'Đối đầu mềm' trong cuộc chiến chống COVID-19 ở Hong Kong

Thách thức lớn nhất trong phòng chống dịch bệnh của đặc khu hành chính Hong Kong có lẽ không phải là sự ích kỷ của một bộ phận dân chúng, mà là do người dân Hong Kong không chung sức chung lòng.
Người dân quét mã kiểm tra y tế trước khi vào tòa nhà tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 9/12/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tờ Liên hợp buổi sáng, đại dịch COVID-19 đã hoành hành khắp toàn cầu gần 2 năm qua và không có dấu hiệu biến mất mà còn có xu hướng ngày càng trầm trọng.

Ngay cả Hong Kong, những ngày gần đây cũng đã xuất hiện nhiều trường hợp nhiễm biến thể Omicron khiến mọi người lo ngại một làn sóng dịch bệnh mới sẽ bùng phát.

Đối mặt với mối đe dọa mạnh mẽ của làn sóng dịch bệnh mới, đa phần dư luận Hong Kong chĩa mũi nhọn vào tổ bay của hãng hàng không Cathay Pacific không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.

Theo điều tra của cơ quan chức năng, sự lây truyền của biến thể Omicron ở Hong Kong trong làn sóng dịch này xuất phát đầu tiên từ một nhân viên của Cathay Pacific, sau khi nhân viên này bị nhiễm biến thể Omicron và không tuân thủ quy định, tự do đi ra ngoài dẫn đến lây lan trong cộng đồng. Thời gian hai tuần tới trở thành “thời điểm quan trọng” để Hong Kong ngăn chặn triệt để biến thể Omicron.

Về hình thức, việc xảy ra lây lan biến thể Omicron trong cộng đồng ở Hong Kong gần đây có liên quan đến hành vi ích kỷ của các cá nhân và sự kiểm soát không hiệu quả của chính quyền Hong Kong.

[Hong Kong phát hiện các ca cộng đồng đầu tiên nhiễm biến thể Omicron]

Tuy nhiên, nếu xét từ diễn biến của dịch bệnh ở Hong Kong trong thời gian qua thì thách thức lớn nhất trong phòng chống dịch bệnh của đặc khu hành chính này có lẽ không phải là sự ích kỷ của một bộ phận dân chúng, mà là do người dân Hong Kong không chung sức chung lòng.

Nhìn lại hai năm qua, hầu hết người dân Hong Kong đều có thể tuân thủ nghiêm ngặt quy định đeo khẩu trang nơi công cộng, thể hiện Hong Kong là một xã hội dân sự phát triển.

Tuy nhiên, sau khi trải qua phong trào phản đối sửa đổi dự luật dẫn độ, không ít người dân Hong Kong mất lòng tin vào chính quyền, thường không hợp tác với chính sách phòng chống dịch một cách cố ý hoặc vô ý, khiến cho hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch bệnh của Hong Kong suy giảm đáng kể.

Khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Hong Kong vào năm 2020, chính quyền Hong Kong quyết định bố trí các trung tâm xét nghiệm và cách ly ở một số khu vực, tiếp nhận những người tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh. Xuất phát điểm của chính sách này rõ ràng rất tích cực.

Tuy nhiên, năm 2020 là thời điểm xã hội Hong Kong bị phân hóa lớn về mặt chính trị. Một bộ phận người dân Hong Kong xuống đường phản đối, thậm chí một số người còn đốt phá các trung tâm chỉ định, cản trở công tác phòng ngừa và xử lý dịch bệnh của chính quyền.

Sau đó, để hỗ trợ Hong Kong phòng chống dịch bệnh, chính quyền Trung ương Trung Quốc yêu cầu xét nghiệm virus miễn phí cho toàn bộ người dân Hong Kong.

Tuy nhiên, xuất phát từ tính toán chính trị, một số nhân vật thuộc phe dân chủ một mặt phản đối lực lượng chi viện của Đại lục đến Hong Kong, một mặt lại hoài nghi các cơ quan xét nghiệm có yếu tố Trung Quốc sẽ “đánh cắp dữ liệu DNA của người dân Hong Kong”, nên kiên quyết không tham gia xét nghiệm.

Tiếp đó, mặc dù vaccine được thừa nhận là an toàn, có hiệu quả, song rất nhiều nhân viên y tế có lập trường chính trị rõ ràng vẫn kiên quyết từ chối sử dụng, thậm chí công khai khuyến khích người dân Hong Kong từ chối tiêm vaccine, khiến cho công tác ngăn chặn virus lây lan càng trở nên khó khăn.

Sau khi Chính phủ Trung Quốc thực hiện “Luật An ninh quốc gia về Hong Kong” vào tháng 6/2020, những nhân vật chính trị số 1, số 2 của phe dân chủ ở Hong Kong đã phải di cư hoặc bị bắt giữ.

Xã hội Hong Kong sau cùng đã dần ổn định trở lại. Tuy nhiên, một số người ủng hộ dân chủ vẫn ở lại Hong Kong và không từ bỏ hy vọng khôi phục lại phong trào này. Những người này đã chuyển sang phương thức “đối đầu mềm” để chống lại chính quyền.

Ví dụ, để ứng phó với tình hình dịch bệnh, chính quyền Hong Kong đưa ra ứng dụng di động “an tâm xuất hành” (LeaveHomeSafe), ghi lại những địa điểm người dân từng đến để tạo thuận lợi cho việc truy vết, theo dõi người mắc bệnh sau này.

Khi ứng dụng này được triển khai trên tinh thần tự nguyện, người dân Hong Kong đi đến các địa điểm khác nhau có thể lựa chọn phương thức khai báo thông tin bằng cách “điền giấy” hoặc sử dụng ứng dụng LeaveHomeSafe.

Mặc dù người dân Hong Kong đã quen thích ứng với công nghệ số, nhưng xuất phát từ thái độ phản đối chính quyền, nên một số người luôn lấy lý do “xâm phạm quyền riêng tư cá nhân” để từ chối sử dụng ứng dụng LeaveHomeSafe.

Hơn nửa năm trở lại đây, người trẻ tuổi từ chối cài đặt và sử dụng LeaveHomeSafe là tình trạng phổ biến ở Hong Kong. Thay vào đó, những người trẻ tuổi này khai báo thông tin “điền giấy” theo nhóm 3-5 người.

Theo các phương tiện truyền thông Hong Kong, không ít người sử dụng thông tin giả khi khai báo trên giấy, chẳng hạn như ghi sai số điện thoại di động.

Từ cuối tháng 12/2021, phạm vi ứng dụng của LeaveHomeSafe dần mở rộng, áp dụng cho tất cả các nhà hàng, quán ăn ở Hong Kong. Tuy nhiên, “trên có chính sách, dưới có đối sách,” cùng lúc đó trên thị trường cũng đã xuất hiện một loạt ứng dụng LeaveHomeSafe giả. Cho đến khi một số người sử dụng bị cảnh sát bắt giữ vì nghi ngờ sử dụng giấy tờ giả thì tình trạng này mới chấm dứt.

Tuy nhiên, một bộ phận người dân Hong Kong vẫn kiên trì tham gia "phong trào không hợp tác."

Kể từ sau khi chính quyền Hong Kong tuyên bố áp dụng chính sách tất cả những ai vào nhà hàng, quán ăn phải khai báo y tế qua ứng dụng LeaveHomeSafe, một số người đã thành lập nhóm “an tâm ăn uống dã ngoại” trên Facebook.

Nhóm này kêu gọi người dân Hong Kong không cần vào nhà hàng, quán ăn, thay vào đó đặt đồ và mang đến những địa điểm công cộng để “ăn uống dã ngoại," để thể hiện sự bất mãn với chính quyền.

Theo tiết lộ của người khởi xướng trang Facebook, trong thời gian đầu lập nhóm, dự kiến nhiều nhất chỉ có 500 người tham gia. Tuy nhiên, sau khi truyền thông đưa tin, số người tăng vọt lên hơn 1.500, vượt xa mong đợi của nhóm.

Vì vậy, gần đây ở một số công viên, cầu thang và ngóc ngách của các không gian công cộng khác nhau ở Hong Kong đều thường xuyên xuất hiện hình ảnh ăn uống dã ngoại của một số người. Họ cũng không để ý đến ánh mắt kỳ lạ của những người đi đường nhộn nhịp, mà chỉ quan tâm đến bản thân.

Một năm qua, không gian tự do của Hong Kong đã thu hẹp đáng kể nên sự đối lập tâm lý của người dân Hong Kong có thể hiểu được. Tuy nhiên, cho dù thế nào thì sức khỏe vẫn nên được đặt lên vị trí hàng đầu. Một khi trận tuyến phòng dịch thất thủ, toàn bộ xã hội sẽ không ai miễn nhiễm.

Những người Hong Kong chán ghét chính quyền luôn thực hiện một số động thái “đối đầu mềm” về phòng chống dịch bệnh, song trên thực tế đây chỉ là những hành động ấu trĩ và ích kỷ.

Trong cuộc chiến chống dịch lâu dài này, chính quyền Hong Kong cần suy ngẫm làm thế nào để lấy lại tín nhiệm của người dân, song người dân cũng phải quan tâm đến tình hình chung và tuân thủ quy tắc phòng dịch. Làm được như vậy mới đem lại lợi ích lớn nhất cho xã hội Hong Kong./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục