Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h ngày 4/2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 104.861.308 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2.275.840 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 76.593.328 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 461.385 ca tử vong trong tổng số 27.138.401 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 154.734 ca tử vong trong số 10.790.909 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 227.563 ca tử vong trong số 9.339.420 bệnh nhân.
Các nước Mỹ Latinh và Caribe đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 vượt qua mức 600.000 ca. Vào thời điểm cuối tháng 12/2020, số ca tử vong tại Mỹ Latinh và Caribe là hơn 500.000 ca. Đáng lưu ý là số ca tử vong do COVID-19 tại Brazil và Mexico chiếm khoảng 50% trong số này.
Tại châu Âu, Chính quyền vùng Scotland (Anh) thông báo sẽ siết chặt nhập cảnh đối với người nước ngoài khi yêu cầu tất cả những người đến từ bên ngoài nước Anh thực hiện cách ly có quản lý. Biện pháp này được xem là gắt gao hơn, thậm chí trái ngược với với chủ trương của Chính phủ Anh công bố trước đó, sẽ có hiệu lực trong thời gian sớm nhất có thể nhằm ngăn chặn các ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, chưa rõ biện pháp này có áp dụng với những người nhập cảnh vào Anh sau đó mới đến Scotland hay không.
[Cập nhật tình hình COVID-19 sáng 2/2: Thế giới có 103,9 triệu ca nhiễm]
Tại Hà Lan, trước tình trạng số ca nhiễm mới gia tăng nhanh chóng do biến thể mới, Thủ tướng nước này Mark Rutte cho biết sẽ gia hạn một số biện pháp hạn chế đến ngày 2/3 tới, thay vì kết thúc vào ngày 9/2 như ban đầu.
Theo đó, các trường học, cửa hàng không thiết yếu, quán bar và nhà hàng phải phải đóng cửa, mỗi hộ gia đình mỗi ngày chỉ được tiếp một vị khách. Tuy nhiên, có một số ngoại lệ, đó là các trường học cấp 1 và một số cửa hàng sẽ hoạt động trở lại vào ngày 8/2 tới. Trong khi đó, lệnh giới nghiêm vẫn tiếp tục có hiệu lực đến ngày 10/2 và sẽ được xem xét gia hạn tùy theo khuyến cáo của giới chuyên gia.
Tại Áo, chính phủ nước này thông báo sẽ siết chặt biên giới để ngăn chặn người nước ngoài tới các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết tại nước này. Theo Bộ trưởng Nội vụ Karl Nehammer, an ninh sẽ được siết chặt tạo các khu nghỉ này ở dãy núi Alps và tại biên giới. Theo đó, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, bao gồm yêu cầu những người nhập cảnh phải khai báo với các nhà chức trách và thực hiện xét nghiệm theo tuần.
Do lệnh phong tỏa, các khách sạn, nhà hàng, quán bar, trường học và tất cả hoạt động kinh doanh không cần thiết phải đóng cửa trong nhiều tuần, chính phủ đã cho phép hệ thống cáp treo tại Alps hoạt động trở lại trước kỳ nghỉ Giáng sinh để phục vụ người dân trong nước. Tuy nhiên, hàng trăm khách nước ngoài vẫn tìm cách nhập cảnh trái phép vào Áo để tới các khu nghỉ này, hậu quả là một số ổ dịch COVID-19 đã xuất hiện tại đây./.