Theo hãng Reuters/AFP/Kyodo/Yonhap/TTXVN, hãng tin Reuters dẫn nguồn giới chức quân sự tại Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết Triều Tiên ngày 27/2 đã phóng một vật thể được cho là một tên lửa đạn đạo và đây là lần thử nghiệm đầu tiên kể từ khi quốc gia có trang bị hạt nhân thực hiện một số lượng kỷ lục các vụ phóng trong tháng 1 vừa qua.
Theo Seoul, vụ thử này đã nối lại chiến dịch thử nghiệm vũ khí dồn dập của Bình Nhưỡng sau một tháng dài diễn ra Thế vận hội mùa Đông tại Bắc Kinh, trong bối cảnh cả thế giới đang tập trung chú ý vào Ukraine.
Đồn đoán về mục đích của Triều Tiên
Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc thông tin Triều Tiên đã phóng một tên lửa có khả năng là tên lửa đạn đạo ra ngoài khơi bờ biển phía Đông của nước này từ một địa điểm gần Sunan, nơi có sân bay quốc tế Bình Nhưỡng.
Sân bay này thường là địa điểm thử nghiệm các loại tên lửa, bao gồm hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào hôm 16/1. Vị tham mưu trưởng cho biết tên lửa phóng ngày 27/2 đã bay với độ cao tối đa khoảng 620km và xa khoảng 300km.
Hãng tin Kyodo của Nhật Bản cũng dẫn nguồn chính phủ nước này cho biết Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo theo hướng Biển Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi phát biểu với các phóng viên tại Tokyo rằng tên lửa được cho là đã rơi ở bên ngoài Vùng đặc quyền kinh tế của nhật Bản sau khi bay khoảng 300km và đạt độ cao khoảng 600km, đồng thời cho biết không có thiệt hại nào được ghi nhận vì vụ phóng này.
Theo các chuyên gia phân tích được Reuters dẫn lời, các số liệu bay này không giống với những cuộc thử nghiệm trước kia, vì vậy có thể suy đoán đây là một tên lửa đạn đạo tầm trung được phóng theo đường đạn hình parabol úp.
Ông Kishi phát biểu trong một tuyên bố trên truyền hình: “Kể từ đầu năm nay, Triều Tiên đã liên tục thực hiện các vụ thử và nước này đang tiếp tục phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo một cách nhanh chóng”. Theo ông, Triều Tiên đang đe dọa an ninh của Nhật bản, khu vực và cộng đồng quốc tế nói chung.
[Mỹ lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên]
Theo hãng tin Yonhap, vụ thử ngày 27/2 diễn ra giữa những quan ngại Triều Tiên có thể phóng một tên lửa tầm xa dưới vỏ bọc một cuộc thử nghiệm không gian hoặc tiến hành các hoạt động gây hấn khác sau lời đe dọa thẳng thừng hồi tháng trước là sẽ phá vỡ lệnh cấm quốc tế về việc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa của nước này.
Về phía Triều Tiên, hãng Reuters dẫn nguồn hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA ngày 28/2 cho biết vụ thử ngày 27/2 vừa qua nhằm phục vụ mục tiêu phát triển một hệ thống vệ tinh trinh sát, song không nói rõ loại tên lửa nào đã được thử.
Tuy nhiên, theo Jeffrey Lewis, một nhà nghiên cứu tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu James Martin về Không Phổ biến Vũ khí, được Reuters dẫn nguồn bài đăng trên Twitter, “đây không phải một vụ phóng vào không gian. Thay vào đó, có vẻ như Triều Tiên đang thử nghiệm chiếc máy ảnh trên một tên lửa được phóng không hết một vòng quỹ đạo Trái Đất” bởi ông cho biết những hình ảnh mà phía Triều Tiên công bố có độ phân giải rất thấp và không rõ mục đích của Triều Tiên muốn đạt được từ vụ thử này là gì.”
Mặc dù vậy, theo Lewis, “vụ thử đã nhắc nhở chúng ta rằng Kim Jong-un đang nỗ lực phóng một vệ tinh trinh sát quân sự. Nhìn chung, vụ thử dã xác nhận rằng chúng ta nên dự trù việc Triều Tiên sớm hay muộn sẽ thực hiện các vụ phóng vào không gian.”
Theo Yonhap, nỗ lực phát triển công nghệ này của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc cũng đang lên kế hoạch phóng một vật thể nhiên liệu rắn ra không gian vào tháng 3 tới như một phần trong kế hoạch triển khai các vệ tinh giám sát quân sự để theo dõi Triều Tiên. Nhà Xanh (Phủ Tổng thống) Hàn Quốc bày tỏ “quan ngại sâu sắc” và “lấy làm tiếc” về vụ việc, đồng thời lên án thời điểm Bình Nhưỡng lựa chọn phóng tên lửa khi mà cả thế giới đang nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Shin Beom-chul, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia về Triều Tiên, nói với AFP rằng trong khi Hàn Quốc cho biết sẽ tham gia với các nước phương Tây cùng áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế chống Nga và với tư cách đồng minh then chốt của Mỹ, đang theo dõi sát sao sự đáp trả của Washington với Moskva, thì Bình nhưỡng lại ‘lợi dụng cơ hội” để thực hiện các vụ thử vũ khí khi mà “mối quan tâm của Mỹ đang chuyển sang châu Âu, tập trung vào cuộc khủng hoảng Ukraine, còn Liên hợp quốc thì chưa thể có hành động gì.
Theo ông, Triều Tiên coi đây là một thời thời cơ hoàn hảo để “tiếp tục phát triển các vũ khí cần thiết và củng cố kho vũ khí hạt nhân của mình”, để đạt mục tiêu được công nhận là một cường quốc hạt nhân.
Về phần mình, Mỹ đã lên án vụ thử mới nhất này và kêu gọi Triều Tiên ngừng ngay các hành động gây bất ổn, song Bộ Chỉ huy quân sự Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ cũng nói rằng vụ thử không đặt ra mối nguy hiểm trực tiếp nào.
Các nhà ngoại giao cho biết hiện Mỹ, Anh, Pháp và 3 thành viên khác của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đang lên kế hoạch đưa vấn đề này ra thảo luận tại một cuộc họp kín của hội đồng trong ngày 28/2.
Trong khi đó, về phía Trung Quốc, đại diện Trung Quốc tại Bán đảo Triều Tiên Liu Xiaoming phát biểu ngày 27/2 rằng ông đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ Sung Kim và hối thúc Mỹ quan tâm đến những mối lo ngại chính đáng và hợp lý của Triều Tiên, qua đó tạo điều kiện để nối lại đối thoại.
Ông viết trên Twitter: “Tôi đã nhấn mạnh rằng trong hoàn cảnh hiện nay, những bên liên quan nên thận trọng trong lời nói và hành động, tránh kích động bên khác, qua đó tránh để leo thang căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.”
Các hãng tin SBS và Maeil dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng ý đồ của Triều Tiên là gây sức ép cả với Mỹ và Hàn Quốc. Theo đó, quyết định phóng tên lửa của Triều Tiên không chỉ là việc triển khai một kế hoạch phát triển vũ khí mà còn ẩn chứa những toan tính chính trị. Mức độ gây áp lực lên Mỹ và Hàn Quốc được Triều Tiên xác định làm cơ sở cho việc lựa chọn thời điểm thực hiện các động thái khiêu khích.
Những động cơ của Triều Tiên
Leif-Eric Easley, một giảng viên tại Đại học Nữ sinh Ehwa, Seoul, được AFP dẫn lời nhận định rằng “Triều Tiên đang vật lộn để cải thiện nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt vì chương trình vũ khí của họ và một giai đoạn dài phong tỏa vì đại dịch COVID-19, nhưng vẫn tiếp tục tiến trình hiện đại kho hóa vũ khí đầy tham vọng theo đúng kế hoạch của mình.”
huyên gia này nói thêm: “Sức mạnh và tính chính đáng của chế độ Kim gắn liền với việc thử nghiệm được các loại vũ khí tốt hơn.”
Từ đầu năm 2022, Triều Tiên kiểm tra mức độ phản ứng của Mỹ và các nước bằng cách gia tăng sức ép lên Mỹ và Hàn Quốc thông qua các vụ thử tên lửa liên tiếp, rồi tạm dừng khiêu khích với cái “cớ” là Thế vận hội Bắc Kinh.
Tuy nhiên, việc Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2 là một biến số nằm ngoài kế hoạch của Triều Tiên. Giới phân tích Hàn Quốc cho rằng đây có thể là một yếu tố khiến Triều Tiên thay đổi kế hoạch ở một mức độ nào đó. Có thể chính quyền Kim Jong-un đã đánh giá rằng vấn đề Triều Tiên đã không còn được quan tâm khi sự chú ý của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Mỹ, đã chuyển sang Ukraine, phía bên kia của lục địa Á-Âu.
Giới chức Triều Tiên cũng được cho là đã tính toán rằng năng lực của Mỹ bị phân tán do cuộc khủng hoảng Ukraine và khả năng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên là thấp ở vào thời điểm hiện nay. Do đó, Triều Tiên đã chớp thời cơ để khẳng định sự hiện diện của mình và gia tăng sức mạnh đàm phán với Mỹ trong tương lai. Theo tính toán của Triều Tiên, Mỹ sẽ phải đứng trước nhiều áp lực hơn khi phải đáp trả đồng thời cả Nga, Trung Quốc và Triều Tiên.
Sự gián đoạn của chuỗi hoạt động thử nghiệm trong giai đoạn Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh được coi là một dấu ấn thể hiện sự tôn trọng ngoại giao đối với đồng minh chủ chốt và cũng là nhà bảo trợ kinh tế như Trung Quốc.
Vụ thử mới nhất diễn ra vào thời điểm Hàn Quốc đang tăng tốc chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 9/3 tới - tức là còn chưa đầy 2 tuần nữa. Tổng thống sắp mãn nhiệm Moon Jae-in, người đã liên tục theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình với Triều Tiên trong suốt 5 năm cầm quyền vừa qua, đã cảnh báo tình hình hiện nay có thể dễ dàng leo thang.
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua thư với các hãng báo chí quốc tế, bao gồm cả AFP, trong tháng này: “Nếu loạt thử tên lửa của Triều Tiên đi xa tới mức vi phạm lệnh cấm thử tên lửa tầm xa, bán đảo Triều Tiên có thể lập tức quay trở lại tình trạng khủng hoảng mà chúng ta phải đối mặt cách đây 5 năm.”
Ứng cử viên hàng đầu của phe bảo thủ Hàn Quốc Yoon Suk-Yeol, tuần trước cũng cho biết Triều Tiên có thể coi cuộc khủng hoảng Ukraine là một cơ hội để xúc tiến các hành động khiêu khích của mình. Tuy nhiên, các ứng cử viên và các nhà phân tích cũng lưu ý rằng ngay cả trước khi xảy ra cuộc xâm lược Ukraine thì lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đang dự tính gia tăng các vụ thử tên lửa khi các cuộc thảo luận với Mỹ và các đồng minh vẫn bế tắc.
Nhận định về phản ứng của Triều Tiên với cuộc khủng hoảng Ukraine, trên Twitter cá nhân, Giáo sư John Dillery của Đại học Yonsei cho rằng phản ứng của Triều Tiên là khá muộn, điều này cho thấy sự thận trọng của giới lãnh đạo Triều Tiên. Nỗi ám ảnh về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ gia tăng khi chứng kiến số phận của Ukraine sau khi từ bỏ tên lửa hạt nhân. Cuộc chiến của Putin đang định hình lại cấu trúc địa chính trị hiện nay, vì vậy nó sẽ ảnh hưởng đến các tính toán của Kim Jong-un ở một mức độ nào đó.
Giáo sư Leif Erik Isley của Đại học Nữ sinh Ewha khẳng định rằng Triều Tiên sẽ thực hiện nhiều hành động biểu tình vũ trang trong tương lai theo kế hoạch hiện đại hóa quốc phòng của nước này. Park Won-gon, Giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Nữ sinh Ewha, nói với AFP: "Triều Tiên sẽ thận trọng khi thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vì nó là quân bài cuối cùng còn lại có thể gây áp lực lên Mỹ.”
John Delury, một giảng viên tại Đại học Yonsei, Hàn Quốc, viết trên Twitter: “Cuộc chiến tranh của Putin hiện đang định hình tất cả các vấn đề địa chính trị tại thời điểm này, và có thể là nhân tố nằm trong tính toán của Kim Jong-un, nhưng dù việc lợi dụng sự sao lãng của các bên có vẻ như là lý lo được nhiều người nhận định, thì thực tế là Triều Tiên đã tích cực thử nghiệm vũ khí từ trước khi chiến tranh nổ ra.”
Bên cạnh mục tiêu đối ngoại nhắm vào Mỹ và Hàn Quốc, một số chuyên gia Hàn Quốc còn cho rằng việc Triều Tiên lựa chọn địa điểm phóng thử vũ khí là một khu vực ngoại ô của Bình Nhưỡng, có lượng dân cư tương đối đông đúc và dễ quan sát là để thu hút sự chú ý của người dân, tăng cường đoàn kết nội bộ.
Ở trong nước, Triều Tiên đang chuẩn bị kỷ niệm 110 năm ngày sinh của người sáng lập đất nước đã quá cố Kim Nhật Thành vào tháng 4, sự kiện mà các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng có thể tận dụng để thực hiện một cuộc thử nghiệm vũ khí lớn. Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Triều Tiên có thể đang chuẩn bị một cuộc diễu binh quân sự để giới thiệu vũ khí trong ngày kỷ niệm quan trọng này./.