Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Yêu cầu từ cấp chi bộ đến Trung ương

Đảng viên tại TP Hồ Chí Minh nhận định những đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về tồn tại, hạn chế về phương thức lãnh đạo của Đảng là rất sát, rất thực tiễn chứ không chỉ là “câu chữ."
Ông Hồ Xuân Lâm (phải), Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ cảm nghĩ về bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với phóng viên TTXVN. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có tựa đề “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cán bộ, đảng viên tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bày tỏ sự tâm đắc với nội dung bài viết, ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thể hiện tầm lý luận sâu sắc của người đứng đầu đảng ta.

Bài viết đã tổng kết và khẳng định vị trí lãnh đạo, cầm quyền tất yếu, không thể thay thế của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc; đồng thời đặt ra yêu cầu tiên quyết về việc đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với cách mạng nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Ngay trong phần mở đầu bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định rõ tầm quan trọng của đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta để đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn lịch sử đất nước trong giai đoạn mới.

Vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng được xây dựng trên cơ sở lý luận chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và được khẳng định tính đúng đắn, tất yếu qua thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đạt được những thành tựu to lớn, vĩ đại về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, vị thế đất nước trên trường quốc tế trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước như hiện nay.

Ông Hồ Xuân Lâm đặc biệt quan tâm tới những chỉ đạo sâu sắc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về yêu cầu trọng tâm của việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, đảm bảo Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh đến yêu cầu “thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng." Đây là yêu cầu mang tính tiên quyết, đặc biệt quan trọng đối với Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.

Vị trí lãnh đạo, cầm quyền của Đảng cũng như vai trò hạt nhân của Đảng trong hệ thống chính trị đã được khẳng định trong Hiến pháp cũng như trong thực tiễn đời sống chính trị đất nước.

Đảm bảo yêu cầu “thống nhất nhận thức” thể hiện sự đoàn kết, thống nhất không chỉ trong Đảng mà còn thể hiện sự đồng lòng, nhất trí của toàn dân về vai trò lãnh đạo, nhân tố quyết định cho sự nghiệp cách mạng nước ta trong giai đoạn lịch sử mới.

Theo ông Hồ Xuân Lâm, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong giai đoạn mới vừa góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, vừa thể hiện vai trò, vị trí của Đảng trong đời sống chính trị, xã hội; khẳng định sự tất yếu Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; sự trung thành tuyệt đối với mục tiêu cao cả của Đảng luôn hướng tới lợi ích của nhân dân vì sự phát triển thịnh vượng của đất nước.

Ông Nguyễn Ngọc Tân (phải), Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận Khu phố 14, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, trao đổi ý kiến về bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với phóng viên TTXVN. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Ông Nguyễn Ngọc Tân, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận Khu phố 14, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, một đảng viên 35 năm tuổi Đảng cho biết bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ ra những yêu cầu quan trọng, tiên quyết về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng từ chi bộ cơ sở đến cấp Trung ương.

Những đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về tồn tại, hạn chế về phương thức lãnh đạo của Đảng là rất sát, rất thực tiễn chứ không chỉ là “câu chữ."

Những tình trạng như ban hành nhiều văn bản, văn bản còn chung chung, dàn trải, trùng lặp là một thực trạng; việc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng tuy hiện chưa thấy rõ ràng, nhưng nếu không được quan tâm chấn chỉnh thì hiện tượng bao biện, làm thay, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng rất có thể sẽ xảy ra như cảnh báo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tân, từ nhận thức thực tiễn cùng lý luận chủ nghĩa Marx-Lenin, kinh nghiệm từ cách mạng Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đề ra 4 phương thức đổi mới sự lãnh đạo của Đảng mang tính cấp thiết phải làm trong giai đoạn cách mạng mới, đòi hỏi các cấp ủy Đảng phải nhận thức, quán triệt cùng Trung ương đổi mới thực sự phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Đặc biệt trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhắc đến tầm quan trọng việc giới thiệu đại biểu ưu tú vào bộ máy nhà nước và nâng cao chất lượng bộ máy, tổ chức cơ quan của Đảng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp hiện nay, đòi hỏi công tác nhân sự phải tìm được những người đứng đầu các cấp ủy đảng, các tổ chức xã hội, hệ thống chính trị của địa phương, đơn vị là những người có tâm huyết, nhiệt tình, có đủ tài, biết cách quản lý và đổi mới phương thức hoạt động để phát huy vai trò lãnh đạo của mình.

Bài viết của Tổng Bí thư cũng nhắc đến yêu cầu tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát. Đây cũng là tâm tư của nhiều đảng viên vì ở một góc độ nào đó thì thời gian vừa qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phần nào đó cũng chưa được hoàn thiện khi vẫn còn để xảy ra những trường hợp đảng viên sai phạm phải kỷ luật.

Điều này đòi hỏi cần phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát một cách thực chất, dân chủ ngay từ chi bộ cơ sở, vì nếu cơ sở không làm tốt thì dẫn đến sự nhìn nhận cán bộ không đúng, không thực chất. Đồng thời đòi hỏi Đảng ta phải quan tâm hơn nữa đến công tác nhân sự, củng cố, hoàn thiện cơ chế, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ từ bí thư, cấp ủy chi bộ cơ sở.

“Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sẽ giúp chúng tôi định hướng hoạt động lãnh đạo trong cấp ủy, trong chi bộ của mình để đề ra những kế hoạch công tác cụ thể. Ví dụ như công tác kiểm tra giám sát thế nào, công tác quán triệt nghị quyết của Đảng ra sao để Nghị quyết của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống trong khu phố của chúng tôi,” ông Nguyễn Ngọc Tân chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục