Định hướng hợp tác mới của Bộ Tứ dưới thời Tổng thống Biden

Nhóm các nền dân chủ Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ có chung chí hướng vẫn sẽ là nền tảng hoạch định chính sách cực kỳ quan trọng cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Biden.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Washington, DC ngày 4/2/2021. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo tờ Nikkei Asia, 4 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã nhóm họp trực tuyến vào ngày 18/2 trong khuôn khổ Đối thoại An ninh Bộ Tứ (Quad).

Điều này cho thấy nhóm các nền dân chủ có chung chí hướng này vẫn sẽ là nền tảng hoạch định chính sách cực kỳ quan trọng cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong cuộc họp trực tuyến kéo dài 90 phút, sự kiện được Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi mô tả trên Twitter là "một cuộc thảo luận rất có chiều sâu," ông Motegi cùng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Australia Marise Payne và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã thảo luận các vấn đề liên quan tới Myanmar, Biển Đông và biển Hoa Đông, Triều Tiên, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và biến đổi khí hậu.

Trả lời báo giới, Ngoại trưởng Motegi cho rằng cuộc họp diễn ra ngay sau khi Tổng thống Biden nhậm chức là một dấu hiệu cho thấy "cam kết mạnh mẽ của chính quyền Biden đối với việc hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như những dự định với Bộ Tứ."

Cuộc họp được triệu tập theo yêu cầu của Washington và là cuộc họp đầu tiên trong khuôn khổ Bộ Tứ kể từ tháng 10 năm ngoái. Trước đó, vào cuối tháng 1/2021, ông Robert O'Brien, Cố vấn An ninh Quốc gia của cựu Tổng thống Donald Trump, đã gọi Bộ Tứ là "mối quan hệ quan trọng nhất mà chúng tôi đã từng thiết lập kể từ sau Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).”

[Tương lai hợp tác an ninh Mỹ-Nga dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden]

Trong thông cáo báo chí phát hành sau cuộc họp, Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định mối quan tâm đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang tăng lên: “Cần lưu ý rằng khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang nhận được sự ủng hộ ngày càng tăng của quốc tế, trong đó có cả châu Âu.”

Đức, Pháp và Hà Lan đều đã vạch ra chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của riêng mình. Ngoại trưởng Motegi đã từng được mời phát biểu trước Hội đồng Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) về chủ đề này hồi tháng 1/2021.

Sau cuộc họp ngày 18/2, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết lãnh đạo ngoại giao bốn nước đã đồng ý gặp nhau ít nhất mỗi năm một lần ở cấp bộ trưởng, và gặp nhau "định kỳ" ở cấp cao và cấp làm việc "để tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó có việc hỗ trợ tự do hàng hải và toàn vẹn lãnh thổ."

Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ có đoạn: "Các bên tham gia tái khẳng định sự ủng hộ đối với vai trò trung tâm của ASEAN" ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một phát biểu thể hiện ý định mở rộng hợp tác của Bộ Tứ với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trước đó, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Blinken đã nhất trí về "vai trò chủ chốt của ASEAN ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi hôm 16/2.

Về phần mình, Ngoại trưởng Motegi cho biết Bộ Tứ sẽ tăng cường hợp tác với ASEAN, các quốc đảo Thái Bình Dương và châu Âu.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã không đề cập đích danh Trung Quốc trong thông báo ngày 18/2. Tuy nhiên, ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Tập đoàn Rand nhận định rằng Bắc Kinh là "động lực chính cho sự hợp tác gần đây của Bộ Tứ."

Bốn nước trong Bộ Tứ đã phản đối các nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, ám chỉ việc Trung Quốc tăng cường hoạt động trên biển ở các khu vực này, bao gồm cả việc xây dựng đảo.

Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia cũng nhất trí về sự cần thiết phải nhanh chóng khôi phục nền dân chủ ở Myanmar sau cuộc đảo chính quân sự gần đây, cũng như chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng bạo lực đối với dân thường ở nước này và trả tự do cho các quan chức bị giam giữ, trong đó có Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.

Tại cuộc họp trực tuyến, thành viên của nhóm Bộ Tứ khẳng định sẽ cùng nhau ứng phó với dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.

Bộ Tứ đã được “hồi sinh” vào năm 2017 sau một thập kỷ gián đoạn, với mục đích đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Diễn đàn này hướng đến thúc đẩy hợp tác kinh tế và an ninh giữa các quốc gia có chung các giá trị tự do, dân chủ và pháp quyền.

Trong cuộc họp ngày 18/2, các nhà ngoại giao hàng đầu của Bộ Tứ đã nhất trí về tầm quan trọng của sự hợp tác ở cấp cao nhất mặc dù theo Ngoại trưởng Motegi, không có quyết định nào được đưa ra về các cuộc đàm phán thực tế giữa các nhà lãnh đạo của 4 nước.

Washington đang thăm dò các nước thành viên khác của Bộ Tứ về khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh 4 bên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục