Chiến thắng Điện Biên Phủ - đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - đã khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; ghi dấu những trang sử vàng trong lịch sử dân tộc.
Nhân kỷ niệm 65 năm Chiến thắng, Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết “Điện Biên Phủ - Bài học vượt qua khó khăn giành thắng lợi” của Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Chính ủy Đại đoàn Công pháo 351 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Với cương vị là Bí thư Đảng ủy và Chính ủy đại đoàn 351 (Công pháo) trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi luôn luôn nhớ một bài học rất bổ ích: Trên con đường đấu tranh cách mạng, chỉ có nắm vững mục tiêu, kiên quyết vượt qua khó khăn mới giành được thắng lợi to lớn. Tinh thần vượt qua khó khăn là sự kết hợp chặt chẽ giữa tinh thần cách mạng tiến công với óc tìm tòi, sáng tạo, giải quyết triệt để những vấn đề đặt ra trong thực tiễn chiến đấu và công tác của từng đơn vị, từng người. Đó là quy luật tất yếu mà bài học về chống hữu khuynh tiêu cực.
[Chiến thắng Điện Biên Phủ: Khi xe đạp và... bàn thờ cùng vào trận địa]
Chiến dịch Điện Biên Phủ không những là đỉnh cao của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 mà còn là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phản ánh bước trưởng thành hết sức quan trọng của các lực lượng vũ trang nhân dân ta trong đà lớn mạnh của toàn dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Lúc đó cuộc kháng chiến của nhân dân ta có nhiều thuận lợi cơ bản, đồng thời cũng có nhiều khó khăn to lớn nhất định phải vượt qua mới đi tới toàn thắng.
Để đối phó với các cuộc tấn công của ta, kẻ địch dung thủ đoạn co cụm thành tập đoàn cứ điểm để tránh bị tiêu diệt. Về phía ta, bằng mọi cách nhất định phải đánh thắng kỳ được tập đoàn cứ điểm mới đưa cuộc chiến tranh lên thắng lợi mới, đưa cách mạng nước ta đến toàn thắng. Lực lượng của ta lúc này chưa hơn hẳn địch nên còn rất nhiều khó khăn. Song khó khăn mấy cũng phải khắc phục để đánh địch và giành thắng lợi.
Tuy sau cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Nà Sản, chúng ta đã rút được nhiều kinh nghiệm, nhưng so với Nà Sản thì Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh hơn rất nhiều. Không những binh lực và hỏa lực mạnh hơn gấp bội, mà tổ chức phòng ngự cũng chặt chẽ, chu đáo và hiện đại hơn.
Nếu Nà Sản là một tập đoàn cứ điểm quy mô nhỏ, chỉ gồm những trung tâm đề kháng đơn giản thì Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm lớn hơn, gồm nhiều trung tâm đề kháng phức tạp. Đây lại là một chiến trường rừng núi hiểm trở, đường xá chưa được mở mang, ở xa hậu phương của ta (từ 400-500km).
Trước đây, trong các chiến dịch quy mô nhỏ hơn, lực lượng sử dụng ít hơn, chiến trường lại gần hậu phương hơn, thế mà việc hành quân, vận chuyển đạn dược, lương thực, thực phẩm đã gặp nhiều khó khăn, có lúc bộ đội phải ăn cháo. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ quy mô lớn hơn, lực lượng sử dụng nhiều hơn, chiến trường xa hơn, thì khó khăn sẽ lớn hơn nhường nào?
Trước yêu cầu cấp bách của cách mạng và thực tiễn tình hình, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về tập trung mọi khả năng để chiến đấu tiêu diệt cứ điểm địch ở Điên Biên Phủ, chọn phương châm tác chiến cho đúng là một vấn đề có tính quyết định cho thắng lợi, đòi hòi phải vận dụng khoa học nghệ thuật, chiến thuật quân sự thích hợp, phát huy đầy đủ các yếu tố tổng hợp, tinh thần sáng tạo và thực tiễn.
Lúc đầu ta quyết định theo phương châm “đánh nhanh giải quyết nhanh” là có cơ sở thực tiễn về địch và khả năng của ta, cũng là phù hợp với tư tưởng quân sự muốn chiến dịch không nên kéo dài, càng ngắn thì càng tốt, bớt được khó khăn về bảo đảm vật chất... Quá trình đó cũng phải đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh, đánh giá địch cao, không tin ở “đánh nhanh giải quyết nhanh” mới thống nhất có được quyết tâm từ trên xuống dưới phấn đấu thực hiện.
Tuy nhiên, sau quá trình phát hiện địch đã tăng cường lực lượng, tương quan giữa ta và địch ở chiến dịch có sự thay đổi buộc ta phải chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc.” Đây là điểm thể hiện sự nhạy bén, sắc sảo trong lãnh đạo và chỉ đạo của ta, dũng cảm thay đổi, không bảo thủ, luyến tiếc những điều không còn phù hợp nữa. Song sự chuyển đổi phương châm đó đã thay đổi toàn bộ đội hình bố trí chiến dịch và đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ về mọi mặt của ta, nhất là về bảo đảm vật chất, không ít những khó khăn mới phát sinh.
Đối với bộ binh, sự thay đổi này là điều không đơn giản, nhưng đối với pháo binh lại càng phức tạp hơn nhiều. Pháo vào trận địa bằng sức đẩy, sức kéo của con người, thế mà đã kéo vào lại kéo ra, rồi lại kéo vào trên một hướng khác; phải làm đường mới, phải chống pháo địch đánh phá liên tiếp ngày đêm, nhất là ở các điểm nút di chuyển. Nhận lệnh chuyển phương châm sang “đánh chắc, tiến chắc,” pháo binh có phần hao công sức để kéo ra, nhưng thực sự là thở phào nhẹ nhõm vì đã cảm nhận rõ phương châm cũ khó hoàn thành nhiệm vụ, tuy vậy phải giải quyết vấn đề công tác tư tưởng do nhiệm vụ mới quá nặng nề.
Qua cuộc tiến công đợt 1, ta đã giành được thắng lợi giòn giã. Song bước sang cuộc tiến công đợt 2, có nhiều khó khăn mới xuất hiện. Ta bị địch tấn công liên tục, tốc độ tấn công chững lại. Yêu cầu mới đặt ra đòi hỏi cần nhanh chóng giải quyết tư tưởng ngại khó, ngại khổ, ngại hy sinh, thiếu chuẩn bị chu đáo - biểu hiện của tư tưởng hữu khuynh đang cản trở việc thực hiện đạt kết quả trong từng trận đánh chính, từng điểm quan trọng để đi đến toàn thắng.
Suốt quá trình chiến dịch, công tác tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ được tiến hành rất chặt chẽ và sát sao, đã xây dựng được tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Song điểm mới ở đợt 2 là địch tuy ở thế thua, đã rất khốn quẫn trước cái chết và sống, mất và còn nên cũng ngoan cố chống trả một cách quyết liệt.
Về phía ta tuy đang ở thế thắng, nhưng mọi mặt của các đơn vị không còn sung sức như trước đây, tư tưởng có phần mệt mỏi. Trước yêu cầu của chiến dịch là phải tích cực tiến công, nhanh chóng kết thúc trước mùa mưa, càng kéo dài càng bất lợi, heo chỉ thị của Bộ Chính trị, chúng ta đã tiến hành ngay tại mặt trận một cuộc đấu tranh sâu rộng chống tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực, nhằm phát huy tinh thần tích cực cách mạng của cán bộ, chiến s, nhất là cán bộ để bảo đảm toàn thắng cho chiến dịch.
Một điều kỳ lạ là sau đó khí thế bộ đội được khơi dậy, những tư tưởng chần chừ đều bị đẩy lùi. Những sáng kiến khắc phục khó khăn, gian khổ ngày càng nở rộ. Sau đó chúng ta đã tổng kết và khẳng định: Thành công của công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng tinh thần quyết chiến quyết thắng, chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, thực sự đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đúc kết và nhìn lại bài học kinh nghiệm đó từ chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta càng thấy thấm thía sâu sắc, nguyên vẹn giá trị thực tiễn của công tác lãnh đạo tư tưởng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như xây dựng lực lượng vũ trang.
Yêu cầu mới bao giờ cũng cao hơn, khó khăn mới xuất hiện nhiều hơn, nên không có quyết tâm thì không thể khắc phục đi đến giành thắng lợi. Chúng ta không bao giờ được hiện diện suy nghĩ rằng giải phóng Tổ quốc rồi thì mọi chuyện đều được giải quyết một cách nhanh chóng và chỉ có thuận lợi, cần tiếp tục phấn đấu làm ra của cải, vật chất ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng tốt, khiến cho dân giàu, nước mạnh, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ toàn vẹn đất đai, vùng trời, vùng biển của Tổ Quốc. Đây là quá trình đòi hỏi sự tham gia thường xuyên, tích cực, vượt qua khó khăn từ chính mỗi người dân.
Với những vấn đề khó khăn, phức tạp không thể thấy hết được, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa phát hiện vừa khắc phục. Trải qua hàng chục năm từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc, Đảng ta mới phát hiện được hết những khó khăn khách quan và chủ quan, những thiếu sót, sai lầm và đề ra chủ trương đổi mới trong công cuộc xây dựng đất nước cũng như củng cố, hoàn thiện nền quốc phòng toàn dân, đó là một cuộc đấu tranh cách mạng trong giai đoạn mới đầy thử thách và không hề dễ dàng. Chỉ có tận tâm, tận lực, trên dưới một lòng, khắc phục khó khăn thực hiện cho kỳ được các chủ trương đổi mới có thể đạt được kết quả.
Bài học ở Điện Biên Phủ còn cho thấy, giải quyết khó khăn không chỉ là tinh thần, tư tưởng, ý chí quyết tâm mà quyết tâm phải được thể hiện trong quá trình giải quyết các vấn đề thực tiễn hàng ngày, từ chủ trương, phương hướng đến tổ chức thực hiện cụ thể.
Riêng về Đại đoàn 351 với Trung đoàn pháo 105 và một Trung đoàn pháo cao xạ 37 ly xuất phát từ cây số 31 đường Tuyên Quang đi lên Bắc Mục để lên chiến trường Điện Biên Phủ, đây là cuộc hành quân cơ giới đầu tiên, trên một tuyến đường rừng núi hiểm trở có nhiều đèo cao, dốc đứng, hầu hết là đường chưa được xếp hạng, nâng cấp, lại bị máy bay địch lùng sục, khống chế các bến phà, các đỉnh đèo, xe vận tải đi đã khó, còn xe kéo pháo đi trên đường này thì chưa từng nghĩ tới. Nhưng quyết tâm của ta là phải đưa pháo vào cứ điểm, hành quân đến đúng thời gian, bảo đảm an toàn tuyệt đối, bảo đảm bí mật để giữ thế bất ngờ của chiến dịch, từ đó trong thực hiện có rất nhiều khó khăn.
Chính vì khó khăn của ta như vậy nên kẻ địch đã rất chủ quan. Bọn địch rải truyền đơn thách ta đánh tập đoàn cứ điểm của chúng. Tên chỉ huy pháo binh của chúng còn cam đoan là Việt Minh không thể đem pháo binh lên được Điện Biên, mà có lên được thì chúng cũng "bịt mõm" ngay.
Nhưng đối với bộ đội ta, được đi chiến đấu là nguyện vọng của toàn thể cán bộ, chiến sĩ nên mọi người đều phấn chấn, không ai nghĩ đến khó khăn, gian khổ. Nhưng khi phổ biến, quán triệt tình hình nhiệm vụ và kế hoạch hành quân chiếm lĩnh trận địa, thì hiện tượng ngại khó phát sinh, có một bộ phận không tin là hoàn thành được nhiệm vụ. Do đó, chỉ huy xác định, việc làm công tác tư tưởng phải tập trung vào xây dựng quyết tâm, khắc phục khó khăn, đi sâu vào từng bộ phận, từng người, từng việc cụ thể để giải quyết cả về ý chí, trách nhiệm và biện pháp thiết thực; huy động cán bộ các cấp cả quân sự, chính trị, nghiệp vụ kỹ thuật có mặt để hướng dẫn đơn vị, nhất là những bộ phận, những nơi có khó khăn, từ việc ngụy trang kéo pháo, che đêm để phòng không... đều được hướng dẫn, kiểm tra kỹ lưỡng.
Từng chiến sỹ lái xe kéo pháo không phải chỉ có trình độ tính từng loại pháo, loại xe mà mỗi người đảm nhiệm, biết được khó khăn của từng chặng đường, từ đó mà chủ động xử trí. Qua từng đoạn đường dốc cao, vực sâu, gặp cua hẹp đều có cán bộ đứng hướng dẫn cho từng xe qua, nhiều lúc phải chọn những tay lái “già” đi trước để làm mẫu rồi hướng cho các tay lái trẻ theo sau. Nhờ có những biện pháp tích cực và cụ thể như vậy nên hai trung đoàn pháo đã đi đến được vị trí tập kết đúng thời gian quy định.
Hành quân đến được vị trí tập kết là đã bảo đảm thắng lợi trên 50%. Song bố trí trận địa sao cho hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung, đặt đài quan sát trực tiếp; nắm được địch thường xuyên, chính xác; công sự được ngụy trang chu đáo bảo vệ người và vũ khí được an toàn; chọn mục tiêu chính xác, đo đạc chu đáo, xác định phần tử bắn chính xác cũng là những yếu tố cực kỳ quan trọng.
Nhờ có chuẩn bị tốt nên đợt 1, pháo binh đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ một cách giòn giã, kết hợp chặt chẽ giữa các hỏa lực pháo binh tầm xa, tầm gần, hiệp đồng chặt chẽ với cao xạ và bộ binh, khống chế hoàn toàn sân bay và chi viện cho các đơn vị bộ binh đánh chiếm các cứ điểm, nên đã được nhận cờ luân lưu Quyết thắng. Bước sang đợt 2, bộ binh có khó khăn, tuy nhiên pháo binh nhìn chung vẫn hoàn thành nhiệm vụ, có nhiều gương anh dũng xuất hiện. Các đơn vị đều tăng cường quan sát “tiền tuyến.”
Đài quan sát đi cùng với bộ binh vào tận nơi để xác định phần tử chính xác cho pháo bắn; cao xạ cũng di chuyển trận địa vào sát hơn để khống chế không cho máy bay địch thả dù tiếp tế. Từ đó, hiệu quả của lựu pháo và cao xạ được nâng cao rõ rệt, góp phần cùng các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, cùng nhau làm nên thắng lợi vẻ vang ở Điện Biên Phủ.
Chiến thắng chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy, khi đã có đường lối, chủ trương đúng đắn, việc tổ chức thực hiện là khâu quyết định vận mệnh của chủ trương đó. Trong quá trình thực hiện, điều quan trọng là phải đề cao tinh thần kiên quyết, triệt để cách mạng, phát huy trí tuệ, tìm tòi, sáng tạo để giải quyết mọi khó khăn cụ thể; thường xuyên chống tư tưởng hữu khuynh, thỏa mãn, chững lại, ngại khó ngại khổ, lười suy nghĩ, ỷ lại vào khách quan, đi đến “mặc cho nước chảy bèo trôi,” thiếu sự tác động chủ quan của con người, của từng bộ phận, của từng đơn vị. Đồng thời, cần kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bản vị; xây dựng cho kỳ được sự thống nhất, phát động tư tưởng ý chí và hành động trên dưới một lòng, tập trung vào một mục tiêu đã định./.