Vào năm 2025, 3 triệu bà mẹ và trẻ nhỏ có thể được cứu sống nếu các nước mỗi năm đầu tư khoảng 1 USD/người/năm cho dịch vụ chăm sóc sản khoa.
Đây là kết quả nghiên cứu được các nhà khoa học Anh công bố ngày 20/5.
Trong nghiên cứu đăng tải trên tạp chí The Lancet, căn cứ vào bản phân tích số liệu từ 195 quốc gia, nhóm nhà khoa học cho biết mỗi ngày có khoảng 8.000 trẻ sơ sinh tử vong và 7.000 trẻ khác chết non, tính theo năm con số này lần lượt là 2,9 triệu và 2,6 triệu, hầu hết do những nguyên nhân có thể ngăn chặn được.
Nhà khoa học Joy Lawn, đồng tác giả nghiên cứu, cho rằng có một nhu cầu cấp bách và chưa được đáp ứng, đó là việc cung cấp sự chăm sóc chất lượng cao và kịp thời cho cả mẹ và bé trong thai kỳ.
Theo ông Lawn, hàng năm có tới một triệu trẻ tử vong ngay trong ngày ra đời. Khoảng 250.000 phụ nữ trên thế giới tử vong do những biến chứng xuất hiện trong quá trình mang thai và sinh nở.
Nếu không có những khoản đầu tư lớn hơn để cải thiện tình hình, vào năm 2035 sẽ có 116 triệu ca tử vong ở cả mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ chết non.
Nhóm nghiên cứu tính được rằng vào năm 2025, chi phí mở rộng chăm sóc tiền sinh và khi sinh cho 90% bà mẹ và trẻ em trên thế giới sẽ lên tới 5,65 tỷ USD.
Sự mở rộng chi phí này có thể cứu được 1,9 triệu trẻ sơ sinh và 160.000 bà mẹ, cũng như ngăn chặn 820.000 trường hợp chết non mỗi năm vào năm 2025. Như vậy, chi phí cho mỗi mạng sống được cứu chỉ dưới mức 2.000 USD.
Hiện có 50% trường hợp tử vong ở trẻ sơ sinh trên thế giới xảy ra ở năm quốc gia gồm Ấn Độ (779.000), Nigeria (276.000), Pakistan (202.400), Trung Quốc (157.000) và Cộng hòa Dân chủ Congo (118.000).
Nhóm nghiên cứu cho hay trẻ sinh non có nguy cơ tử vong cao gấp 11 lần nếu sinh tại châu Phi so với sinh tại châu Âu hay Bắc Mỹ.
Với xu hướng hiện tại, sẽ phải mất nhiều hơn 110 năm cho tới khi trẻ sinh tại châu Phi có những cơ hội sống như khi sinh ở châu Âu hay Bắc Mỹ.
Liên hợp quốc cũng đã đặt mục tiêu giảm khoảng 75% tử vong ở trẻ dưới năm tuổi từ năm 1990-2015./.