Chiều 8/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với tỉnh Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh về tình hình sản xuất, kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng nhà ở xã hội và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong 4 tháng đầu năm 2024.
Đây là cuộc họp thứ 4 của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang với Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương về nội dung trên sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập 26 đoàn công tác do các thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Tại cuộc họp, 3 địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương đã báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng nhà ở xã hội và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong 4 tháng đầu năm 2024.
Báo cáo tại cuộc họp cho thấy tốc độ tăng trưởng GRDP trong quý 1 của Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh lần lượt đạt 9,81%, 9,32% và 8,79% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 5,66%. Sản xuất công nghiệp của cả ba địa phương đều đạt mức tăng trưởng cao trong 4 tháng đầu năm.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Hải Dương đạt tỷ lệ 10,7%, Hải Phòng đạt 16,20%, Quảng Ninh đạt 12% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước là khoảng 17%. Về đầu tư nước ngoài, tỉnh Quảng Ninh thu hút được trên 850 triệu USD, Hải Phòng thu hút gần 290 triệu USD.
Về thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội của Thủ tướng Chính phủ, Hải Phòng sẽ hoàn thành chỉ tiêu 15.400 căn nhà ở xã hội được Chính phủ giao giai đoạn đến năm 2025 trên tổng số được 33.500 căn đến năm 2030.
Tỉnh Quảng Ninh được giao chỉ tiêu hoàn thành xây dựng 8.200 căn nhà ở xã hội đến năm 2025. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch 400-500ha đất nhà ở xã hội, đã và đang triển khai 5 dự án với quy mô 3.000 căn hộ. Tỉnh cũng đã huy động và tổ chức xây mới, sửa chữa 441 nhà trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát với tổng trị giá gần 38 tỷ đồng, góp phần đưa Quảng Ninh cơ bản xóa toàn bộ nhà ở tạm, nhà ở dột nát cho nhân dân trên địa bàn.
Năm 2024, Quảng Ninh phấn đấu không còn hộ nghèo và giảm 50% hộ cận nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu "xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu."
Lãnh đạo 3 tỉnh cũng nêu những vướng mắc về thể chế cần được tháo gỡ. Trong đó, đề nghị cần có hướng dẫn để giải quyết một số khó khăn, vướng mắc liên quan về thiết bị y tế; chủ trương đầu tư xây dựng trạm BTS phủ sóng thông tin trên vịnh Hạ Long; về thẩm quyền triển khai các dự án khu công nghiệp,...
Đại diện lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương; Tài nguyên và Môi trường; Văn hóa, Thể thao và Du lịch,... phản hồi bước đầu về những kiến nghị của các địa phương; cập nhật tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành mình theo thẩm quyền; đồng thời cập nhật các quy định mới của Trung ương.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương, đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của ba địa phương trong 4 tháng đầu năm 2024, nổi bật là tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân chung của cả nước; bảo đảm cân đối thu-chi; tích cực triển khai xây dựng nhà ở xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát; quan tâm nâng cao nhiều chỉ tiêu về xã hội…
Nhận định thu hút đầu tư nước ngoài của ba địa phương mới chỉ ở mức trung bình trong khi giải ngân vốn đầu tư công còn thấp hơn so với bình quân cả nước, một phần do có nhiều dự án được khởi công mới, Phó Thủ tướng đề nghị ba địa phương lưu ý đổi mới hình thức xúc tiến đầu tư, đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Về các kiến nghị của địa phương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chung là các bộ, ngành Trung ương và địa phương phải cùng cố gắng, chủ động phối hợp đẩy nhanh tiến độ xử lý theo thứ tự ưu tiên.
Đối với các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu ghi nhận đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp, trao đổi cụ thể với các địa phương, tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc./.
Quảng Ninh đã phân khai toàn bộ kế hoạch vốn đầu tư công
Tính đến ngày 15/4 vừa qua, vốn giải ngân của Quảng Ninh là 1.274,731 tỷ đồng, đạt 8,6% kế hoạch vốn và đạt 8,9% kế hoạch vốn Hội đồng Nhân dân tỉnh giao đầu năm, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (10%).