Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm

Công tác ngoại giao kinh tế cần phát huy hiệu quả hơn nữa, tranh thủ hiệu quả các cơ hội, hành động quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để góp phần thúc đẩy phát triển đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo số 355/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Ngoại giao báo cáo và ý kiến của các bộ, ngành, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:

Thủ tướng cơ bản đồng ý nội dung báo cáo của Bộ Ngoại giao và các ý kiến tham luận tại Hội nghị; đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp trong triển khai, cụ thể hóa Chỉ thị 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/2/2023 của Chính phủ về công tác ngoại giao kinh tế, qua đó thúc đẩy kết nối nền kinh tế Việt Nam với thế giới, đóng góp ngày càng hiệu quả vào những kết quả quan trọng, đáng khích lệ về phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước trong 6 tháng đầu năm 2024.

Đạt được kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự chung sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp và sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Tuy nhiên, tình hình thế giới hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: kinh tế thế giới phục hồi chậm, căng thẳng địa chính trị gia tăng, vẫn còn các rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, giá năng lượng biến động mạnh, chi phí logistics tăng cao...; đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để sớm khắc phục hiệu quả, nỗ lực phấn đấu đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 đề ra.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nghe giới thiệu về khu công nghiệp ViMariel, khu kinh tế đầu tiên và duy nhất do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Cuba. (Ảnh: TTXVN phát)

Từ nay đến cuối năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết tâm, nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 từ 6,5-7%, tiếp tục đẩy mạnh triển khai ba đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng xanh và nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mới.

Chính phủ, Thủ tướng xác định ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây...); lấy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ làm nền tảng; nâng cao năng lực quản trị theo hướng thông minh, hiện đại, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mới nổi để "bắt kịp, tiến cùng và vượt lên" cùng thời đại.

Định hướng, trọng tâm trong đẩy mạnh ngoại giao kinh tế

Thời gian tới, công tác ngoại giao kinh tế cần phát huy hiệu quả hơn nữa, tranh thủ hiệu quả các cơ hội, yếu tố thuận lợi, hành động quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để góp phần thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững; trong đó bám sát những định hướng, trọng tâm sau:

Trong triển khai thực hiện, cần nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phân công công việc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ lộ trình, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả,” gắn với thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, rút kinh nghiệm.

Thúc đẩy các quan hệ chính trị-ngoại giao nhằm góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho hợp tác và phát triển; chú trọng chuẩn bị tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao trong nửa cuối năm 2024, trong đó nội hàm kinh tế phải là một trọng tâm, được lượng hóa thành các chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể, khả thi.

Chương trình "Tasting VietNam" do cơ quan Thương vụ tổ chức tại Bangkok để quảng bá về ẩm thực Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)

Bám sát tình hình, xu thế phát triển trong nước và quốc tế, điều kiện thực tiễn và nhu cầu của từng địa phương, doanh nghiệp để cùng phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh kết nối một cách hiệu quả nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế khu vực và toàn cầu và giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài.

Đẩy mạnh triển khai ngoại giao công nghệ, tranh thủ xu hướng dịch chuyển đầu tư công nghệ cao của các tập đoàn đa quốc gia, tạo “cú huých” trong một số lĩnh vực công nghệ mới; nghiên cứu và kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền chủ trương, chính sách về các sáng kiến hợp tác mới với các đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... trong các ngành công nghệ mới.

Các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh ngoại giao kinh tế

Các bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, chủ động, tích cực triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao, tập trung vào một số nội dung cụ thể sau:

Bộ Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2024 và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; phát huy vai trò tiên phong trong thu hút nguồn lực từ bên ngoài; chủ động công tác thông tin, nghiên cứu, dự báo nhằm kịp thời nắm bắt và tận dụng hiệu quả các cơ hội phục vụ phát triển đất nước.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan: Tiếp tục đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường tiềm năng như Trung Đông-châu Phi, Mỹ Latinh; khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và nghiên cứu, thúc đẩy ký kết FTA mới với các đối tác tại Mỹ Latinh và Trung Đông-châu Phi như Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Liên minh châu Phi (AU); theo dõi sát tình hình triển khai, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam để chủ động có biện pháp ứng phó từ sớm, từ xa; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chú trọng tận dụng hiệu quả đà phục hồi du lịch để có các giải pháp phù hợp, hiệu quả tiếp tục đẩy mạnh khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh của du lịch Việt Nam.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu đề xuất về việc mở rộng diện miễn thị thực đối với khách du lịch nước ngoài.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung tận dụng tốt các cơ hội để tăng cường đưa lao động sang các thị trường tiềm năng, bảo đảm hiệu quả, bền vững.

Các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, quy hoạch và định hướng cho phát triển; tích cực chuyển tải thông điệp tới các đối tác quốc tế về tinh thần cầu thị, cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương, bảo đảm môi trường chính trị, đầu tư, kinh doanh an toàn, hấp dẫn tại Việt Nam.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu các giải pháp mới, đột phá trong thu hút nguồn lực cho phát triển, nhất là phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, chống biến đổi khí hậu...

Các bên liên quan khẩn trương, tích cực xem xét, rà soát, có phương án xử lý phù hợp các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác, đầu tư, kinh doanh, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước; nghiên cứu hình thành và thúc đẩy cơ chế phối hợp giải quyết kịp thời, hiệu quả, khả thi.

Tăng cường kết nối giữa địa phương, doanh nghiệp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; tập trung phát triển, nâng cao chất lượng và xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh, có khả năng cạnh tranh và có tiềm năng, đáp ứng yêu cầu phát triển và yêu cầu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của các nước, giải quyết bài toán cả trước mắt và lâu dài.

Phát huy tối đa nguồn lực từ cộng đồng 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài với tinh thần chủ động, hiệu quả và chia sẻ để bà con có cuộc sống ổn định, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để kiều bào được đóng góp ngày càng tích cực, chủ động vào phát triển đất nước.

Tiếp tục chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại ngày càng chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất, đạo đức, tinh thần vươn lên và khát vọng đóng góp, cống hiến cho đất nước.

Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nhiệm vụ trên đây theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp biết, thực hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục