Ngày 14/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon thông báo những thách thức toàn cầu liên quan đến người nhập cư, tình trạng biến đổi khí hậu, và cuộc chiến ở Syria là những vấn đề chính dự kiến được nêu bật tại phiên họp cấp cao sắp tới của Đại Hội đồng Liên hợp quốc.
Theo kế hoạch, 193 nhà lãnh đạo thế giới sẽ nhóm họp tại phiên thảo luận cấp cao kéo dài một tuần của Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 71 vào tuần sau.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở trụ sở Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết tại hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ đánh giá những tiến triển trong tiến trình giải quyết các cuộc xung đột kéo dài và tình trạng căng thẳng leo thang tại châu Phi, châu Á, châu Âu và Trung Đông. Ngoài ra, hội nghị cũng sẽ nhấn mạnh đến nỗ lực duy trì đà thực thi những mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo trong bối cảnh thế giới hiện nay, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đang đứng trước ba thách thức chủ chốt.
Thứ nhất, cộng đồng quốc tế phải đoàn kết cùng nhau chia sẻ trách nhiệm đối với dòng người nhập cư trên thế giới. Các quốc gia phải tiến hành tái định cư cho những người dân buộc phải rời bỏ nhà cửa. Các quốc gia phải công nhận những lợi ích của hoạt động di trú. Và tất cả mọi người trên Trái Đất cần phải phản đối thái độ thù địch đối với người nhập cư và cộng đồng thiểu số. Ông Ban Ki-moon cho biết Tuyên bố dự kiến được thông qua tại Hội nghị cấp cao về người tị nạn và người nhập cư vào ngày 19/9 tới sẽ đánh dấu một bước tiến triển quan trọng.
Thứ hai, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết sẽ hối thúc các quốc gia phê chuẩn để Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực vào cuối năm nay. Hai nước thải nhiều khí CO2 nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ mới đây cũng đã phê chuẩn hiệp định này.
Thứ ba, ông Ban Ki-moon nêu bật quan ngại về cuộc chiến Syria đang diễn biến ngày một tồi tệ, với số thương vong, mức độ tàn phá nghiêm trọng hơn bất kỳ cuộc xung đột nào trong nhiều năm trở lại đây. Tổng Thư ký Liên hợp quốc hoan nghênh lệnh ngừng bắn vừa đạt được tại Syria và cho biết Liên hợp quốc sẽ chớp lấy cơ hội quan trọng này để ngay lập tức vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới Aleppo và những điểm nóng nhân đạo khác trên khắp Syria.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Ban Ki-moon mô tả 10 năm ông giữ chức vừa qua là "một thập niên mà Liên hợp quốc có cả sự tiến bộ và cả sự thụt lùi." Việc thông qua Chương trình nghị sự Phát triển Bền vững năm 2030 và hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris, và việc thành lập Tổ chức Phụ nữ của Liên hợp quốc là những điểm nhấn trong hoạt động của diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới này.
Tuy nhiên, Liên hợp quốc đã chưa thể giải quyết một số cuộc xung đột kéo dài, đang gây ra những nỗi thống khổ cho người dân vô tội. Dự kiến, nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai của ông Ban Ki-moon sẽ mãn hạn vào ngày 31/12 tới./.