều chỉnh lại. Nhiều chuyên gia dự báo cho rằng đây sẽ là mức tăng cao nhất kể từ năm 1984, đỉnh điểm của sự bùng nổ dưới thời Chính quyền cựu Tổng thống Ronald Reagan.

Một số nhà phân tích của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody thậm chí còn đi xa hơn với mức dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm nay đạt 8%. 

Mục tiêu tiếp theo của Chính quyền ông Joe Biden là Dự luật cứu trợ cơ sở hạ tầng khổng lồ trị giá 2.000 tỷ USD và chi tiêu nhiều hơn cho chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu.

Tiếp theo đó sẽ có thể là một đạo luật chống độc quyền cứng rắn hơn. Điều này được thể hiện qua việc Washington đã thu nạp những học giả hàng đầu về chống độc quyền Tim Wu và Lina Khan của trường Đại học Columbia vào Hội đồng an ninh quốc gia và Ủy ban thương mại liên bang.

Trong khi đó, những nhân vật tiến bộ trong đảng Dân chủ cũng không từ bỏ cuộc chiến đòi tăng lương tối thiểu, vốn không nằm trong “Kế hoạch giải cứu người Mỹ,” song có thể là chủ đề của đạo luật mới. Bên cạnh đó, việc tăng thuế đối với người giàu cũng có thể được thực hiện.

Tất cả những kế hoạch này nhằm tiến tới một sự thay đổi mô hình trong quá trình hoạch định chính sách kinh tế của Mỹ. Chính quyền ông Biden đã rút ra được bài học từ những sai lầm của Chính quyền hai cựu Tổng thống Barack Obama và Donald Trump.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Chính quyền ông Obama đã mắc sai lầm khi đưa ra gói kích thích kinh tế quá khiêm tốn trị giá 787 tỷ USD vì lo sợ thâm hụt tài khóa quá mức. Điều này đã dẫn đến tình trạng suy thoái kéo dài ở Mỹ.

Ở chiều ngược lại, Chính quyền của ông Trump lại cho thấy họ có thể thông qua gói cắt giảm thuế trị giá 1.900 tỷ USD, vốn chủ yếu đem lại lợi ích cho người giàu, mà không cần đến sự ủng hộ của hai đảng hay có bất kỳ mối lo ngại nào về sự gia tăng thâm hụt do hậu quả của nó. 

Trong khi đó, “Kế hoạch giải cứu người Mỹ” của ông Biden là dự án của hai đảng. Không nghị sỹ nào của đảng Cộng hòa bỏ phiếu cho kế hoạch này, nhưng họ không dám công khai phản đối vì dự án đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân.

Rút ra bài học từ Chính quyền ông Trump, Chính quyền Tổng thống Biden dường như đã quyết định sử dụng đa số trong Quốc hội để chuyên tâm thúc đẩy chương trình nghị sự tiến bộ của họ, dù có hay không có sự ủng hộ của đảng Cộng hòa. 

Có một sự thật là giờ đây thâm hụt tài khóa và nợ quốc gia tăng (vượt quá 130% GDP, ngang với mức thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai) không làm Chính quyền ông Biden bận tâm nhiều.

Bản chất của cuộc tranh cãi về thâm hụt đã thay đổi. Những câu hỏi như “Làm thế nào để chúng ta có thể chi trả cho khoản tiền này?” hay “Liệu chúng ta có sẽ hết tiền không?” hầu như đã biến mất và những lời chỉ trích về thâm hụt cũng không còn tác dụng.

… đã thật sự hoàn hảo?

Trước khi gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD được thông qua, hồi tháng 12/2020, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã ký ban hành gói cứu trợ đại dịch COVID-19 trị giá 900 tỷ USD, giúp chính phủ tránh nguy cơ phải đóng cửa vì hết ngân sách.

Đây là thỏa thuận với những dự luật chi tiêu lớn nhất sau Đạo luật Cứu trợ, Hỗ trợ và An ninh kinh tế (CARES) trị giá 2.200 tỷ USD được phê chuẩn vào cuối tháng 3/2020.

Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Như vậy, kể từ khi đại dịch bùng phát, Mỹ đã tung ra 3 gói cứu trợ với tổng trị giá 5.000 tỷ USD, lớn hơn lượng tiền tiêu tốn trong bất cứ cuộc chiến tranh thế giới nào.

Với quy mô khổng lồ như vậy, cũng là dễ hiểu khi giới quan sát tự hỏi Mỹ sẽ lấy tiền từ đâu để thực hiện các gói cứu trợ này? Giữa bối cảnh nguồn thu thuế liên bang Mỹ thu được hàng năm chỉ là 3.400 tỷ USD, trong khi nước này cũng phải chi cho rất nhiều khoản chi tiêu cố định khác, có một điều rõ ràng là Washington không còn khả năng chi trả về mặt tài chính. 

Vì thế, câu trả lời rõ ràng nhất cho câu hỏi phía trên đó là các khoản cứu trợ phần lớn đến từ tiền đi vay. Chính phủ tân Tổng thống Biden quan niệm rằng việc cứu lấy sinh mạng của người dân và giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn là mục tiêu quan trọng nhất, bất chấp việc tình hình nợ công của Mỹ ngày một trầm trọng phát sinh từ việc lấy nợ mới trả nợ cũ.

Dưới thời ông Barack Obama làm Tổng thống, nợ công của Mỹ tăng từ 10.000 tỷ USD lên 19.000 tỷ USD. Bốn năm ông Trump tại nhiệm, nợ công của Mỹ đạt mốc kỷ lục mới là 28.000 tỷ USD. Cộng thêm các gói cứu trợ mới, tới cuối năm 2021, nợ công của Mỹ có thể vượt mốc 30.000 tỷ USD. 

Cùng với sự gia tăng về nợ công, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng giảm từ 4,5% xuống 0,625%. Điều này có nghĩa là nếu chỉ tính tiền lãi phải trả, số tiền mà Chính phủ Mỹ tiêu tốn hằng năm đã lên tới gần 200 tỷ USD, tương đương GDP một nền kinh tế quy mô trung bình.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, sở dĩ Mỹ có thể phát tiền cho người dân nhiều lần là do vị thế đồng tiền mạnh toàn cầu của đồng USD. Khi đồng USD được đưa ra thị trường, các nước khác liền dùng đồng nội tệ đổi lấy đồng USD (để tránh việc đồng nội tệ mất giá) và tờ bạc xanh tưởng lập tức trở nên giá trị như vàng.

Vì đồng USD là công cụ giao dịch của thế giới, từ việc mua bán dầu mỏ đến trao đổi hàng hóa xuyên biên giới cơ bản sử dụng đồng USD để thanh toán nên vị thế của đồng USD trên trường thế giới là rất vững vàng. Cũng nhờ vị thế này, Mỹ có thể tương đối thoải mái phát tiền cứu trợ, không lo thu nhập tài chính không đủ. 

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là việc Mỹ tung ra ba gói cứu trợ trị giá 5.000 tỷ USD mà không lo lạm phát tăng cao. Cây bút chuyên mục của tờ New York Times, đồng thời là người đoạt giải Nobel Kinh tế Milton Friedman đã nhiều lần nói rằng các gói cứu trợ của chính phủ sẽ không gây ra lạm phát. 

Thực tế cũng cho thấy trong 20 năm qua, lượng cung tiền M2 của Mỹ đã tăng khoảng 4 lần, đặc biệt kể từ sau cuộc khủng hoảng cách đây hơn 10 năm. 

Trong khi đó, lạm phát của nước này hơn 10 năm qua vẫn duy trì ổn định dưới 4% và thường xuyên nằm dưới mục tiêu 2% kể từ năm 2012 đến nay. Quan điểm và thực tế nêu trên kết hợp với mục tiêu cứu giúp người dân và phục hồi kinh tế đã khiến hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vung tiền cứu trợ.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, một số nhân vật có ảnh hưởng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về gói kích thích kinh tế của ông Biden. Một trong số họ là cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers dưới thời Chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton, người đã cảnh báo rằng gói kích thích lớn hơn khoảng ba lần so với cái được biện minh bởi “khoảng cách sản lượng” - tức là, khoảng cách giữa sản lượng hiện tại và sản lượng tiềm năng của nền kinh tế.

Điều này có nghĩa là khi nền kinh tế đạt tới sản lượng tiềm năng và đang hoạt động hết công suất, việc chi tiêu bổ sung sẽ gây lạm phát. 

Ông Lawrence Summers cảnh báo việc chi tiêu quá mức trong gói kích thích kinh tế của Chính quyền ông Biden “có thể gây ra sức ép lạm phát dưới hình thức mà chúng ta chưa từng chứng kiến trong một thế hệ, với những hậu quả lớn đối với giá trị đồng USD và sự ổn định tài chính.”

Bên cạnh đó, gói kích thích không nhằm mục tiêu vào đầu tư công hay thúc đẩy tăng trưởng bền vững, mà vào hỗ trợ thu nhập. Cũng vậy, người tiêu dùng đã tiết kiệm khoảng 1.500 tỷ mà họ không thể chi tiêu do dịch bệnh.

Nếu họ ra ngoài và chi tiêu khoản tiền đó khi nền kinh tế mở cửa, sẽ xuất hiện rủi ro lạm phát. Theo ông Summers, bằng việc đổ thậm chí nhiều tiền hơn vào túi người dân, gói kích thích kinh tế của ông Biden làm gia tăng những rủi ro đó.

Trong khi đó, cũng không thể phủ nhận rằng các thị trường tài chính đã cho thấy có những dấu hiệu biến động. Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng gần 70 điểm cơ bản lên 1,6% kể từ đầu năm nay, phần nào phản ánh lo ngại về lạm phát. Nếu lợi tức tiếp tục tăng, giá trái phiếu lẫn cổ phiếu có thể giảm.

Lãi suất thế chấp của Mỹ, thường đi cùng với lợi tức trái phiếu dài hạn, cũng có thể tăng, đe dọa sự bùng nổ về nhà ở của Mỹ. 

Trong khi đó, lợi tức trái phiếu-chi phí vay mượn, cũng đang tăng lên ở châu Âu (bất chấp gói kích thích kinh tế nhỏ hơn nhiều) và ở một số nền kinh tế thị trường mới nổi.

Sự gia tăng liên tục của lợi tức trái phiếu Mỹ có thể khiến dòng vốn chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi, buộc họ phải tăng lãi suất. Điều này sẽ gây phương hại cho đà phục hồi kinh tế của các nền kinh tế này đúng lúc họ đang phục hồi nhanh chóng từ những tác động của đại dịch. 

Vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn khi sự phục hồi kinh tế của Mỹ đã đạt được tốc độ hợp lý và Fed quyết định giảm lượng mua trái phiếu - như họ đã làm năm 2013. Điều này sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn ở các nền kinh tế mới nổi.

Quyết định của Fed nhằm tăng lãi suất sớm hơn dự kiến - như từng xảy ra trước đó -có thể có tác động thậm chí còn tồi tệ hơn nữa. 

Vì vậy, gói kích thích kinh tế của ông Biden có thể có ảnh hưởng đến các khu vực khác của thế giới theo hai cách. Một mặt, đó sẽ là một may mắn. Bằng việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ và sau đó là thu hút nhập khẩu.

Điều này đặc biệt có lợi cho các nước láng giềng Canada và Mexico, cũng như các nền kinh tế theo hướng xuất khẩu của châu Á. Và đây có thể là kịch bản xảy ra ngay lập tức. 

Tuy nhiên, nếu tỷ lệ lạm phát cao hơn lại trở thành một trong những tác dụng phụ của gói kích thích kinh tế đó, thì phần còn lại của thế giới có thể sẽ gặp khó khăn.

Điểm cân bằng trong cán cân “được-thua”

Tranh cãi về nguy cơ lạm phát và giá cổ phiếu bị đẩy lên trời sẽ là mầm mống của một cuộc khủng hoảng tài chính khác còn chưa đến hồi kết. Nhưng theo ghi nhận của Giáo sư Philip Golub, giảng dạy tại Đại học Mỹ ở Paris, tầm mức quan trọng của chính sách kích cầu 1.900 tỷ USD lần nay vượt lên trên những cái “được-thua” thuần túy về kinh tế. 

Theo ông, với "Kế hoạch Giải cứu người Mỹ", Tổng thống Biden đang tái tạo lại một bộ mặt xã hội của Mỹ. Giáo sư Philip Golub nhấn mạnh: “Đây là một kế hoạch đầy tham vọng với mục tiêu là khôi phục lại tăng trưởng cho kinh tế Mỹ vốn đang bị tổn thương vì đại dịch. Kèm theo đó, chính quyền ông Biden cũng muốn tái lập lại một sự công bằng trong xã hội qua các khoản trợ cấp an sinh. Rõ ràng quyết định này của Nhà Trắng đang mang lại cả một sự thay đổi rất quy mô trong chính sách kinh tế và xã hội của Mỹ.”

Theo Giáo sư này, kế hoạch của ông Biden tập trung vào tầng lớp trung lưu và giới tiểu thương, vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là một khác biệt lớn so với chính quyền tiền nhiệm bởi dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ chủ yếu rót tiền cho các đại tập đoàn, giúp đỡ những thành phần giàu có nhờ những chính sách thuế khoá ưu đãi. Nhưng biện pháp đó không giúp ích gì được cho xã hội theo nghĩa rộng.

Trong khi đó, gói cứu nguy kinh tế sau đại dịch COVID-19 được ban hành dưới thời chính quyền Tổng thống Biden là một trong những kế hoạch kích cầu “quy mô nhất trong lịch sử Mỹ” với tham vọng tạo thêm “7 triệu việc làm cho người dân trong những tháng sắp tới,” “giảm 1/3 số người Mỹ sống dưới ngưỡng nghèo khó” và “giảm đi phân nửa số trẻ em Mỹ phải sống trong cảnh bần cùng,” đầu tư vào y tế và giáo dục. 

Đồng quan điểm này, Giáo sư kinh tế thuộc trường Đại học Pennsylvania Ioana Marinescu nhận định Chính quyền Tổng thống Biden đang đứng trước một cuộc chạy đua với thời gian vừa để ngăn chặn COVID-19 cướp đi thêm sinh mạng của những người dân Mỹ, vừa để đối phó với hiện tượng kinh tế giảm sụt, bởi vì “đợi lâu chừng nào, cái giá phải trả đắt chừng nấy.”

Bà nói: “Câu hỏi đặt ra là giữa hai mối rủi ro khác nhau, chúng ta sẵn sàng chọn phương án nào và mục đích muốn đạt tới là gì? 

Như Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã giải thích vấn đề ở Mỹ hiện nay là trong giai đoạn kinh tế phục hồi sau khủng hoảng tài chính 2008, Mỹ đã không đầu tư nhiều để cỗ máy kinh tế đồ sộ này giờ đây có thể khởi động lại một cách nhanh chóng. Có thể là Mỹ cần thời gian để giải quyết vấn đề thất nghiệp. Do vậy, Chính quyền ông Biden hiện nay đầu tư vào một số lĩnh vực để tạo đà cho tăng trưởng. 

Đương nhiên rủi ro lạm phát là có, song cần lưu ý hai điều: Một là tới nay, lạm phát vẫn còn ở mức thấp so với mục tiêu mà Fed đã đề ra. Do vậy trước mắt, Mỹ không lo lạm phát. Điểm thứ hai là ngay cả trong trường hợp lạm phát tăng vọt thì Fed cũng có nhiều phương tiện để can thiệp. Nói tóm lại, nguy cơ không can thiệp đúng mức để phương hại đến kinh tế lớn hơn là nguy cơ can thiệp quá đáng.

Những dấu ấn quan trọng khác

Song song với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, những tuần đầu tiên tại vị, ông Biden ưu tiên xử lý đại dịch COVID-19, và nỗ lực này đã được đền đáp. Hiện tại, ông sắp đạt mục tiêu 100 triệu liều vaccine được tiêm trong 100 ngày đầu tiên.

Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tốc độ tiêm chủng hàng ngày hiện nay đạt trung bình hơn 2 triệu mũi, và hơn 75 triệu liều đã được tiêm kể từ khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức. 

Ngoài ra, nhà lãnh đạo này cũng sớm có một số hành động để thực hiện các cam kết về chính sách khí hậu. Ông đã ký một lệnh hành pháp vào ngày nhậm chức, thu hồi giấy phép xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL, tạm dừng xây dựng ở Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia Bắc Cực, và ra lệnh rà soát các luật lệ về môi trường, sức khỏe cộng đồng và khoa học từ thời ông Trump.

Một lệnh hành pháp ngày 27/1 đã tạm dừng các hợp đồng cho thuê các vùng đất liên bang và vùng biển ngoài khơi cho mục đích thăm dò, khai thác dầu khí.

Ông Biden cũng dễ dàng thực hiện các cam kết hàng đầu khi tranh cử liên quan đến việc đẩy lùi các động thái của chính quyền ông Trump về mọi thứ, từ biến đổi khí hậu đến nhập cư.

Ngay từ đầu, Chính quyền ông Biden đã tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, tạm dừng việc xây dựng bức tường biên giới, chấm dứt các hạn chế đi lại đối với người dân từ những quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi, và thành lập một lực lượng chuyên trách để đoàn tụ các gia đình bị ly tán tại biên giới Mỹ-Mexico.

Mở cửa trở lại các trường học ở Mỹ là một trong những lời hứa lớn của ông Biden khi tranh cử. Thực tế cho thấy thật khó thực hiện lời hứa này, một phần vì việc quyết định có quay lại học trực tiếp hay không tùy thuộc vào các quan chức địa phương và công đoàn của giáo viên.

Sau khi thảo luận lại các chi tiết về mục tiêu của mình, hồi tháng trước, ông Biden cho hay ông nhắm đến mục tiêu là trong 100 ngày đầu sẽ mở cửa được hầu hết các trường tiểu học 5 ngày một tuần để học sinh đến lớp học trực tiếp được.

Theo hãng Burbio chuyên theo dõi kế hoạch về mở cửa trở lại các trường học, hiện có khoảng 47% học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 có thể đến trường học trực tiếp mỗi ngày trong tuần.

Hiện nay, Chính quyền ông Biden vẫn chưa có hành động đáng kể nào về cải cách tư pháp hình sự, ngoài lệnh hành pháp chấm dứt hợp đồng với nhà tù tư nhân. Ông Biden từng cam kết thành lập ban giám sát cảnh sát trong vòng 100 ngày đầu của mình, nhưng cho đến nay vẫn chưa có chuyển động rõ ràng nào theo hướng đó.

Trong khi đó, các cam kết khác cho 100 ngày đầu cũng đang chờ được thực hiện, bao gồm thành lập một nhóm công tác cấp chính phủ tập trung vào thúc đẩy người lao động tham gia công đoàn và ra lệnh cho Cục Điều tra Liên bang (FBI) rà soát lại các vấn đề liên quan đến việc kiểm tra lý lịch người mua súng.

Một số cam kết cho 100 ngày của ông Biden sẽ cần được Quốc hội thông qua, như lời hứa của ông về xác định lại thẩm quyền của Đạo luật Chống Bạo lực đối với Phụ nữ và việc tăng thuế đối với các công ty.

Ông Biden cũng hứa sẽ thông qua Đạo luật Bình đẳng, theo đó cấm phân biệt đối xử dựa trên giới tính, khuynh hướng tình dục và bản dạng giới, một trong những ưu tiên trong 100 ngày đầu của ông. Dự luật đó đã được Hạ viện thông qua, nhưng Thượng viện thì không.

Một số lời hứa khác của ông đang chờ các bộ trưởng thực hiện, sau khi họ được Thượng viện chuẩn thuận. Về vấn đề kiểm soát súng, ông Biden cho biết ông sẽ chỉ đạo Bộ trưởng Tư pháp đưa ra các khuyến nghị để tái cơ cấu các cơ quan quan trọng của Bộ Tư pháp nhằm thực thi hiệu quả hơn các luật về súng của Mỹ.

Ông cũng cam kết giao cho Bộ trưởng Phát triển Đô thị và Nhà ở (còn gọi là Bộ Gia cư) đứng đầu một nhóm chuyên trách để đưa ra các khuyến nghị nhằm bảo đảm quyền về nhà ở cho tất cả người dân Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục