Điều tra, xử lý nghiêm vụ "lâm tặc" mở đường để phá rừng ở Phú Yên

Tỉnh Phú Yên có công văn hỏa tốc yêu cầu các cơ quan chức năng và địa phương phối hợp điều tra xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép - vụ việc do TTXVN phản ánh.
Gỗ được lâm tặc bỏ lại trong rừng khi bị Kiểm lâm phát hiện. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Liên quan đến vụ "lâm tặc" ngang nhiên mở đường phá rừng giáp ranh giữa huyện Tây Hòa và huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) do TTXVN phản ánh trước đó, chiều 15/5, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, đã ký công văn hỏa tốc yêu cầu các cơ quan chức năng và địa phương phối hợp điều tra xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép.

Cụ thể, theo công văn số 2518/UBND-KT, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên giao Công an tỉnh tiếp tục tăng cường lực lượng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện Tây Hòa, Sông Hinh tiếp tục điều tra, sớm làm rõ trách nhiệm của chủ rừng, tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhằm răn đe, phòng ngừa chung.

Các địa phương cần tăng cường giám sát, quản lý nguồn gốc lâm sản tại các cơ sở mua bán, kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn; rà soát, xác định các điểm nóng chặt phá rừng, sản xuất kinh doanh lâm sản trái pháp luật, có kế hoạch xử lý triệt để.

[Khởi tố vụ án và truy xét các đối tượng phá rừng ở Phú Yên]

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các địa phương duy trì có hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tin báo vi phạm về lâm nghiệp và có chính sách động viên, bảo vệ đối với người báo tin.

Liên quan đến vụ "lâm tặc" ngang nhiên mở đường phá rừng giáp ranh giữa huyện Tây Hòa và huyện Sông Hinh, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Phú Yên) cũng đã ra Quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản" được quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 232-Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Điều tra ban đầu cho thấy: Tại vị trí khoảnh 2, tiểu khu 312, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh (thuộc rừng phòng hộ là rừng tự nhiên) có 94 cây gỗ các loại với đường kính từ 26cm đến 1m bị cắt hạ.

Gỗ bị cắt hạ còn tại hiện trường là 35,101m3 (48 lóng gỗ), trong đó 1,109m3 (4 lóng gỗ) thuộc loại quý hiếm nhóm IIA và 33,992m3 (44 lóng gỗ) thuộc loại thông thường.

Tại khoảnh 7 và khoảnh 10, tiểu khu 358, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa (thuộc rừng sản xuất) có 25 cây gỗ các loại với đường kính từ 19cm đến 68cm bị cắt hạ.

Số lượng gỗ bị cắt hạ còn tại hiện trường là 1,390m3 (8 lóng gỗ), trong đó 0,453m3 (2 lóng gỗ tròn) thuộc loại quý hiếm nhóm IIA và 0,937m3 (6 lóng gỗ) thuộc loại thông thường.

Gỗ được lâm tặc bỏ lại trong rừng khi bị Kiểm lâm phát hiện. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Trước đó, ngày 6/5/2020, phóng viên TTXVN đi thực tế và có bài viết phản ánh về việc ở vùng giáp ranh giữa huyện Tây Hòa và huyện Sông Hinh có hàng loạt cây rừng đã bị "lâm tặc" đốn hạ, vận chuyển ra ngoài.

Giữa rừng sâu, "lâm tặc" dùng phương tiện cơ giới mở con đường rộng khoảng 1 m và nhiều đường nhánh vào các khu vực trong rừng. "Lâm tặc" chọn những cây rừng to dọc các con đường để chặt phá, sau đó xẻ gỗ và vận chuyển ra ngoài.

Sau khi bị lực lượng chức năng phát hiện, "lâm tặc" đã bỏ trốn và bỏ lại nhiều khúc gỗ trong rừng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục