Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 22/6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 179.533.408 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.888.332 ca tử vong.
Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 164.159.575 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 34.418.976 ca mắc và 617.443 ca tử vong. Trong nỗ lực giảm sự lây lan của dịch COVID-19, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) thông báo tiếp tục kéo dài các hạn chế đối với việc đi lại không cấp thiết giữa Mỹ với Mexico và Canada cho đến hết ngày 21/7.
DHS cho biết thêm đã có những tiến triển tích cực trong những tuần gần đây và cơ quan này đang làm việc với các cơ quan khác của Mỹ nhằm xác định các điều kiện để nới lỏng một cách an toàn. Quyết định trên của DHS được đưa ra sau khi Canada thông báo họ tiếp tục các quy định về đi lại của quốc gia này với Mỹ.
Nhà Trắng vừa công bố kế hoạch cung cấp 55 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 còn lại trong tổng số 80 triệu liều vaccine mà Mỹ cam kết giúp các nước khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Khoảng 41 triệu trong số 55 triệu liều vaccine nói trên (tương đương 75%) sẽ được phân bổ cho các nước ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe, châu Á và châu Phi thông qua chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, trong khi 14 triệu liều còn lại (tương đương 25%) sẽ được chia sẻ cho "các khu vực ưu tiên" bao gồm Colombia, Argentina, Iraq, Ukraine, Bờ Tây và Gaza.
Tại Ấn Độ, tổng số ca mắc COVID-19 đã lên tới 29.973.457 ca, trong đó 389.268 ca tử vong. Ấn Độ đã tiêm 8,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong ngày 21/6, mức cao nhất từ trước đến nay trong một ngày kể từ khi nước này khởi động chiến dịch tiêm chủng từ giữa tháng 1/2021.
[Số ca mắc mới COVID-19 trong vòng 7 ngày trên toàn thế giới đã giảm 5%]
Bộ Y tế Ấn Độ cho biết mức tăng đột biến này diễn ra trong ngày đầu tiên Ấn Độ triển khai giai đoạn phổ cập mới vaccine ngừa COVID-19 bắt đầu từ ngày 21/6. Theo đó, chính phủ sẽ mua 75% vaccine từ các nhà sản xuất và phân phối cho các bang để tiêm miễn phí cho toàn bộ người trưởng thành. Trước đó, Chính phủ Ấn Độ chỉ cung cấp vaccine miễn phí cho người từ 45 tuổi trở lên và các nhân viên tuyến đầu.
Tại Cuba, Bộ Y tế Công cộng của nước này thông báo đã ghi nhận thêm 1.561 ca mắc ngày 21/6, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 169.365 ca. Đây là ngày Cuba có số ca mắc mới trong ngày cao nhất kể từ đầu dịch. Trong khi đó, số ca tử vong tại quốc gia Caribe này cũng tăng thêm 11 ca lên 1.170 ca.
Trong khi đó, Cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Bruce Aylward cho biết hơn 50% các quốc gia nghèo nhận vaccine phòng COVID-19 thông qua chương trình COVAX không được cung cấp đủ số liều vaccine để duy trì chương trình tiêm chủng. Theo ông, con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Về phần mình, Tiến sỹ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO tuyên bố các loại vaccine phòng COVID-19 hiện nay ít hiệu quả hơn đối với biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, song vaccine vẫn ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng và tử vong.
Chuyên gia của WHO cũng cho biết những đột biến trong các biến thể của SARS-CoV-2 có thể dẫn tới việc các loại vaccine trở nên kém hiệu quả. Bà Kerkhove cảnh báo sẽ có thời điểm mà những đột biến trong một biến thể sẽ khiến các loại vaccine mất tác dụng và WHO muốn đảm bảo sẽ ngăn chặn được điều này.
Theo báo cáo chung do Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) công bố ngày 21/6 tại Nairobi, khu vực Sừng châu Phi đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lan rộng do tác động của đại dịch COVID-19 khiến các hoạt động đi lại và phân phối hàng cứu trợ tại đây bị cản trở.
Báo cáo có tiêu đề “Cuộc sống giữa đại dịch: Tình trạng đói, di cư và mất chỗ ở tại khu vực Sừng châu Phi” cho biết khoảng 54 triệu người thiếu lương thực trong năm 2020, trong đó có 8,9 triệu người rơi vào cảnh đói kém, suy dinh dưỡng, mất chỗ ở phải tha hương và 4,7 triệu người phải đi tị nạn.
Liên hợp quốc cũng cho biết tình hình các chuỗi cung toàn cầu bị đứt gãy cũng khiến nền kinh tế tại khu vực này bị chững lại, trong khi tình trạng mất việc làm và nguồn kiều hối gửi về khu vực cũng giảm khiến nhiều hộ gia đình không đảm bảo được các nhu cầu về thực phẩm và thuốc men.
Bạo lực giới tại đây cũng gia tăng, trong khi trẻ em và những người mất chỗ ở phải đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng bất cứ nước nào./.