Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngày 26/7, tại thủ đô Jakarta, Trung tâm Habibie đã tổ chức Đối thoại ASEAN lần thứ 36 với chủ đề “Hậu phán quyết của Tòa Trọng tài về tranh chấp trên Biển Đông.”
Đây là buổi tọa đàm đầu tiên giữa các học giả, chủ yếu đến từ các trung tâm, các viện nghiên cứu lớn của Indonesia cũng như của Bộ Ngoại giao Indonesia nhằm xác định những ảnh hưởng của phán quyết đối với ổn định khu vực; xác định những thách thức và cơ hội hậu phán quyết đối với sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực; đánh giá những phản ứng, hành động mà Indonesia và các bên quan tâm có thể triển khai nhằm khai thác tối đa phán quyết của tòa để duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nhìn lại sự kiện Tòa Trọng tài tại La Hay (Hà Lan) ngày 12/7 ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông. Theo phán quyết của tòa, Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong "đường 9 đoạn."
Tiến sỹ Siswo Pramono, Tổng Vụ trưởng, Trưởng cơ quan Phân tích Chính sách và Phát triển (BPPK) thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia, nhận định rằng đến nay, các nước thành viên ASEAN đã ra tuyên bố riêng về kết quả của Tòa Trọng tài, trong đó đều nhấn mạnh sự kiềm chế, không gây thêm căng thẳng và có những hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, tham chiếu với các chuẩn mực trong các văn bản pháp lý của ASEAN.
Tiến sỹ Siswo Pramono cũng cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ có những tác động nhất định đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) và tình hình an ninh chung của khu vực.
Các đại biểu nhất trí cho rằng, mặc dù đây là phán quyết về mặt kỹ thuật cuối cùng và có tính ràng buộc, nhưng do chưa có cơ chế thống nhất để thực thi, vì vậy, kết quả của phán quyết sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các bên liên quan.
Tham dự buổi toạ đàm, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn nhận xét tác động của những vấn đề được đưa ra hội thảo là rất lớn, vì phán quyết của Tòa Trọng tài mới được đưa ra cách đây hai tuần, tất cả các diễn biến vẫn đang trong quá trình diễn ra, các bên vẫn còn đang chờ xem tác động thực sự của phán quyết để từ đó có những phản ứng thích hợp.
Đại sứ cho biết: "Cho đến nay, nhìn chung các phản ứng của các bên đối với phán quyết này tương đối có chừng mực và tương đối có thể dự đoán được. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn các nước ở khu vực, các bên liên quan vẫn còn đang chờ xem tình hình diễn biến ra sao để họ có phản ứng tiếp theo, thì đây là quá trình đang diễn ra liên tục, tất cả các bên đang tích cực theo dõi."
Nhìn chung các đại biểu đánh giá rằng các bên kể cả Trung Quốc, Mỹ và ASEAN không muốn tình hình quá nhiều biến động, không muốn phán quyết của Tòa Trọng tài ảnh hưởng quá lớn đến môi trường ổn định trong khu vực.
Tất cả các quốc gia trong khu vực đều mong muốn duy trì tình hình ổn định trong khu vực để phục vụ phát triển kinh tế, phát huy ảnh hưởng của mỗi nước, dù rằng mức độ hài lòng với phán quyết là khác nhau đối với một số quốc gia./.