Ngày 23/2, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), Đô đốc Hải quân Harry Harris tuyên bố việc quân đội nước này tiếp tục chính sách tái cân bằng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hòa bình và an ninh khu vực.
Phát biểu trước Ủy ban Quân lực của Thượng viện, ông Harris lưu ý rằng bốn vấn đề chiến lược mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nhấn mạnh, đó là Trung Quốc, Triều Tiên, Nga và nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đều nằm trong phạm vi tác chiến của PACOM.
Ông khẳng định: "Chúng ta không thể tái cân bằng đủ nhanh, nhưng có nhiều việc phải làm và chúng ta không thể để mất động lực."
Liên quan đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo ông Harris, Biển Đông là tuyến đường biển quốc tế quan trọng đối với thương mại thế giới và cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước trong khu vực về quyền sở hữu một số đảo tại đây đã đe dọa cản trở hoạt động thương mại cũng như hòa bình khu vực.
Trong khi đó, Triều Tiên đang đe dọa hòa bình bằng chương trình hạt nhân của mình cũng như việc nước này nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo.
PACOM đặt trọng tâm vào đối phó với mối đe dọa từ phía nhà lãnh đạo Kim Jong-un và ông Harris tuyên bố đang làm việc với các đồng minh trong khu vực nhằm kiềm chế Triều Tiên.
Hồi đầu tháng này, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper đã tuyên bố Bình Nhưỡng là mối đe dọa hạt nhân khó đoán định nhất thế giới.
Ngoài ra, theo Đô đốc Harris, Nga đang khôi phục năng lực tuần tra chiến lược tầm xa ở Thái Bình Dương đối với tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo chiến lược thế hệ mới nhất của nước này, đồng thời tăng cường các chuyến bay của máy bay ném bom xung quanh không phận Nhật Bản.
Bên cạnh đó, ông cho rằng khủng bố cũng đặt ra mối đe dọa với khu vực trong bối cảnh xảy ra các cuộc tấn công khủng bố gần đây tại Bangladesh và Indonesia, cho rằng các cuộc tấn công này nhấn mạnh thực tế rằng chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo bạo lực là một mối quan ngại toàn cầu cần phải được loại bỏ./.