Doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin tăng trưởng 9%

10 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin ước đạt 2.562 triệu tỷ đồng, doanh thu quý 3 đã tăng trưởng 26,8% so với quý 2, (quý 2 sụt giảm 14% so với quý 1).
Nhân viên Vietnam Post vận chuyển sách giáo khoa tới phụ huynh và học sinh trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: TTXVN phát)

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, ước tính trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin ước đạt 2.562 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 110,7 tỷ USD) tăng trưởng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong số đó, doanh thu các doanh nghiệp Việt Nam là 292.000 tỷ đồng chiếm 11%. Doanh thu quý 3 đã tăng trưởng 26,8% so với quý 2 (quý 2 sụt giảm 14% so với quý 1).

Trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin, doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử chiếm gần 90%, đạt khoảng 2.270 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 98,1 tỷ USD).

Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt 88,3 tỷ USD chiếm khoảng 32,5% giá trị xuất khẩu của cả nước.

Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng việc phát triển lĩnh vực an toàn an ninh mạng trong năm 2021 đã có nhiều kết quả tích cực. Trong đó, doanh thu dịch vụ an toàn an ninh mạng trong 10 tháng đầu năm 2021 đạt 1.535 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ 10 tháng đầu năm 2020.

Trong lĩnh vực bưu chính, do ảnh hưởng kéo dài của dịch COVID-19 nên doanh số của các doanh nghiệp bưu chính bị sụt giảm.

Tuy nhiên đến tháng 10, các doanh nghiệp bưu chính từng bước khôi phục sản xuất khi các địa phương dần trở về trạng thái bình thường mới và tạo tiền đề cho tăng trưởng trong quý 4, phấn đấu hoàn thành kế hoạch cả năm 2021.

[Viettel tiếp tục đứng đầu xếp hạng công ty CNTT-Viễn thông uy tín nhất]

Tính đến tháng 10/2021, tăng thêm 70 doanh nghiệp bưu chính. Doanh thu bưu chính đến hết quý 3 ước đạt 7.500 tỷ đồng.

Trong tháng 10/2021, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước tăng 0,09% so với cùng kỳ năm 2020. Số thuê bao điện thoại thông minh đạt 91,71 triệu (chiếm 74,1% số thuê bao điện thoại di động), tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục thúc đẩy triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” và triển khai phủ sóng các điểm lõm sóng còn tồn tại trên cả nước (khoảng 2000 điểm).

Để tiến tới mục tiêu xử lý triệt để sim rác vào cuối năm 2021, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, quyền lợi của người dân, đồng thời tạo nền tảng để chính doanh nghiệp viễn thông triển khai các dịch vụ mới như định danh số, tiền di động (Mobile Money)..., Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai các giải pháp đồng bộ như tiến hành kiểm tra thông tin thuê bao, đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục đối với hoạt động mua bán, đăng ký, quản lý thông tin thuê bao tại các điểm bán SIM, đăng ký thông tin thuê bao trên địa bàn quản lý theo quy định; chỉ đạo hoàn thiện biện pháp cơ chế chặn tự động trên hệ thống của doanh nghiệp để đảm bảo từ ngày 1/8/2021, tất cả thuê bao phát triển mới không vi phạm các tiêu chí trong thỏa thuận ngăn chặn, xử lý SIM rác.

Đến tháng 10/2021 đã có hai nhà mạng là Viettel và VNPT đã đáp ứng các nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông và thực hiện triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục