Ngày 2/5, Bộ trưởng Y tế Malaysia Adham Baba cho biết nước này đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Ấn Độ.
Ông Adham cho biết biến thể B.1.617 được phát hiện ở một công dân Ấn Độ tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur song không nói rõ khi nào phát hiện ca nhiễm biến thể này.
Trước đó, hôm 28/4, Malaysia đã cấm các chuyến bay qua lại với Ấn Độ và cấm nhập cảnh đối với mọi du khách từng đến quốc gia Nam Á này nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới.
Quốc gia Đông Nam Á này ngày 2/5 thông báo có thêm 3.418 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh lên 415.012 ca, trong đó có hơn 1.500 ca tử vong.
[Dịch COVID-19: Malaysia cân nhắc kéo dài lệnh hạn chế di chuyển]
Cùng ngày, Philippines - nước láng giềng của Malaysia, thông báo cũng ghi nhận thêm 8.346 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân ở nước này lên 1.054.983 ca, trong đó có 17.431 ca tử vong (sau khi có thêm 77 ca mới).
Philippines với 110 triệu dân, đã tiến hành xét nghiệm cho trên 11 triệu người kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này vào tháng 1/2020.
Trong khi đó, chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đang đẩy nhanh việc mở rộng bệnh viện dã chiến và bệnh viện-khách sạn (hospitel) để đối phó với làn sóng COVID-19 thứ ba mà địa phương này là tâm điểm.
Thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang ngày 2/5 cho biết BMA đang xây dựng bệnh viện dã chiến thứ 5 của thủ đô tại Trung tâm huấn luyện thể thao Chaloem Phrakiat với sức chứa 400 bệnh nhân.
Nhà chức trách cũng đang liên hệ với các khách sạn để mở thêm nhiều bệnh viện-khách sạn.
Thủ đô Bangkok trong ngày 2/5 vẫn dẫn đầu danh sách các địa phương có nhiều ca mắc mới COVID-19, với 539 ca trong tổng số 1.940 ca mắc mới được ghi nhận trên toàn quốc.
Ngoài ra, Bangkok cũng có 8 trong tổng số 21 bệnh nhân được xác nhận tử vong vì dịch bệnh này trong 24 giờ qua.
Tính đến ngày 2/5, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 68.984 ca mắc COVID-19, trong đó có 245 trường hợp tử vong. Chỉ riêng làn sóng thứ ba của COVID-19 bắt đầu vào đầu tháng Tư đã chiếm khoảng một nửa tổng số ca nhiễm mới và các trường hợp tử vong. Hiện nước này đang có 29.481 bệnh nhân vẫn đang được điều trị tại các bệnh viện.
Cho đến nay, Thái Lan đã tiêm chủng cho gần 1,5 triệu người bằng vaccine của Sinovac và AstraZeneca, chủ yếu là nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương.
Chương trình tiêm chủng đại trà sẽ bắt đầu từ tháng Sáu với loại vaccine chính là của hãng AstraZeneca được sản xuất ở trong nước nhằm mục tiêu tiêm phòng cho 70% số người trưởng thành trong tổng số hơn 66 triệu dân./.