Các chính phủ ở châu Âu hiện đang phải nỗ lực ngăn chặn làn sóng thứ hai của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vốn đã khiến hơn 11 triệu người mắc bệnh.
Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo lệnh phong tỏa toàn khu vực England khi số ca tử vong theo ngày do COVID-19 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng Năm, đồng thời cảnh báo rằng các bệnh viện sớm có nguy cơ bị quá tải.
Theo các biện pháp hạn chế mới có hiệu lực đến ngày 2/12 tới, người dân phải trở lại hình thức làm việc tại nhà nếu có thể và tất cả các cửa hàng, dịch vụ, không thiết yếu phải đóng cửa. Tuy nhiên, các trường học sẽ vẫn hoạt động bình thường.
Anh là một trong số những nước trên thế giới chịu tác động nặng nề của dịch bệnh với hơn 1 triệu ca nhiễm, trong đó gần 48.000 ca tử vong.
Chính phủ Anh áp đặt lệnh phong tỏa đối với vùng England sau khi có quyết định tương tự với các khu vực khác như Scotland, Wales và Bắc Ireland.
Pháp, Đức và Italy cũng thực hiện các biện pháp tương tự như Anh nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
[Số bệnh nhân mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng tại châu Âu]
Kênh truyền hình BFM đưa tin ngày 5/11, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo thông báo chính quyền thành phố sẽ áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn, trong đó yêu cầu đóng cửa vào buổi tối đối với nhiều cửa hàng nữa.
Trong khi đó, tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho biết ông không có kế hoạch áp đặt lệnh phong tỏa nhưng giải pháp này có thể được cân nhắc sau khi nước này ghi nhận số ca nhiễm và tử vong theo ngày ở mức cao kỷ lục vào ngày 4/11 vừa qua, với gần 20.000 ca nhiễm và gần 400 ca tử vong.
Ngày 5/11, Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin cho biết trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, chính quyền đã quyết định kéo dài hình thức học tại nhà đối với học sinh bậc trung học.
Học sinh từ lớp 6 (12 tuổi) trở lên sẽ tiếp tục học trực tuyến trong vòng 2 tuần tới, đến ngày 22/11.
Các trường trung học tại Moskva đã triển khai hình thức học tại nhà từ cách đây 3 tuần.
Trong ngày 5/11, Nga ghi nhận 19.404 ca nhiễm mới, trong đó 5.255 ca tại Moskva, và 292 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 29.509 ca.
Giới chức Đan Mạch - quốc gia xuất khẩu lông chồn lớn nhất thế giới - cho biết sẽ tiêu hủy toàn bộ hơn 15 triệu con chồn tại nước này "càng sớm càng tốt" sau khi phát hiện loài vật này mang biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và đã lây lan sang người.
Hiện 2/3 thành viên trong Chính phủ Đan Mạch đang phải cách ly sau khi Bộ trưởng Tư pháp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, một số loài động vật cũng đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và một số trại chăn nuôi chồn ở Hà Lan và Tây Ban Nha cũng đã báo cáo một số trường hợp mắc bệnh.
Trong một tuyên bố, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong một số trường hợp, những con chồn lây bệnh từ người đã truyền virus cho người khác, tức chồn là vật trung gian lây bệnh./.