Dịch COVID-19: Biến thể Delta lây lan mạnh tại Pháp, Đức và Israel

Bộ trưởng Y tế Pháp cho biết số ca nhiễm biến thể Delta chiếm 2-4% số ca bệnh, trong khi Thủ tướng Đức Merkel nhận định dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc vì các ca nhiễm biến thể Delta đang gia tăng.
Người dân thưởng thức đồ uống bên ngoài một nhà hàng ở Paris, Pháp, ngày 19/5/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 23/6, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết biến thể Delta phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ, loại biến thể có khả năng lây lan mạnh mẽ hơn các biến thể khác, hiện đang chiếm đến 9-10% số các ca mắc mới bệnh COVID-19 tại nước này. 

Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết số ca nhiễm biến thể Delta chiếm 2-4% số ca bệnh tại Pháp. Những số liệu cập nhật này cho thấy biến thể Delta đang lây lan nhanh ở Pháp. 

Theo ông Attal, hiện Pháp cũng đã bổ sung Nga vào danh sách các nước có nguy cơ lây nhiễm cao cùng với Namibia và Seychelles. 

Tại Đức, cùng ngày, Thủ tướng Angela Merkel nhận định đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc vì các ca bệnh nhiễm biến thể Delta đang gia tăng.

Do vậy, các chuyên gia nước này cần đánh giá chính xác và thận trọng tình hình để không mạo hiểm với những kết quả chống dịch đã đạt được. 

[Biến thể Delta đe dọa "đảo ngược" thành quả chống dịch của châu Âu]

Trong khi đó, ở Trung Đông, Chính phủ Israel đã cho phép giới chức y tế nước này tiến hành cách ly bất kỳ ai được cho là tiếp xúc gần với những người nhiễm biến thể Delta, ngay cả khi họ đã được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh.

Quyết định này được đưa ra sau khi Thủ tướng Naftali Bennett đã nêu nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát dịch mới ở Israel là do biến thể Delta.

Số ca nhiễm mới theo ngày tại Israel đang gia tăng sau nhiều tuần ở mức thấp nhờ chiến dịch tiêm chủng hiệu quả nước này.

Người dân không phải bắt buộc đeo khẩu trang tại một trung tâm mua sắm ở Tel Aviv, Israel, ngày 15/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo chỉ thị cập nhật của Bộ Y tế Israel, những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh trước đó có thể được yêu cầu cách ly lên đến 14 ngày nếu họ có tiếp xúc gần với ca nhiễm biến thể nguy hiểm trên.

Bộ này cho biết những hành khách trên cùng một chuyến bay có thể được coi là các trường hợp tiếp xúc gần.

Điều này có thể khiến kế hoạch của Israel dần dần mở cửa biên giới cho những du khách đã tiêm vaccine bị chậm lại. 

Phát biểu tại quốc hội, Bộ trưởng Y tế Nitzan Horowitz cũng tuyên bố những công dân Israel hoặc người cư trú tại nước này đến các nước có nguy cơ lây nhiễm cao sẽ bị phạt hàng nghìn shekel.

Trước đó, ngày 16/6, Bộ Y tế Israel đã đưa Argentina, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ, Mexico và Nga vào danh sách những nước có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao.

Khoảng 55% trong tổng số 9,3 triệu dân của Israel đã được tiêm đủ hai liều vaccine Pfizer/BioNTech. Tháng trước, Israel đã mở rộng đối tượng tiêm chủng cho trẻ em từ 12-15 tuổi nhưng tỷ lệ trẻ em đi tiêm chủng rất thấp.

Tuần trước, Thủ tướng Bennett đã kêu gọi các bậc phụ huynh đưa con em đi tiêm chủng. Bộ Y tế tuyên bố những phụ huynh nào vi phạm quy định phòng ngừa dịch bệnh sẽ bị phạt 5.000 shekel (khoảng 1.540 USD).

Israel hiện ghi nhận tổng cộng 840.079 ca nhiễm, trong đó 6.428 ca tử vong do COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục