Chính phủ Nam Phi ngày 16/4 thông báo nới lỏng lệnh cấm hoạt động đối với ngành khai khoáng vốn được triển khai để ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Ngành công nghiệp này được nối lại một phần hoạt động với một số điều kiện nghiêm ngặt.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Tài nguyên và Năng lượng Nam Phi Gwede Mantashe nêu rõ các hoạt động khai khoáng sẽ được nối lại với 50% công suất trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, sau đó sẽ tăng tùy theo quyết định của Nội các.
Một số điều kiện nghiêm ngặt để nối lại hoạt động của ngành công nghiệp này bao gồm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 để sàng lọc ca nhiễm trong công nhân, cách ly các ca được phát hiện nhiễm virus.
Nam Phi là nước sản xuất vàng lớn nhất châu Phi và sản xuất platinum hàng đầu thế giới. Ngành khai khoáng là một ngành chủ chốt, chiếm 8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2018 của Nam Phi.
Đây cũng là ngành tuyển dụng nhiều lao động với hơn 450.000 người tại nền kinh tế lớn nhất châu Phi này.
Quyết định của chính phủ cho phép ngành khai khoáng nối lại hoạt động đã được nhiều công ty hoạt động trong ngành này hoan nghênh.
[Trung Quốc: Thành phố Vũ Hán chỉnh sửa số liệu về dịch COVID-19]
Theo số liệu của Bộ Y tế Nam Phi công bố ngày 16/4, nước này đã ghi nhận tổng cộng 2.605 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 48 ca tử vong.
Đáng chú ý. Nam Phi ngày 16/4 đã ghi nhận thêm 14 ca tử vong do COVID-19. Đây là số ca tử vong trong một ngày cao nhất kể từ khi nước này thông báo ca tử vong đầu tiên hôm 23/3 vừa qua.
Hiện Nam Phi là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất châu Phi.
Nước này đã tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho 95.060 người và đang áp dụng các biện pháp hạn chế hoạt động và đi lại trong 5 tuần nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.
Tại Ai Cập, cùng ngày, Thủ tướng Mostafa Madbouly thông báo chính phủ nước này sẽ cấm mọi phương tiện giao thông công cộng hoạt động và đóng cửa các công viên công cộng vào ngày 20/4 tới.
Quyết định này được đưa ra nhằm hạn chế người dân tụ tập khiến dịch bệnh lây lan trong ngày lễ Sham el-Nessim (ngày 20/4) chào đón mùa Xuân tại Ai Cập.
Trước đó, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El Sisi bày tỏ tin tưởng người dân Ai Cập sẽ đồng lòng cùng chính phủ, đặc biệt là tuân thủ các biện pháp mà chính phủ đang triển khai để kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Ai Cập cũng cảnh báo sẽ mạnh tay với bất kỳ hành vi nào đe dọa lợi ích của người dân và quốc gia cho đến khi cuộc khủng hoảng COVID-19 chấm dứt.
Số liệu của Bộ Y tế Ai Cập cho thấy nước này ghi nhận thêm 168 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.673 ca.
Số bệnh nhân tử vong đã lên tới 196 ca, sau khi Ai Cập xác nhận thêm 13 ca tử vong trong ngày.
Để phòng chống dịch bệnh, trong một tháng qua, Ai Cập đã tạm đóng cửa các trường học, bảo tàng, khu khảo cổ, địa điểm giải trí và trung tâm thương mại, đồng thời hủy các hoạt động thể thao, dừng các chuyến bay đến và đi từ nước này.
Nước này cũng áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc trong 2 tuần đến ngày 23/4 tới.
Hiện dịch bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm tại một số nước khác ở châu Phi.
Bộ Y tế Eswatini thông báo công quốc có 1,1 triệu dân nằm ở miền Nam châu Phi này ghi nhận ca tử vong đầu tiên do virus SARS-CoV-2.
Theo bộ trên, ca tử vong là một nam bệnh nhân 59 tuổi, nhập viện ngày 13/4 vừa qua sau khi xuất hiện triệu chứng viêm phổi kèm theo tiểu sử mắc bệnh tiểu đường.
Công quốc Eswatini thường được biết đến với tên gọi cũ là Swaziland, nằm giữa Nam Phi và Mozambique. Đến nay quốc gia nhỏ bé này đã ghi nhận tổng cộng 17 ca mắc COVID-19.
Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Algiers dẫn nguồn Ủy ban giám sát khoa học về diễn biến đại dịch COVID-19 cho biết tính đến chiều 16/4 theo giờ địa phương, Algeria ghi nhận thêm 108 ca nhiễm và 12 ca tử vong.
Tổng số ca nhiễm tại quốc gia này tăng lên 2.268 người, trong đó có 348 ca tử vong. Tổng cộng 783 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh.
Theo người phát ngôn của Ủy ban, ông Djamel Fourar, hiện dịch bệnh đã lây lan sang 47/48 tỉnh, thành phố tại quốc gia này, trong đó các địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất gồm Blida, Algiers, Oran, Tizi Ouzou.
Hiện Algeria xếp thứ 4 ở châu Phi về tổng số người mắc COVID-19, sau Nam Phi, Ai Cập và Maroc, nhưng là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu Phi, với tỷ lệ trên 15% (348 ca tử vong/2.268 người nhiễm bệnh).
Algeria đang trong tình trạng báo động cao nhất để ngăn chặn đại dịch COVID-19. Người dân bắt buộc phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, nhất là phải ở nhà và chỉ đi ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp.
Tại Maroc, số liệu thống kê cho thấy nước này ghi nhận thêm 259 ca nhiễm mới - số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất kể khi quốc gia này thông báo ca nhiễm đầu tiên.
Maroc ghi nhận tổng cộng 2.283 ca nhiễm. Maroc cũng thông báo thêm 3 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 16/4, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 130 người./.