ĐBQH: Lo ngại nợ xấu có thể tăng mạnh trong thời gian tới

Các đại biểu đề nghị kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đến cuối năm 2023 để tránh bị khoảng trống pháp lý trong thời gian đợi "gia cố" khung khổ pháp luật về xử lý nợ xấu.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) phát biểu tại hội trường. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 1/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42.

Các đại biểu Quốc hội thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 và nhận định việc kéo dài thời hạn áp dụng nghị quyết sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách hiện hành, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân...

Dòng tiền "dễ dãi" là nguyên nhân nợ xấu tăng

Góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng kết quả xử lý nợ xấu thời gian qua chưa thực sự vững chắc, thực trạng xử lý nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, trong suốt 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành, vấn đề duy trì chính sách tiền rẻ, chính sách tiền tệ nới lỏng, bên cạnh những mặt tích cực cũng có những hệ lụy khó tránh khỏi. 

[Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Nhiều khách hàng chống đối trả nợ ngân hàng]

Đó là, một phần đáng kể của dòng tiền dễ dãi này đã và đang tìm tới các kênh đầu tư và các nhóm tài sản rủi ro không được khuyến khích, gây ra hệ lụy bong bóng ở một số lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu "doanh nghiệp 3 không" và nhiều tài sản tài chính khác. 

Mới đây, khi các cơ quan hữu trách nhà nước ra tay xử lý, lập tức những thị trường này co xẹp lại và rơi vào trầm lắng một cách bất thường.

Dẫn chứng bằng những con số liên quan đến thị trường chứng khoán, đại biểu Đồng nêu rõ chỉ số VN-Index sau khi gần như đi ngang suốt hai năm 2018 và 2019 đã tạo đáy ở mức 650 điểm vào tháng 3/2020 khi đại dịch COVID-19 bùng nổ trên quy mô toàn cầu và các biện pháp giãn cách xã hội lần đầu được áp dụng tại Việt Nam. 

Kể từ đó tới đầu tháng 4/2022, thị trường liên tục đi lên và chạm "đỉnh" với trên 1.500 điểm, tăng tới 250%, nhưng kể từ sau mốc đó đến trung tuần tháng Năm thị trường luôn trong xu hướng lao dốc. Ngày 17/5, VN-Index chỉ còn giao dịch quanh mức 1.200 điểm, thanh khoản thị trường chỉ còn quanh 16.000 tỷ đồng, thấp xa so với thời điểm đạt 50.000 tỷ đồng. 

Điểm lưu ý nữa là cũng tính từ tháng 3/2020, khi đại dịch COVID-19 bùng nổ toàn cầu tới cuối tháng 4/2022, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam tới 68.000 tỷ đồng, tương đương hơn 3 tỷ USD, còn tính từ đầu năm 2022 tới cuối tháng Tư vừa qua, mức bán ròng của nhóm này đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 200 triệu USD. 

"Câu hỏi đặt ra là có đúng dòng tiền rẻ từ ngành ngân hàng bơm ra một phần đáng kể đã tràn vào thị trường chứng khoán nói riêng, thị trường bất động sản và nhiều thị trường tài sản, tài chính nói chung khi mà khu vực kinh tế thực lúc đó đang bị co hẹp," đại biểu Hà Sỹ Đồng băn khoăn.

Theo đại biểu, thu ngân sách Nhà nước từ các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản tăng đột biến, bù đắp rất đáng kể cho những khoản hụt thu từ nhiều lĩnh vực sản xuất. Đây cũng là một phần câu trả lời cho câu hỏi vì sao ngân sách Nhà nước tăng cao trong khi nền kinh tế doanh nghiệp còn rất khó khăn sau đại dịch.

Những hệ lụy dễ thấy, dễ hiểu đó là thị trường tài chính tiền tệ đã bị bóp méo và đang gia tăng, tích tụ rủi ro, dễ tăng tổn thương cho hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam.

Vì vậy, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đến cuối năm 2023 để tránh bị khoảng trống pháp lý trong thời gian đợi "gia cố" khung khổ pháp luật về xử lý nợ xấu.

Ủng hộ kéo dài Nghị quyết 42 

Cũng góp ý về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hóa) khẳng định Nghị quyết 42 của Quốc hội đã tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng và Công ty quản lý tài sản tổ chức tín dụng của các tổ chức tín dụng (VAMC) mang lại chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, sau khi Nghị quyết 42 ban hành có hiệu lực, ý thức trả nợ của khách hàng được nâng cao, một số quy định tại Nghị quyết 42 đã được các tổ chức tín dụng và VAMC áp dụng có hiệu quả trên thực tế.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hóa) phát biểu tạị hội trường. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Điều đặc biệt quan trọng với ngành ngân hàng là các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ hơn công tác xử lý nợ xấu, tạo sự thay đổi đáng kể về nhận thức, trách nhiệm của các bên liên quan từ khi Nghị quyết có hiệu lực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Cầm Thị Mẫn cũng chỉ rõ trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tác động, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết; đề xuất những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước hiện nay, khi kinh tế thế giới giai đoạn 2021-2025 được dự báo diễn biến khó lường.

Tình hình dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu thời gian qua sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, tác động tiêu cực đến thu nhập của các cá nhân, hộ gia đình và kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, nợ xấu sẽ có khả năng gia tăng trong thời gian tới.

Điều này đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục duy trì các biện pháp giảm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và khơi thông nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước.

Từ những phân tích này, đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao chủ trương Quốc hội thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại kỳ họp này để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thi hành.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục xem xét gia hạn kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo ông Ngân, qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội, hệ thống ngân hàng đã xử lý được hơn 380.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó có gần 40% là do khách hàng vay vốn chủ động trả nợ. Điều đó khẳng định Nghị quyết 42 là rất cần thiết và nên tiếp tục gia hạn thêm một thời gian để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục