Dịch COVID-19: Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì biến thể Omicron

Biến thể siêu lây nhiễm Omicron hiện đã trở thành biến thể chủ đạo lây lan dịch COVID-19 tại Mỹ, nguyên nhân gây ra 73,2% số ca nhiễm mới trong tuần vừa qua.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân COVID-19. (Nguồn: AP)

Ngày 20/12, Mỹ đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do nhiễm biến thể Omicron. Đó là một người đàn ông ngoài 50 tuổi, chưa tiêm phòng, sống tại hạt Harris, bang Texas.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh giới chức y tế Mỹ cùng ngày cho biết biến thể siêu lây nhiễm Omicron hiện đã trở thành biến thể chủ đạo lây lan dịch COVID-19 tại Mỹ, nguyên nhân gây ra 73,2% số ca nhiễm mới trong tuần vừa qua.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), tỷ lệ trên cao hơn rất nhiều so với trong tuần trước đó, khi Omicron chỉ chiếm 12,6% số ca nhiễm mới tại Mỹ.

Đáng chú ý là tại vùng Pacific Northwest và nhiều nơi ở miền Nam và Trung Tây, Omicron đã gây ra hơn 90% số ca nhiễm mới trong tuần qua.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Thị trưởng thủ đô Washington Muriel Bowser đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại Washington vì số ca nhiễm tăng mạnh, đồng thời khôi phục biện pháp phòng dịch như bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm trong nhà trên phạm vi toàn thành phố.

Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Bowser nêu rõ biện pháp đeo khẩu trang bắt buộc tại các địa điểm trong nhà sẽ có hiệu lực từ ngày 20/12 và kéo dài đến ngày 31/1/2022.

Ngoài ra, bà cũng lưu ý rằng thủ đô Washington sẽ triển khai nhiệm vụ đối với chính quyền địa phương về việc thực thi biện pháp tiêm chủng bắt buộc đối với những người lao động trong thành phố, bao gồm việc tiêm mũi vaccine tăng cường, đồng thời sẽ mở rộng xét nghiệm và các địa điểm tiêm chủng trên toàn thành phố.

[Mỹ: Thủ đô Washington D.C. tuyên bố tình trạng khẩn cấp do COVID-19]

Cố vấn cấp cao về y tế của Mỹ Anthony Fauci ngày 19/12 đã cảnh báo một mùa Đông ảm đạm phía trước, khi Omicron làm bùng phát một làn sóng lây nhiễm mới trên toàn cầu.

Trả lời phỏng vấn hãng tin NBC News, ông Fauci cho biết: "Với Omicron, vài tuần hoặc vài tháng tới sẽ là giai đoạn khó khăn."

Dù có nhiều dấu hiệu cho thấy Omicron không nghiệm trọng hơn biến thể Delta, nhưng các số liệu sơ bộ cho thấy Omicron sẽ lây lan nhanh hơn và có thể chống lại các loại vaccine.

Kể từ khi được xác nhận đầu tiên tại Nam Phi tháng 11, đến nay Omicron đã xuất hiện ở khoảng 90 quốc gia trên thế giới, dập tắt những hy vọng rằng điều tồi tệ nhất của đại dịch đã qua.

Xét nghiệm y tế để phát hiện người nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trên khắp nước Mỹ, các bệnh viện sắp quá tải, các trung tâm xét nghiệm chứng kiến những dòng người xếp hàng chờ đến lượt và hàng loạt sự kiện thể thao và giải trí đã phải hoãn, hủy.

Các chuyên gia y tế cho biết biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh chóng và gây rủi ro lớn nhất đối với những người chưa tiêm phòng ngừa COVID-19.

Trong khi đó, những người đã được tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt đã được tiêm mũi tăng cường, sẽ được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh nặng do biến thể này gây ra.

Tuy nhiên, việc kiểm soát virus đang trở nên khó khăn tại một đất nước mà tiêm phòng và đeo khẩu trang là một vấn đề gây chia rẽ chính trị và những quy định bắt buộc từ cấp liên bang đang vấp phải các tranh cãi pháp lý.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tổng thống Joe Biden sẽ có bài phát biểu vào tối 21/12 nhằm thông báo cho người dân về kế hoạch đối phó với biến thể này.

Nhà Trắng khẳng định đây không phải là bài phát biểu về việc đóng cửa các doanh nghiệp và đóng cửa nền kinh tế như năm ngoái bởi hiện nay Mỹ đã có sẵn vaccine cho người dân.

Bài phát biểu của Tổng thống sẽ tập trung đưa ra lợi ích của việc tiêm chủng một cách trực tiếp và rõ ràng tới người dân Mỹ, các bước mà chính quyền Mỹ sẽ thực hiện để tăng cường sự tiếp cận và tăng cường xét nghiệm cũng như những rủi ro gây ra cho những người chưa được tiêm chủng.

Cùng ngày, Nhà Trắng thông báo một nhân viên của Nhà Trắng, người đã dành khoảng 30 phút ở gần Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 17/12, đã xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tổng thống Biden đã tiến hành xét nghiệm PCR và có kết quả âm tính.

Liên quan đến các biện pháp phòng dịch, CDC và Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo người dân không nên đến 8 quốc gia gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Tây Ban Nha, Phần Lan, CH Chad và Liban.

CDC Mỹ cũng cũng bổ sung Bonaire, Monaco, San Marino và Gibraltar vào danh sách các điểm đến "Cấp 4: Rất cao," tức là không nên đến. Hiện có 85 quốc gia ở cấp cao nhất, trong đó gần một nửa là các nước châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục