Doanh nghiệp công nghệ kỳ vọng, kết quả kinh doanh phục hồi từ quý 3

Chịu ảnh hưởng từ áp lực giảm cầu và việc phải đưa ra nhiều chính sách kích cầu, nhiều doanh nghiệp công nghệ ghi nhận lỗ thời gian qua và họ hy vọng kết quả kinh doanh sẽ phục hồi từ quý 3 tới.
Khách tham quan gian hàng giới thiệu các sản phẩm công nghệ. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Chịu ảnh hưởng từ áp lực giảm cầu cũng như việc phải đưa ra nhiều chính sách kích cầu, nhiều doanh nghiệp công nghệ ghi nhận lỗ trong thời gian qua.

Doanh nghiệp kỳ vọng, kết quả kinh doanh sẽ phục hồi từ quý 3 tới khi xu hướng người tiêu dùng cuối năm tăng lên.

Theo báo cáo tài chính quý 1 năm nay của Công ty Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT), doanh thu thị trường chung giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, về mức 4.513 tỷ đồng. Trên góc độ hợp nhất, lợi nhuận trước thuế đạt 2 tỷ đồng, giảm 99% so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện FRT chia sẻ kết quả này do áp lực giảm cầu liên tiếp trong những tháng đầu năm. Chuỗi FPTShop cũng chịu sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ dẫn đến FRT phải đưa ra nhiều chính sách giảm giá, khuyến mại nhằm kích cầu cho các sản phẩm điện tử, đặc biệt là sản phẩm Apple. Điều này làm ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp cũng như tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý trên doanh thu.

Tương tự, Công ty Thế giới số (DWG) cũng phải đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để giải phóng hàng tồn kho, từ đó giảm áp lực lên dòng tiền trong bối cảnh áp lực giảm cầu hiện nay.

[182 nền tảng, dịch vụ, giải pháp số được vinh danh tại Sao Khuê 2023]

Theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, các nhà phân phối thường có tỷ suất lợi nhuận rất mỏng. Chi phí bán hàng và quản lý tăng trong khi doanh thu giảm, điều này càng khiến tỷ suất lợi nhuận ròng giảm đáng kể.

Số liệu tổng hợp của SSI ghi nhận doanh thu từ máy tính xách tay và điện thoại di động của DGW giảm khoảng 40-45% so với cùng kỳ trong 2 tháng đầu năm 2023, kể cả khi ghi nhận lợi nhuận từ iPhone 14, chuyển từ quý 4/2022 sang quý 1 năm nay. Điều này cho thấy khách hàng trung và cao cấp đã bắt đầu cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn.

Đại diện Hội đồng quản trị MWG Đoàn Văn Hiểu Em bày tỏ: "Tình hình kinh tế của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố; trong đó, lĩnh vực bán lẻ cũng bị tác động rất nhiều, đặc biệt là diện thoại-điện máy vì là giá trị sản phẩm cao. Bình thường, nếu có tiền thì mỗi năm tôi đổi diện thoại một lần, mua tivi to hơn. Năm nay, điều kiện khó khăn nên hai năm đổi điện thoại hoặc là mua tivi nhỏ hơn."

Bên cạnh đó, những mặt hàng công nghệ này bị ảnh hưởng bởi việc siết chặt tín dụng của các công ty tài chính tiêu dùng. Bởi, khoảng 40% doanh thu công nghệ thông tin và điện tử gia dụng của các nhà bán lẻ được tài trợ bằng tín dụng, thông qua thẻ tín dụng ngân hàng hoặc các công ty tài chính tiêu dùng.

Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, công ty tài chính là dấu trừ lớn trong doanh thu. Trong quá khứ có những thời điểm doanh thu đến từ vay tiêu dùng lên đến 35% trên tổng doanh thu của tập đoàn. Trước đây, doanh nghiệp có từ 3-4 đối tác trả góp nhưng nay chỉ còn một bên có khả năng cung cấp dịch vụ. Tiếp theo, tỷ lệ duyệt hồ sơ vẫn rớt mạnh. Chẳng hạn, nếu trước đây có thể duyệt lên từ 60-70% nhưng nay chỉ còn 20%.

Sản xuất linh kiện điện tử. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Hiện các công ty tài chính tiêu dùng phải đối mặt với các vấn đề về vốn kết hợp với thị trường lao động yếu hơn, người tiêu dùng không tiếp cận được tín dụng để chi trả cho các sản phẩm điện thoại. Điều này cũng gián tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm thời gian qua.

Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG Nguyễn Đức Tài dự báo hai quý cuối năm nay, tình hình kinh doanh mảng công nghệ thông tin và điện tử gia dụng sẽ khả quan hơn hai quý đầu năm khi vấn đề lạm phát, thất nghiệp, cũng như giải ngân khoản vay tại các công ty tài chính tiêu dùng dần được tháo gỡ.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG, tình hình đơn hàng xuất khẩu, đơn hàng gia công đã sụt giảm trầm trọng đang có những dấu hiệu bắt đầu phục hồi. Song song đó, vấn đề lãi suất đang được kiểm soát theo chiều hướng giảm. Về thị trường bất động sản, những nút thắt lớn đã đang được tháo gỡ và có thể trong vài tháng nữa bất động sản bắt đầu bước qua đáy và sẽ từ đó đi lên. Khi kinh tế vĩ mô dần ổn định, nhu cầu mua sắm sẽ quay trở lại.

Dù vậy, các doanh nghiệp tỏ ra thận trọng khi thông qua các mục tiêu kết quả kinh doanh trong năm nay. Theo đó, FRT đặt kế hoạch doanh thu 34.000 tỷ đồng, tăng 13% và lợi nhuận trước thuế 240 tỷ đồng, giảm 51% so với kết quả năm 2022. Kế hoạch doanh thu của DGW đạt 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng, lần lượt sụt giảm 9% và 42% so với thực hiện 2022.

Trong khi đó, MWG đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 135.000 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.200 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện trong năm 2022 với giả định sức mua sẽ hồi phục tích cực từ quý 3 năm nay.

Trên thị trường niêm yết, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, cổ phiếu FRT có giá 64.000 đồng, DGW có giá 33.500 đồng, MWG có giá 37.800 đồng/đơn vị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục