Dịch COVID-19: Nhật Bản xem xét gia hạn tình trạng khẩn cấp

Tokyo và ba tỉnh xung quanh, gồm Kanagawa, Chiba và Saitama, là những khu vực có số ca nhiễm vẫn cao, do đó có thể tiếp tục áp dụng tình trạng khẩn cấp.
Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo hãng tin Kyodo, các quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết ngày 2/2 chính phủ sẽ thông báo kéo dài tình trạng khẩn cấp tại các khu vực có số ca mắc COVID-19 vẫn ở mức cao.

Tình trạng khẩn cấp hiện nay được Thủ tướng Suga Yoshihide ban bố từ ngày 11/1 và sẽ hết hạn vào ngày 7/2. Lệnh này được áp dụng tại 11 tỉnh, thành của Nhật Bản bao gồm thủ đô Tokyo và thành phố Osaka.

Bộ trưởng phụ trách ứng phó với dịch COVID-19 của Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết chính phủ sẽ triệu tập cuộc họp của các chuyến gia y tế cộng đồng và các lĩnh vực khác để tham vấn về việc kéo dài tình trạng khẩn cấp.

Theo các quan chức, Tokyo và ba tỉnh xung quanh, gồm Kanagawa, Chiba và Saitama, là những khu vực có số ca nhiễm vẫn cao, do đó có thể tiếp tục áp dụng tình trạng khẩn cấp. Trong khi đó, tỉnh Tochigi có số ca nhiễm giảm có thể bãi bỏ tình trạng khẩn cấp. Tình trạng khẩn cấp có thể cũng được gia hạn tại Osaka, Kyoto, Hyogo và Fukuoka.

Thăm dò của báo Nikkei cho thấy 90% số người được hỏi ủng hộ gia hạn tình trạng khẩn cấp.

Nhật Bản đã ghi nhận hơn 5.700 ca tử vong do COVID-19 và gần 400.000 ca mắc.

Trong khi đó tại Italy, chính phủ thông báo từ ngày 1/2 bắt đầu nới lỏng các hạn chế, vốn được áp đặt trước đó nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, tại 16 trên tổng số 20 vùng của nước này.

Trong số vùng được nới lỏng hạn chế nói trên, Lazio (vùng có thủ đô Rome) và Lombardy (vùng có thành phố Milan), chuyển từ cấp độ nguy hiểm màu “cam” sang “vàng," căn cứ mức độ lây nhiễm đã giảm bớt. Lâu nay Italy phân loại mức độ nguy hiểm của dịch bệnh ở ba cấp gồm đỏ là mức nguy hiểm cao nhất, tiếp theo là cam, vàng.

Tại những vùng được nới lỏng hạn chế, các quán bar, café và nhà hàng được phép phục vụ khách tại bàn vào ban ngày. Nhưng kể từ 18h trở đi, khách hàng chỉ được mua mang về. Các bảo tàng ở những vùng này cũng được phép mở cửa trở lại.

[COVID-19: Hàn Quốc giãn cách hết Tết, dân Thái Lan muốn tiêm phòng]

Tuy nhiên, Italy vẫn tiếp tục áp dụng lệnh giới nghiêm từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Bên cạnh đó, việc đi lại giữa các vùng vẫn bị cấm. Chỉ còn một vài vùng của Italy đang ở mức “cam," trong đó có Sicily. Chỉ số lây nhiễm trung bình ở Italy trong khoảng thời gian từ ngày 6-19/1 đã giảm. Cho đến nay, Italy đã ghi nhận tổng cộng 2.553.032 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 88.516 ca tử vong. Khoảng 2 triệu người ở Italy đã được tiêm vắcxin ngừa COVID-19.

Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại Rome, Italy. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo hiện vẫn còn quá sớm để Italy nới lỏng các biện pháp hạn chế do tình hình dịch bệnh ở nước này vẫn phức tạp. Ông Walter Ricciardi, một chuyên gia y tế công của Italy, cho rằng Italy đang “đi ngược xu hướng," trong bối cảnh nhiều nước châu Âu khác vẫn đang áp dụng các lệnh phong tỏa, thậm chí một số nước đang cân nhắc áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.

Tại Hà Lan, chính phủ nước này ngày 31/1 thông báo tất cả các trường tiểu học tại nước này sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 8/2. Đây là kế hoạch nới lỏng lần đầu tiên kể từ khi nước này áp đặt các biện pháp phong tỏa chống dịch COVID-19 trong nhiều tháng qua.

Theo Ủy ban giám sát dịch bệnh, cơ quan tư vấn của chính phủ về đại dịch COVID-19, việc các trường tiểu học hoạt động bình thường trở lại trong điều kiện số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã giảm trong những ngày qua là hợp lý. Tuy nhiên, các trường phổ thông cơ sở và nhà trẻ vẫn đóng cửa.

Trước đó, từ ngày 16/12/2020, chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte chỉ đạo đóng cửa và ngừng mọi hoạt động dạy và học tại các trường tiểu học tại Hà Lan, như một phần trong kế hoạch phong tỏa chống dịch trong cả nước. Ngày 12/1, lệnh phong tỏa này được gia hạn đến hết ngày 9/2.

Trong thông cáo báo chí ngày 31/1, Bộ trưởng Giáo dục Arie Slob cho biết bộ này sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ do tình hình dịch bệnh vẫn đáng lo ngại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục