Điều gì đang chờ đợi Tổng thống Moon Jae-in trong năm cuối nhiệm kỳ?

Sự suy giảm mức độ tín nhiệm hiện nay của ông Moon Jae-in được cho là do sự gia tăng đột biến số ca nhiễm COVID-19 mới cũng như sự chậm trễ trong việc triển khai chương trình vaccine.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times) đã đăng bài bình luận của nhà báo kỳ cựu John Burton chuyên viết về bán đảo Triều Tiên với nhận định rằng chỉ còn gần một năm nữa là đến thời điểm Hàn Quốc tổ chức cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo, dự kiến diễn ra vào ngày 9/3/2022.

Vì vậy, năm cuối cùng trong nhiệm kỳ ở Nhà Xanh đối với các Tổng thống Hàn Quốc thường là giai đoạn ảm đạm nhất.

Điều này dường như đúng với trường hợp của Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in, người với mức tín nhiệm của cử tri đã giảm xuống dưới 40% (so với mức 60% vào tháng 5/2020).

Trái ngược với sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân vào đầu năm 2020 do chính phủ có phản ứng hiệu quả đối với sự bùng phát của đại dịch COVID-19, sự suy giảm mức độ tín nhiệm hiện nay của ông Moon Jae-in được cho là do sự gia tăng đột biến số ca nhiễm COVID-19 mới (kể từ tháng 11/2020) cũng như sự chậm trễ trong việc triển khai chương trình vaccine.

[Tổng thống Hàn Quốc cam kết giải quyết khủng hoảng việc làm do dịch]

Ngoài ra, hiện cũng còn có các vấn đề khác xảy ra gần đây có tác động ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm kỳ của ông Moon Jae-in.

Trước hết là xung đột lợi ích nảy sinh (liên quan đến các cuộc điều tra chống tham nhũng trong chính quyền) với minh chứng là cuộc chiến giữa Bộ trưởng Tư pháp Choo Mi-ae với Tổng Công tố Yoon Seok-youl, kết thúc bằng việc Choo Mi-ae phải từ chức và điều này khiến lòng tin của người dân (đối với chính phủ) bị giảm mạnh.

Thứ hai, hình ảnh tiến bộ của đảng Dân chủ (DP) cầm quyền cũng bị tổn hại do các cáo buộc "quấy rối tình dục" liên quan đến 2 cựu Thị trưởng Seoul và Busan.

Bên cạnh đó, chính phủ của Thủ tướng Chung Sye-kyun cũng đã thất bại trong nỗ lực giảm bong bóng giá nhà ở khu vực Seoul khiến nhiều người phẫn nộ về chi phí sinh hoạt tăng cao.

Tuy nhiên, có thể vẫn còn quá sớm để cho rằng năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của Moon Jae-in không có dấu ấn đáng khích lệ vì thiếu những hiệu quả về mặt hoạch định chính sách.

Đảng Dân chủ vẫn chiếm đa số trong Quốc hội khóa mới, thành quả có được trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung hồi tháng 4/2020 nhờ vào sự ủng hộ của công chúng trước phản ứng nhanh nhạy của chính quyền trước đại dịch COVID-19.

Đây cũng là cơ sở nền tảng để Tổng thống Moon Jae-in thông qua một loạt các đạo luật trong những tháng gần đây, bao gồm cả những đạo luật liên quan đến lao động và quản trị doanh nghiệp.

Sự ủng hộ của người dân xứ sở Kim Chi đối với chính quyền Moon Jae-in cũng có thể tăng trở lại nếu Hàn Quốc phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau tác động của COVID-19.

Sau Trung Quốc, Hàn Quốc được coi là quốc gia có khả năng đạt mức tăng trưởng trở lại mạnh mẽ nhất trong số các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới vào năm 2021, ước tính tăng 3% so với mức giảm 1% vào năm 2020.

Điều này phản ánh thực tế là Hàn Quốc đã tương đối thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 so với các quốc gia khác.

Hàn Quốc cũng đang hưởng lợi từ nhu cầu toàn cầu về chất bán dẫn, một sản phẩm xuất khẩu chủ lực.

Với tỷ lệ thất nghiệp dự kiến giảm dần (hiện chỉ ở mức trên 5%), chi tiêu hộ gia đình ở Hàn Quốc cũng sẽ tăng trong năm nay khi niềm tin của người tiêu dùng được cải thiện.

Rõ ràng là Tổng thống Moon Jae-in muốn tận dụng một số vốn liếng chính trị còn lại của mình để đảm bảo một di sản lâu dài bằng cách thiết lập một tiến trình hòa bình và hòa giải với Triều Tiên, vốn luôn được coi là mục tiêu chính trong nhiệm kỳ.

Tổng thống Moon Jae-in gần đây cũng gợi ý rằng hợp tác liên Triều về chống dịch COVID-19 có thể tái khởi động các cuộc đối thoại giữa Seoul và Bình Nhưỡng.

Ông Moon Jae-in cũng nhấn mạnh đến ý tưởng đó khi quyết định bổ nhiệm Chung Eui-yong, cựu Đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên, làm Ngoại trưởng Hàn Quốc vào cuối tháng Một vừa qua.

Việc bổ nhiệm ông Chung Eui-yong là động thái cho thấy Seoul sẽ phải nỗ lực phối hợp với chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Chung Eui-yong, một nhà ngoại giao kỳ cựu, từng là đặc phái viên của ông Moon Jae-in trong việc giúp dàn xếp hai cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, nhiệm vụ mà ông Chung Eui-yong được giao phó nhằm tạo điều kiện phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền Joe Biden có thể sẽ gặp nhiều khó khăn sau khi nhóm hoạch định chính sách đối ngoại mới ở Washington dự kiến sẽ thực thi đường lối cứng rắn hơn đối với Triều Tiên.

Tuy nhiên, một mầm mống xung đột tiềm ẩn giữa Seoul và Washington dường như đã trở nên rõ ràng hơn.

Chính quyền Joe Biden nhấn mạnh rằng các vấn đề nhân quyền nên được đưa vào bất kỳ cuộc đàm phán nào với Bình Nhưỡng, điều mà cả Moon Jae-in và Donald Trump luôn luôn từ chối do quá tập trung vào việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Quan điểm này cũng đã được Jung Pak, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á (người được cho là sẽ giúp việc hoạch định chính sách Triều Tiên của chính quyền Joe Biden) chia sẻ.

Từng là chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Brookings, trong báo cáo cuối cùng trước khi rời Brookings về Bộ Ngoại giao Mỹ, Jung Pak đã chỉ trích Tổng thống Moon Jae-in vì đã lạm dụng quyền lực của mình "để ngăn chặn những phát ngôn chống Triều Tiên và tăng cường các hoạt động nhằm hỗ trợ chính sách can dự của ông đối với Bình Nhưỡng."

Bà hối thúc chính quyền Moon Jae-in cần thay đổi cách tiếp cận của mình đối với vấn đề nhân quyền và các nhóm người Triều Tiên đào tẩu.

Nguy cơ làm nảy sinh căng thẳng trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Mỹ liên quan đến chính sách Triều Tiên có thể khiến ông Moon Jae-in phân tâm và khó đạt được mục tiêu lớn khác của mình là tạo ra một nền kinh tế cạnh tranh và bình đẳng hơn.

Trong Thông điệp chào Năm mới 2021, Tổng thống Moon Jae-in đã đưa ra tầm nhìn quản trị quốc gia với ba từ khóa chính là "hồi phục," "bao trùm" và "nhảy vọt."

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cam kết sẽ khôi phục đời sống thường nhật của người dân, hồi phục kinh tế nhanh chóng và vững mạnh, đưa Hàn Quốc phát triển nhảy vọt thành một quốc gia đi đầu (với nền kinh tế xanh và kỹ thuật số) trong thời đại hậu COVID-19, đồng thời khẳng định những nỗ lực này sẽ giúp tạo ra một xã hội hòa nhập hơn.

Tuy nhiên, nếu Moon Jae-in không giải quyết được những mối quan tâm tức thời hơn của người dân, điều này hoàn toàn có thể làm tổn hại đến triển vọng chính trị của đảng Dân chủ cầm quyền trong năm tới và cũng làm tăng khả năng sẽ có một tổng thống thuộc phe bảo thủ lên nắm quyền ở Hàn Quốc vào năm 2022./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục