Theo Báo cáo Thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2016/2017 do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cung cấp mới đây, tại Việt Nam số lượng các doanh nghiệp niêm yết chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.
Không chỉ ít về số lượng mà chất lượng quản trị công ty của các doanh nghiệp này còn thấp so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới.
Cũng theo Báo cáo này, tính đến ngày 15/12/2016 số lượng công ty đại chúng ở Việt Nam đạt gần 1.830 đơn vị; trong đó có 319 công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), 374 công ty niêm yết trên Sở Giáo dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 391 công ty đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCOM) và 745 công ty chưa yết, đăng ký giao dịch.
Như vậy tỷ lệ công ty niêm yết tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.
Với sự khuyến khích của các cơ quan quản lý, trong vài năm gần đây, quản trị công ty tại các doanh nghiệp niêm yết được quan tâm nhiều hơn, nhưng việc quản trị công ty theo các chuẩn mực quốc tế vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Ngay tại các doanh nghiệp niêm yết lớn trên thị trường chứng khoán được xem là đi đầu về quản trị công ty ở Việt Nam thì việc thực hiện quản trị công ty tốt theo thông lệ quốc tế mới chỉ ở giai đoạn đầu.
Thực tế cho thấy, tình trạng quản trị công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán yếu có khá nhiều nguyên nhân. Đầu tiên phải kể đến ý thức nâng cao trong ban lãnh đạo nhiều doanh nghiệp niêm yết chưa cao.
Quản trị công ty theo kiểu “gia đình trị” cũng cản trở việc thực hành quản trị công ty hiệu quả khi Hội đồng quản trị công ty chủ yếu là thành viên trong gia đình và đảm nhận luôn các chức vụ điều hành doanh nghiệp.
Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, việc quản trị công ty tại Việt Nam có những thách thức như: Các công ty đại chúng, đặc biệt là các công ty có quy mô vừa và nhỏ còn thiếu nhận thức, kiến thức và kinh nghiệm quản trị công ty. Các công ty có xu hướng chỉ tuân thủ các yêu cầu tối thiểu về quản trị công ty theo quy định của pháp luật, chưa có nhiều động lực để áp dụng các thông lệ quản trị công ty tốt. Việc cưỡng chế thực thi các quy định về quản trị công ty còn yếu.
Thông tư số 121/2012/TT- BTC ngày 26/7/2013 của Bộ Tài chính tuy có phân lớp thành công ty đại chúng và doanh nghiệp niêm yết để định ra chuẩn cao hơn về quản trị công ty, nhưng các quy định này chủ yếu mang tính khuyến nghị, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng, chứ không mang tính áp đặt và đưa ra chế tài xử lý cụ thể.
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thời gian qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp để tăng cường, nâng cao chất lượng quản trị công ty trong các doanh nghiệp niêm yết.
Vừa qua Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã trình Chính phủ một Nghị định riêng về quản trị công ty nhằm nâng cao hơn nữa tính pháp lý về vấn đề này để doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn.
Ngày 20/4, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thành lập “Hội đồng Tư vấn Quốc gia về Quản trị công ty.”
Đây là một nỗ lực của tất cả các bên, từ cơ quan quản lý, cơ quan điều hành, cho đến các khối tư nhân, tổ chức hội nghề nghiệp và các chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy trong và ngoài nước… để phối hợp hành động hướng tới mục tiêu thúc đẩy hơn nữa vấn đề quản trị công ty tại Việt Nam, ông Bằng chia sẻ
Trong năm 2017 này, Hội đồng sẽ tập trung vào xây dựng, ban hành Bộ quy tắc về quản trị công ty và hiện đã có bản thảo đầu tiên. Đây là điều rất cần thiết. Doanh nghiệp có thể căn cứ vào Bộ quy tắc để thực hành, áp dụng.
Dự kiến Bộ quy tắc này sẽ được ban hành trong năm nay. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy quản trị công ty tốt trong công ty niêm yết.
Bộ quy tắc quản trị công ty sẽ hướng dẫn các công ty niêm yết cách thức áp dụng những thông lệ quản trị công ty tốt trên thế giới để tăng cường năng lực cạnh tranh của các công ty niêm yết Việt Nam, giúp hội nhập tốt hơn vào thị trường vốn của các nước ASEAN và trên toàn cầu.
Hội đồng tư vấn, cũng dự kiến triển khai nhiều nội dung quan trọng khác, như: Xây dựng thẻ điểm quản trị công ty, tổ chức Diễn đàn về quản trị công ty và hướng tới hình thành một Viện quản trị công ty để tăng cường đào tạo, tư vấn chính sách về vấn đề này ở Việt Nam, ông Bằng nói./.